Clip của Facebooker N.H. về người cha già giận dỗi, hờn trách con dâu “kiếm ly nước uống cũng không có, đói quá” dù ông vừa ăn xong khiến người xem vừa mắc cười, vừa thương. Còn chị Thu ở quận Bình Thạnh (TPHCM) phải may con chip định vị vào túi áo của người mẹ 83 tuổi bị sa sút trí tuệ (Alzheimer) và suốt ngày canh đón bà về.
Những "em bé" cao niên
Mẹ chị Thu - bà Nguyễn Thị Loan - vốn là trụ cột gia đình. Chồng mất sớm, một mình bà tần tảo, chạy chợ nuôi 5 người con ăn học thành tài. Cách đây 7 năm, bà Loan bắt đầu quên nhớ lẫn lộn và được bác sĩ chẩn đoán bị sa sút trí tuệ. Ký ức của bà Loan trở về mấy chục năm trước. Những đứa con của bà trở thành “cô chú, anh chị”. Bà đòi miết “Cô chú làm ơn cho tui gặp con tui đi”.
Khi 5 anh chị em chị Thu nói “Tụi con là thằng Tâm, thằng Hùng, con Thu, con Ngọc, con Thúy của má nè”, bà lắc đầu và đưa tay ra dấu song song mặt đất khoảng 1m: “Con tui nhỏ chừng này nè. Cô chú đừng gạt tui, tội nghiệp tui”.
|
Bà Sáu lấy cớ “tìm được” khay đựng thuốc uốn tóc để được phụ chị Trúc làm tóc |
Kể từ đó, bà Loan không chịu ăn uống, đêm cũng không chịu ngủ, mà đòi đi tìm con và “ra chợ lấy hàng”. Nhà chị Thu thuê người trông bà nhưng ai cũng “bỏ chạy”. Có ngày bà bắc thang trèo lên nóc tủ vì “Con tui chơi trốn tìm trên đó”. Có hôm, bà lẻn ra đường, lang thang khắp nơi tìm con. Chị Thu khóa cửa thì bà dập cửa, rồi đập đầu vào tường. Anh trai chị Thu phải mua con chip định vị may vào túi áo của mẹ.
Hầu như ngày nào bà Loan cũng đi. Có hôm, bà ghé chợ Hòa Hưng (quận 10, TPHCM). Có lúc, bà đến đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TPHCM)… Từ khi bà phát bệnh, con cái luôn trong tình trạng phải bỏ việc, cuống cuồng đi tìm mẹ.
Bà Sáu - 83 tuổi, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang - tuy không bị sa sút trí tuệ như bà Loan nhưng con cái cũng bở hơi tai khi chăm sóc. Chị Trúc - con bà - làm nghề uốn tóc và làm nail. Ngày nào chị Trúc cũng khốn khổ vì mẹ dọn đồ và giấu kỹ. Đang làm cho khách, chị Trúc phát hiện máy sấy tóc biến mất. Chị phải hét 5-7 lần “Máy sấy của con đâu má?” thì bà Sáu mới nghe (bà bị điếc nặng) và trả đồ cho con gái.
Chị Trúc cười như mếu: “Tối ngày má cứ dẹp rồi giấu đồ của em. Có bữa em làm gấp, tìm hoài không được, hỏi thì má ngơ ngác: “Cái gì vậy con?”, làm em đang giận cũng bật cười”.
Tuy nhiên, điều làm chị Trúc luôn phải để mắt tới mẹ là sự ám ảnh của bà với cái đói. “Mở mắt là má em đã nhắc “Tới giờ nấu cơm rồi”. Má cứ ra vào bếp suốt coi em nấu cơm chưa. Khi nào thấy đồ ăn thì má mới yên tâm ngồi chơi. Cứ 1-2 tiếng má lại bới cơm ăn, rồi lục tủ lạnh tìm thức ăn. Má ăn nhiều nên em cũng hoảng, hỏi “Má ăn nhiều là do má đói hay má quên là má chưa ăn?”. Vậy là má mắng: “Con nghĩ má là quỷ hả? Con nghĩ má ăn giống quỷ ma hả? Má đói cũng không được ăn hả?” - chị Trúc kể. Vì vậy, chị Trúc chỉ dám âm thầm quan sát và cho mẹ uống thuốc.
Ngược lại, chị Ngọc Yến (quận 7, TPHCM) lại khổ sở vì cha mẹ không chịu ăn. Chị Yến gọi cha mẹ 85, 87 tuổi là những “em bé” khó chiều. Mẹ chị thấy mâm cơm là trốn sau ghế. Cha chị hợp tác hơn nhưng đút 1 muỗng ông ngậm 15 phút, có khi ngủ gục vẫn chưa nuốt. Mỗi bữa cơm là cuộc chiến của cha mẹ và con. Chị Yến phải năn nỉ, dỗ ngọt, nhắc lại chuyện xưa và sáng tạo nhiều chiêu dụ cha mẹ ăn uống.
