Ngày ấy, vào những buổi sáng mùa hè, sương mai còn ướt đẫm trên cành lá, má gom mền chiếu ra ngoài bờ giếng, hì hục chà xát, cuốn vắt. Dáng má gầy gò, lưng khom xuống giữa mớ mền rực rỡ sắc màu. Cái thau nhôm va vào thành giếng kêu rổn rảng theo từng nhịp tay má đánh bàn chải.
Mền của tôi nhỏ nhưng lông dày, in những bông hoa đỏ thẫm. Những sáng mùa đông lạnh lẽo, má kêu dậy đi học, tôi nằm lì trên giường, quấn chặt cái mền không buông. Mùa hè đến, má giặt mền thật sạch rồi bỏ vào bịch cất lên đầu tủ, chờ đến khi trời chuyển thu mới đem ra cho tôi dùng.
Mền của má lớn nhưng mỏng hơn, màu tím than, đôi chỗ đã sờn cũ, mép đã bung chỉ, phải lấy kim may chần lại. Mùa lạnh đắp không đủ ấm, má phải phủ thêm một tấm mền cũ nữa lên trên. Tôi bảo má đắp chung mền với mình, nhưng má kêu tôi học bài khuya thì lấy mền ấy trùm lên người cho ấm, còn má mặc thêm mấy lớp áo trong người, không lạnh đâu mà lo.
Tôi thương má, bắt chước bà ngoại xuống bếp xúc một nồi than hồng đem để dưới giường má. Nghe tiếng má thở đều, tôi mới yên tâm lại bàn ngồi học bài.
Riêng mền của cha lớn nhất mà cũng mỏng nhất, họa tiết rằn ri, xù hết lông, thấy rõ từng sớ vải. Cha là thợ xây, vắng nhà quanh năm; mỗi lần cha về, má lại lấy tấm mền ấy ra cho cha đắp. Dù mền mỏng vậy, tôi chưa từng nghe cha than lạnh bao giờ.
Cha bảo mình sống “lưu động” quen rồi. Hồi mới vào nghề, cha đi theo mấy chú thợ, dựng chòi ngủ ngay bên công trình; lắm lúc cha không có được cái gối mà ngả đầu chứ mơ gì đến mền, chỉ biết rúc sâu vào tấm áo nồng mồ hôi mà ước gì nó rộng ra một chút.
Tôi ngủ dậy, nghe tiếng gàu khua ngoài giếng, ngó ra thấy má ngồi giữa mớ mùng mền đầy ụ. Tôi rửa mặt, súc miệng rồi chạy tới chỗ má, thả gàu xuống giếng múc nước đổ đầy thau. Mấy tấm mền dày giặt cực lắm, lại nhúng nước nên nặng trịch, giặt một lúc mà lưng áo má mướt mồ hôi. Tôi ghé tay phụ má xả mấy lần cho sạch hết xà bông, sau đó mỗi người nắm lấy 2 góc mền, nghiêng mình vặn cho ráo hết nước.
Xong xuôi, má đi kiếm cây sào dài vắt ngang lên chạc cây cao. Tôi khệ nệ bưng cái thau lại, cẩn thận lấy mấy tấm mền tấp lên sào, căng ra cho thẳng thớm, ráng không để phết đất. Má bẻ thêm mấy nhành cây nhỏ, tước hết vỏ cho khỏi dơ, đem chống lên giữa tấm mền để phơi mau khô.
Mấy cái mền dày phải phơi trọn một ngày nắng to, cách giờ phải ra vắt nước ở 4 góc, rồi còn phải lật đi lật lại, chỗ này râm mát phải gom đi phơi ở chỗ có nắng. Vất vả là vậy, nhưng đến chiều, mấy tấm mền khô rang, tôi ôm vào nhà trải lên giường nằm lăn lộn, nghe mùi nắng mới thơm nồng trong sớ vải mà lòng rộn rã niềm vui.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - H.Phú |
Sau này lớn hơn, những sớm mùa hè trời vừa ửng, tôi dậy sớm gom hết mùng mền ra giếng múc nước ngồi giặt, rồi tự vắt tự phơi, không để má đụng tay vào. Giặt giũ cũng là một niềm hạnh phúc. Tôi nghe ai đó nói vậy và thấy điều này thật chính xác với bản thân mình. Quần áo giặt thật sạch, xả nước thật thơm rồi đem phơi trong nắng, nhìn những mảnh vải đủ màu sắc tung bay trong gió, tôi bỗng thấy yêu đời và yêu thêm những công việc nội trợ.
Ba má bây giờ đều lớn tuổi, cuộc sống không còn khó khăn như trước. Muốn giặt giũ, cứ việc đem tất cả bỏ vào máy giặt, máy sấy, ấn nút một cái, lát sau là xong. Thế nhưng sáng nay, ngồi lắng nghe tiếng máy giặt vận hành, nhìn đống mùng mền xoay tròn trong lồng giặt, tự nhiên tôi lại nhớ tới bờ giếng rêu phong ngày xưa, nhớ dáng má gầy gò ngồi khom lưng đánh bàn chải, nhớ những bọt xà bông trắng xóa bồng bềnh trong cái thau nhôm…
Theo phụ nữ TPHCM