Đó là những lời cuối cùng bà Ae Soon nói với cậu con trai khờ dại In Gyu trong những ngày cuối đời. Bài học cuối bà dành cho cậu con trai bà yêu thương hơn cả sinh mạng là bài học về cái chết. Bà muốn In Gyu hiểu rằng sẽ đến ngày mẹ không còn trên đời nữa, con phải độc lập và vững vàng trên đôi chân của mình, mạnh mẽ đối diện với cuộc đời, ngay cả khi không còn mẹ…

Những lát cắt dịu dàng mà tinh tế

Ngày không còn mẹ là bộ phim độc lập ra mắt năm 2017 của Hàn Quốc, do Cho Young Jun viết kịch bản và đạo diễn. Không đơn thuần chỉ là một tác phẩm điện ảnh, bộ phim là câu chuyện của chính gia đình đạo diễn được kể lại dưới góc nhìn đầy nghệ thuật mà cũng đầy nhân văn của điện ảnh. Từ câu chuyện có thật của gia đình mình, về người mẹ và người anh trai bị khuyết tật từ nhỏ, đạo diễn Cho đã viết 1 kịch bản đầy xúc động, lấy nước mắt của hàng triệu khán giả.

Bộ phim là một lời tri ân cảm động dành cho những người mẹ trên toàn thế giới
Bộ phim là một lời tri ân cảm động dành cho những người mẹ trên toàn thế giới
 

Dự án được đạo diễn Cho Young Jun ấp ủ trong suốt 7 năm, với tất cả tình cảm và tâm huyết. Bằng những lát cắt dịu dàng mà tinh tế, Ngày không còn mẹ nhẹ nhàng đưa người xem bước vào cuộc sống thường nhật bình dị của gia đình bà Ae Soon (diễn viên gạo cội Go Doo Shim thủ vai), cùng cậu con trai út In Gyu (diễn viên Kim Sung Kyun thủ vai) không may bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh, dù đã 30 tuổi nhưng tư duy chỉ như đứa trẻ lên 7.

Không quá cầu kỳ về cách kể chuyện hay những yếu tố kịch tính lôi kéo khán giả, những khoảnh khắc đầy xúc động của mẹ con In Gyu như một cuốn phim được quay chầm chậm, từ bữa cơm gia đình, những cằn nhằn của người mẹ, đến những trò đùa ngây ngô của In Gyu. Tuy nhiên, đằng sau sự bình dị ấy là nỗi lo lắng bất an khôn nguôi của bà Ae Soon về tương lai đứa con trai tội nghiệp. Nếu bà không còn trên đời, con trai bà sẽ sống tiếp ra sao?

Cho đến một ngày, những lo sợ ấy đến sớm hơn dự kiến, khi bà nhận kết quả bị u não giai đoạn cuối. Thay vì gửi con vào trung tâm bảo trợ xã hội và cô đơn, buồn bã với bốn bức tường, bà quyết định dành những ngày cuối cùng của cuộc đời mình để thực hiện kế hoạch “huấn luyện” cho In Gyu làm quen với cuộc sống tự lập. Với sự giúp đỡ của những người bạn tốt bụng, bà dần dạy cho “cậu bé” In Gyu biết tự chăm sóc bản thân, biết làm việc và giao tiếp, đối diện với xã hội. Cuối cùng, bà dạy cho con trai về cái chết của mình, như một sự rời xa vĩnh viễn, cho cậu biết sự thực là “không có thiên đường nào cả!”. Đó là một hành trình đầy xót xa nhưng cũng đầy xúc động và ngập tràn yêu thương.

Dù kết thúc bằng sự chia ly nhưng bộ phim vẫn lấp lánh tình người và tình yêu thương, đồng cảm
Dù kết thúc bằng sự chia ly nhưng bộ phim vẫn lấp lánh tình người và tình yêu thương, đồng cảm

 

“Tôi muốn gửi gắm thông điệp rằng cuối cùng, tất cả bậc cha mẹ và con cái của họ đều phải chuẩn bị cho sự từ biệt tất yếu” - Cho Young Jun - đạo diễn kiêm biên kịch của Ngày không còn mẹ - chia sẻ. Vị đạo diễn tài năng cũng nhấn mạnh rằng thông điệp chính của bộ phim là về tình yêu thương và sự chấp nhận. Ông muốn khán giả hiểu rằng dù có những khác biệt, mỗi người đều xứng đáng được yêu thương và tôn trọng.

Go Doo Shim là một trong những diễn viên gạo cội nổi tiếng của điện ảnh Hàn Quốc. Vai diễn của Go Doo Shim từ dáng đi, cử chỉ, đến ánh mắt đều chất chứa yêu thương và những nỗi niềm của một người mẹ hy sinh cho con đến khi nhắm mắt xuôi tay. Diễn xuất chân thực và xúc động của bà đã khiến người xem vừa xúc động nghẹn ngào, vừa khâm phục vì tình yêu thương vô bờ bến.

