Tôi không biết bà nội ăn trầu từ năm nào, chỉ nhớ khi tôi lên 6 tuổi, sang nhà bà chơi thì đã được bà nhờ giã trầu. Bà nội có cái cối bằng đồng, lòng cối sâu; thanh giã được cột luôn vào cối bằng dây len đỏ để không bị lạc mất. Tôi lớn lên với hình ảnh bà bỏm bẻm nhai trầu, nước trầu màu đỏ nâu vương trên những nếp nhăn quanh miệng khi bà nhoẻn cười.

Tôi từng hỏi bà: “Bà ơi, trầu có ngon đâu mà sao bà thích ăn vậy?”. Bà cho tôi nếm thử một miếng, tôi hét lên: “Cay quá bà ơi”. Một đứa trẻ không hiểu được vì sao người ta lại có thể ghiền cái vị cay nồng, đắng pha chát trong miếng trầu. Bà tôi cười, bảo bà cứ thế ăn, vì đã quen rồi.

leftcenterrightdel
 Có ai còn giữ được cối giã trầu này? Có cả cái búa để đập dập miếng cau rồi mới cho vào cối giã

Cái vị đặc biệt trong những miếng trầu là từ lá trầu không, vôi trắng, miếng cau nguyên hạt, những sợi thuốc lào và vỏ cây chay. Tôi nhớ giàn trầu của bà quanh năm xanh tốt, những nhánh trầu vươn cao, bám chặt rễ vào mảng tường xi măng đầy rêu. Tôi thường phụ bà hái lá trầu và rất thích thú chơi với những lá trầu đã chuyển sang màu vàng.

 
Công việc giã trầu chẳng phải đơn giản, vì miếng cau và vỏ chay rất cứng, cần dùng thanh giã nghiền cho thật nhuyễn. Tay bà yếu nên cần cháu giúp. Mỗi khi sang chơi, nếu bà vừa ăn trầu xong thì tôi giã sẵn thêm một cối, để nguyên trầu trong chiếc cối ở đầu giường cho bà ăn cữ sau. 

Ngày ấy, tôi thường đi học về là chạy sang nhà ông bà, sẵn sàng làm bất kỳ công việc nào bà nhờ. Như có bữa thì xâu chỉ luồn kim, có hôm nấu cho bà nồi cơm, châm củi vào cái bếp đang cháy dở, nhặt cho bà mớ rau, cầm tiền đi mua một món đồ nào đó… Trong nhà có cái bánh, cục kẹo nào, bà cũng thường để dành cho mấy đứa cháu.

Bà tôi ăn trầu nhưng răng không hề đen mà vẫn trắng. Bà giải thích, muốn răng đen thì phải nhuộm; còn nếu tôi muốn làm sạch và trắng răng thì hoàn toàn có thể lấy miếng cau chà đi chà lại. Bên những miếng trầu, bà tôi kể biết bao nhiêu câu chuyện cổ tích, những chuyện từ thời ông bà vẫn còn trẻ, rồi vì sao có làng, có ngôi nhà này, vì sao ba tôi lấy mẹ tôi… 

Ba tôi nấu món gì ngon cũng đều mang sang mời ông bà. Mỗi ngày mấy bận qua lại coi sóc nhà cửa xem có cần giúp gì không, lúc nào cũng một dạ, hai vâng trước ba mẹ đã già yếu… Ba nói hồi trẻ đã từng có cơ hội đi làm xa và kiếm nhiều tiền hơn, nhưng vì 2 bác là liệt sĩ, ba là con trai thứ lại thành con trai trưởng, cần có nghĩa vụ chăm sóc ông bà. Tôi nhìn ba như vậy nên cũng muốn chăm sóc, kính cẩn với ông bà. 

Những năm một ngàn chín trăm hồi đó, truyền thống kính trọng người già trong làng tôi có lẽ đi từ cơi trầu. Trong bất cứ dịp lễ, tết hay đám hiếu, đám hỉ, nhà nào cũng bày sẵn một đĩa gồm lá trầu, thuốc lào, trái cau, vỏ chay và vôi trên bàn để các cụ dùng.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa

Bây giờ vẫn còn tục lệ lễ cau trầu khi thắp hương, nhưng người ăn trầu đã hiếm đi. Khi bà tôi mất, sau mỗi lần dâng lễ, ba tôi đều dặn: “Để cau trầu đấy, lúc nào tiện thì ba mang sang cho bà H.”. Bà H. ở ngay cạnh nhà bà nội tôi và cũng thích ăn trầu, nhưng rồi mấy năm sau thì bà H. cũng về với cội. Những lá trầu, những trái cau sau mỗi lần lễ cúng chẳng còn biết để cho ai.

Tôi nghĩ, với những đứa trẻ ngày xưa, miếng trầu không chỉ là thức quà bỏm bẻm cho vui miệng của các cụ mà còn là sợi chỉ đỏ nối những thế hệ già trẻ lại với nhau. Cháu chắt hiếu thảo với ông bà nhờ ba mẹ biết cách làm gương, hướng dẫn. Những người ông, người bà cũng có tuổi già ấm áp, vui vầy hơn bên con cháu. 

Mấy chục năm trôi qua, giàn trầu của bà tôi đến nay vẫn tươi tốt như những ký ức ngày bé ngồi giã trầu cho bà vẫn còn mãi. 

Theo phụ nữ TPHCM