Biết ơn và biết chấp nhận tình trạng cha mẹ
Nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ già là trách nhiệm, đòi hỏi sự kiên nhẫn, thấu hiểu và hy sinh từ con cái. Khi về già, sức khỏe cha mẹ suy giảm, thường xuyên bị đau nhức xương khớp, tim mạch, huyết áp, mất ngủ, di chuyển khó khăn… nên rất cần sự chăm sóc của con cháu. Chưa kể, cha mẹ già đi một vòng tròn hành trình cuộc đời bỗng quay lại như trẻ nhỏ, thích làm theo ý mình. Chị Thùy - con gái bà Tám, 90 tuổi, hàng xóm của bà Sáu - kể: “Má tôi khỏe mạnh, minh mẫn nhưng con cái phải để mắt gần như 24/24. Chúng tôi dọn dẹp nhà, cứ quăng đồ cửa trước thì má lượm vô cửa sau. Má hay quét sân vườn, gom rác rồi lấy xăng, dầu đốt. Mấy lần gió mạnh, lửa cháy bén qua nhà hàng xóm, may mà phát hiện dập kịp. Lúc đầu, chị em tôi cự má dữ lắm, giải thích những tình huống nguy hiểm cho má hiểu nhưng má tôi vẫn khăng khăng: “Dễ gì cháy được”. Vì vậy, chị em tôi thấy má ra vườn thì đi theo quét dọn sân vườn, đốt rác cùng má. Khi làm cùng má, tôi nhận ra khoảnh khắc đó thật đặc biệt. Má con tôi nói đủ chuyện và đâu dễ ở tuổi “nửa trăm” của tôi, người khác còn được lao động với người mẹ 90 tuổi”.
|
Chị Trúc và mẹ. Bữa ăn thứ năm trong ngày của bà Sáu |
Chăm sóc cha mẹ già, đặc biệt là với những cụ bị sa sút trí tuệ hoặc nằm một chỗ càng khó khăn, vất vả hơn. Không ít cha mẹ già rơi nước mắt khi con cái nặng lời vì chăm sóc vất vả.
Chị Thu thừa nhận: “Lúc mới chăm mẹ bị bệnh, anh chị em tôi cũng có lúc cáu gắt với mẹ và cả cáu gắt với nhau. Chúng tôi không có kinh nghiệm chăm sóc bệnh này, lại không thể chấp nhận được việc mẹ trở thành một đứa trẻ, không nhận ra con cái”. Có những lúc, mẹ chị Thu bị kích động và bà càng sợ “chú hung dữ” khi anh trai chị Thu gắt: “Tụi con là con của mẹ, tại sao mẹ không nhận ra?”. Nhưng từ khi gia đình chị Thu đổi chiến thuật “nương theo suy nghĩ của má”, mẹ chị vui vẻ, tỉnh táo hơn và người chăm sóc cũng nhẹ nhàng hơn.
Chị Thu kể: “Trước đây, khi má đi lạc, chị em tôi đến đón về rất khó khăn vì má “không đi với người lạ và phải đi tìm con”. Sau này, chúng tôi đóng vai người qua đường, cho má quá giang thì má vui vẻ lên xe”.
Mấy tháng nay, mẹ chị Thu chuyển qua giai đoạn nằm một chỗ. Tuy nhiên, khi không vừa ý như lúc ăn, tắm là bà cào cấu, nhéo con đau điếng. Chị Thu chia sẻ: “Chỉ có tình thương, sự biết ơn và chấp nhận tình trạng của má mới giúp chúng tôi vẫn giữ được sự dịu dàng, kiên nhẫn với má”.
Lâu nay, việc chăm sóc cha mẹ già thường bị xem là trách nhiệm nặng nề, vất vả. Song, khi chọn góc nhìn tích cực, chúng ta sẽ thấy nhẹ nhàng hơn. Chị Yến tâm sự: “Cha mẹ già giống như ngọn đèn trước gió, mai này con cái có muốn cũng không còn cơ hội chăm sóc. Nghĩ vậy mà tôi thấy mỗi ngày bên ba má là khoảng thời gian quý báu và hạnh phúc”. Tương tự, chị N.H. - cô con dâu ở đầu bài - cũng chọn thái độ tích cực: “Chăm sóc cha mẹ là phước báu”.
Sự quên nhớ, quở mắng của người già là câu chuyện buồn trong nhiều gia đình. Nhưng chị H. lại nhìn theo cách thú vị, hài hước. Chị thường quay clip những mẩu đối thoại quên nhớ lẫn lộn của người cha già với con cháu mà ai xem cũng bật cười. Như khi ông đòi về quê, chị không ngăn cản, mà nói: “Trời ơi, giám đốc mà bỏ công ty đi sao được! Giám đốc đi về quê là sa thải, mướn giám đốc mới thay ba phải không?”. Nghe vậy, ông cười móm mém “Đâu có được, ba phải làm giám đốc để lãnh lương chớ”.
Chị H. cho biết, từ khi chị quay clip, ba chồng nói nhiều hơn, vui vẻ hơn và tỉnh táo hơn nên việc chăm sóc ông không vất vả như trước. Đặc biệt, ông cụ cũng có rất nhiều người hâm mộ vì sự hài hước của cái quên nhớ đáng yêu.
Chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng đầy ý nghĩa. Với sự yêu thương, kiên nhẫn và thấu hiểu, con cái có thể giúp cha mẹ tận hưởng tuổi xế chiều an nhàn và trọn vẹn nhất.
Theo phụ nữ TPHCM