Vai diễn người con trai bị thiểu năng trí tuệ dành cho diễn viên Kim Sung Kyun. Để hóa thân vào vai một người đàn ông bị chứng thiểu năng, nam diễn viên đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, trò chuyện với những bệnh nhân mắc chứng thiểu năng, quan sát từng cử chỉ, cách nói năng, đi đứng nhằm nắm bắt thế giới nội tâm của họ. Và quả thực, vai diễn In Gyu của Kim Sung Kyun khiến người xem đi qua rất nhiều trạng thái cảm xúc, khi ngây ngô, khờ dại; khi lại đầy hoang mang sợ hãi nhưng thật ấm áp.

Quá trình thực hiện bộ phim đơn giản, nhẹ nhàng với kinh phí hạn chế, những cảnh quay chủ yếu được thực hiện trong nhà hoặc trên đường phố tại Jeonju. Đó là một thành phố ở phía tây nam của Hàn Quốc, nổi tiếng với vẻ đẹp cổ kính và phong cảnh hữu tình; được chọn nhằm tạo nên không khí ấm áp và đượm buồn cho bộ phim. Ca khúc nhạc phim Beautiful Restriction do ca sĩ Lee So Ra thể hiện với lời ca về tình yêu và sự hy sinh, cùng giai điệu sâu lắng làm nền cho câu chuyện, trở thành một phần không thể thiếu của bộ phim.

Bằng những lát cắt dịu dàng mà tinh tế, Ngày không còn mẹ nhẹ nhàng đưa người xem bước vào cuộc sống thường nhật bình dị của gia đình bà Ae Soon
Bằng những lát cắt dịu dàng mà tinh tế,Ngày không còn mẹnhẹ nhàng đưa người xem bước vào cuộc sống thường nhật bình dị của gia đình bà Ae Soon

 

Lời tri ân đến tất cả người mẹ

Ngày không còn mẹ đã tạo nên cơn sốt phòng vé tại Hàn Quốc và hầu hết các nước châu Á mà bộ phim được phát hành. Phim giành giải Daesang tại Korea Drama Awards lần thứ 10 ngay trong năm 2017, giải Kịch bản xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Wildflower lần thứ 5 năm 2018 và được khán giả bình chọn là Bộ phim được yêu thích tại Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 22.

Không chỉ đơn thuần là một bộ phim cảm động về tình mẫu tử, đây còn là một tác phẩm điện ảnh chứa đựng những giá trị vượt thời gian. Người xem cảm nhận được những ý nghĩa lớn lao về tình yêu thương, sự hy sinh và lòng trắc ẩn giữa những con người bình thường. Một câu chuyện dù kết thúc bằng sự chia ly nhưng lấp lánh tình người và tình yêu thương, đồng cảm.

Hãng tin Yonhap News của Hàn Quốc nhận định: "Bộ phim là một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử, khắc họa một cách chân thực và tinh tế những khó khăn mà các gia đình có con cái khuyết tật phải đối mặt". Nhà phê bình phim Park Ji-yoon cũng dành lời khen: "Bộ phim là một lời tri ân cảm động dành cho những người mẹ trên toàn thế giới. Nó nhắc nhở chúng ta về tình yêu thương vô điều kiện và sự hy sinh cao cả của mẹ".

Trailer phim Ngày không còn mẹ:

Sau tất cả, bộ phim cho ta thấy những giới hạn buộc phải chấp nhận của con người. Chia ly là không thể tránh khỏi. “Vì chết là hoàn toàn biến mất, không thể chạy về mỗi khi con cần, dù con có gây ra lỗi gì mẹ cũng không quay lại cứu con được nữa…” - từng câu nói của bà Ae Soon như kéo In Gyu và cả khán giả về lại thực tại, phá vỡ những ảo tưởng về sự tái sinh hay thiên đường đẹp đẽ. Những lời nói của một người mẹ kiên cường như bài học giúp đứa con trai bé bỏng tỉnh táo và mạnh mẽ đối diện với cuộc sống phía trước đầy khó khăn. Từng câu nói của bà Ae Soon bình thản nhưng chất chứa những đau đớn của người mẹ khi phải rời xa đứa con mà bà yêu thương hơn cả bản thân.

Bên cạnh câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng, Ngày không còn mẹ còn là câu chuyện về sức mạnh và vẻ đẹp tâm hồn của những con người không hoàn hảo như In Gyu. Dù “chậm hơn người khác một chút” - như bà Ae Soon nói - nhưng cậu vẫn là một chàng trai có trái tim dịu dàng, luôn yêu thương và chia sẻ. Cậu cũng bị tổn thương khi bị mắng là “đồ ngốc” và cậu cũng biết cố gắng phấn đấu để làm việc, để được chấp nhận và để mẹ yên lòng.

Hơn cả một tác phẩm điện ảnh, Ngày không còn mẹ còn là một lời tri ân của đạo diễn Cho Young Jun gửi đến mẹ và người anh yêu quý cũng như tất cả người mẹ trên khắp thế gian, những người sẵn sàng dành cả cuộc đời để yêu thương, hy sinh vì con cái. Một đề tài tưởng quen thuộc, bình dị nhưng mãi mãi vẫn là câu chuyện đẹp đẽ nhất, thiêng liêng nhất.

Theo phụ nữ TPHCM