“Bà ấy” mà con tôi nhắc là con gái của vị tướng Sài Gòn trước năm 1975 mà nói tên ông ra chắc nhiều người biết. Vị tướng đã mất. Ông có cô con gái đang sống ở Mỹ. Con trai tôi, một họa sĩ lớn lên sau ngày đất nước thống nhất, tình cờ quen biết bà qua mạng xã hội. Trò chuyện qua lại, con tôi và bà ấy mới biết cả hai đều đã sống ở ngôi nhà đó trong các thời điểm khác nhau.
|
|
Tác giả trước ngôi nhà mà khi mới vào Sài Gòn bà ở cùng với gia đình chị gái |
Nhà của bà ấy sống trước năm 1975 thì rõ rồi. Còn anh họa sĩ con tôi thì câu chuyện là sau khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, năm 1987, tôi dắt đứa con nhỏ khi đó mới lên 6 tuổi từ Hà Nội vào Nam “làm người Sài Gòn”. Mẹ con tôi ở nhờ nhà anh chị. Ngôi nhà của vị tướng lớn đến nỗi Nhà nước phải chia thành nơi ở cho nhiều chủ nhà - các sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam. Anh rể tôi, một đại tá, được chia ở căn nhà chính. Con trai tôi đã lớn lên, đi học ở đó và sau này trở thành họa sĩ, sang Mỹ làm việc.
Theo lời dặn của con, tôi sang quận 5 để chụp hình ngôi nhà cũ, nay đã qua nhiều chủ mới. Năm ngoái, tôi đã chụp ảnh căn nhà ấy 1 lần, lúc bấy giờ là một tiệm ăn khá lớn. Nhưng năm nay nhà đã đổi chủ, đóng cửa và trưng biển một tiệm làm dịch vụ.
Tôi đứng hồi lâu trước căn nhà ghi dấu quãng đời mẹ con tôi đã sống khi mới vào Sài Gòn. Nhà của vị tướng rất to lớn nên phía trong, nơi sân sau, có cả một trụ xây vươn cao qua nóc nhà, người ta nói máy bay trực thăng có thể đậu xuống.
Nhớ ngày mới vào Sài Gòn, tôi đem chiếc bao tải bọc bên trong là… cái xe đạp cũ, nhờ anh thợ lắp lại để dùng. Anh rụt rè bảo: “Thấy cô đưa kiện hàng, tôi tưởng đồ xịn bên bển gửi về”. Chắc anh không nỡ nói: “Ai dè một chiếc xe đạp cũ, lại còn mang biển số Hà Nội. Dân Sài Gòn chỉ xe máy, ô tô mới có biển số”. Ngay từ những ngày đầu vào Sài Gòn, tôi thường đạp xe đưa con vào trường mẫu giáo rồi quay xe đạp hối hả đến cơ quan, hầu như khi nào cũng nghe tiếng con khóc sau lưng.
Khi tôi gửi cho con những tấm hình chụp ngôi nhà, con tôi nói “bà ấy” rất thích và muốn biết nhiều hơn nữa về phía trong ngôi nhà thời thơ ấu của mình, muốn biết giờ nó trông thế nào.
Nghe con nói về mong muốn của “bà ấy”, tôi càng thêm hiểu, mỗi ngôi nhà, mỗi xứ sở sống qua, quê hương dù bao năm tháng, bao biến động lịch sử, chỉ làm con người thêm gắn bó với bao thương nhớ. Nó là nhân chứng không lời của sự hòa hợp.
Dù chỉ là rời quê lên Hà Nội, Sài Gòn, các đô thị lớn sinh sống và làm việc, nhưng mỗi dịp lễ tết là dòng người chảy về mọi miền. Tôi ở Sài Gòn, luôn nhớ thương Hà Nội. Còn lúc nhỏ, tôi sống bên Hồ Tây nên cũng thích câu hát “Ai về thủ đô tôi gửi vài lời/ Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó…”. Vì thế, tôi rất thấu hiểu nỗi nhớ thương ngôi nhà xưa của người con gái vị tướng và hiểu cả tấm lòng anh họa sĩ, con tôi, cũng đã từng sống qua ngôi nhà dù không phải nhà của mình.
Quê hương - Tổ quốc - nhà - luôn thiêng liêng trong tim mỗi người.
Theo phụ nữ TPHCM