Sinh ra và lớn lên ở một làng quê Bắc bộ nên từ nhỏ tôi đã quen với môi trường giáo dục nghiêm khắc của gia đình về những phép tắc trong ứng xử giao tiếp. Người miền Bắc thường coi trọng đánh giá của người khác. Vì vậy, lần đầu ra mắt nhà chồng tương lai, tôi lo lắng sự khác biệt văn hoá Bắc - Nam sẽ khiến tôi bị mất điểm, nhất là khi tôi nghe nói mẹ chồng rất khó tính.

Tôi nhớ như in cảm giác nôn nao, hồi hộp khó tả trên chuyến bay ngày nào từ Singapore về TPHCM vào tháng 12 năm 2014. Đó cũng là lần đầu tiên tôi đặt chân lên mảnh đất phồn hoa này

leftcenterrightdel
 Tác giả (áo đầm trắng) tự hào là một cô dâu Sài Gòn
TPHCM cuối năm đón tôi bằng cái nắng dịu dàng và những cơn gió nhẹ nhàng, man mát. Ngồi trên taxi, tôi nhờ bác tài mở cửa sổ để tôi có thể lắng nghe những thanh âm thân thuộc của quê hương. Dù nơi đây còn cách mảnh đất chôn nhau cắt rốn của tôi cả ngàn cây số, nhưng khi đi càng xa, khái niệm quê hương dường như càng lớn.

Với tôi, Việt Nam là quê hương thì đứng ở đâu trên dải đất hình chữ S, tôi cũng cảm thấy mình đang được ôm ấp và che chở. Cảm giác ấm áp ấy đã tự nhiên làm dịu đi sự bồi hồi, lo sợ trong tôi. Bước chân vào nhà, cảm nhận đầu tiên của tôi là sự tối giản khác hẳn những ngôi nhà ở miền Bắc.

Căn nhà không có nhiều nội thất, mọi thứ đều bố trí cho tiện sinh hoạt. Tôi để ý từng ngóc ngách không có một hạt bụi. Ở ngay cửa chính, mẹ đã để sẵn cho chúng tôi 2 đôi dép theo hướng thuận xỏ chân. Vào tới cầu thang lên tầng lại có 2 đôi dép khác để thay.

Hơn 20 năm trong đời, đây là lần đầu tiên tôi được ai đó chuẩn bị sẵn đến cả đôi dép đi trong nhà một cách tinh tế, chu đáo như vậy. Đối với tôi, đó không phải là đôi dép bình thường mà là đôi dép của riêng tôi ở nhà chồng, một nơi sẽ trở thành gia đình thứ hai của tôi. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi chúng tôi về nhà ba mẹ, những đôi dép dành riêng cho chúng tôi vẫn luôn được mẹ để sẵn ở cửa như một “nghi thức” chào đón con cháu của mẹ trở về.

Sau màn chào hỏi đơn giản, mẹ kêu chúng tôi lên phòng nghỉ ngơi, lát nữa mẹ gọi xuống ăn trưa. Dù mẹ nói vậy và dù tôi cũng mệt nhừ sau chặng đường dài nhưng tôi vẫn lò dò xuống bếp để phụ mẹ nấu ăn. Lần đầu về ra mắt, tôi nào dám ngồi không chờ mẹ chồng phục vụ.

Đã nghe kể nhiều câu chuyện mẹ chồng nàng dâu lại là một “fan” của phim Hàn Quốc, tôi còn cho rằng biết đâu mẹ đang “thử” con dâu tương lai. Thế nhưng mẹ kiên quyết không cho tôi làm gì, một hai bảo tôi lên nhà nghỉ ngơi. Mẹ bảo "con chưa biết làm đúng ý mẹ". Tôi đành đi lên phòng, trong lòng đầy lo lắng. Sau gần chục năm làm dâu của mẹ, mỗi dịp về thăm nhà, tôi cũng chưa bao giờ phải làm gì vẫn vì một lý do như ngày đầu tiên, con không biết làm đâu.

Đến bữa trưa, trước khi ăn, mẹ nhìn tôi cười và nói “mẹ không giỏi nấu ăn nên con ăn tạm nhé”. Nghe vậy, tôi thấy thương mẹ quá chừng, khoảng cách mẹ chồng con dâu dường như đã hoàn toàn biến mất. Những món mẹ nấu thực sự đơn giản như cách mẹ sống vậy. Để nấu món canh cá thu, mẹ chỉ bắc nồi nước lên bếp, chờ sôi rồi thảcá đã ướp gia vị, cà chua, rau cần tây, ớt và nêm nếm cho vừa ăn. Khi canh sôi sùng sục trở lại, mẹ múc ra tô và rắc thêm ít tiêu lên trên.

Bao nhiêu năm làm dâu, mẹ không cho tôi vào bếp và cũng chỉ tự mình nấu những món quen thuộc. Những ngày sau, mẹ đổi vị cho cả nhà bằng món gỏi gà, vịt nướng, thịt quay… mẹ mua ở quán quen. Mẹ bảo “nhà mình ít người lại ăn uống đơn giản, cần gì bày ra nấu nướng cho mệt. Các con muốn ăn gì cứ nói mẹ mua là được”.

Từ đó, quan điểm về ăn uống của tôi cũng thay đổi theo mẹ. Rồi tự nhiên lại thấy thương sao những người mẹ, người vợ khác, cả ngày quanh quẩn bên bếp núc nấu ăn, phục vụ chồng con ngày này qua ngày khác. Ở miền Bắc quê tôi, vào những ngày giỗ, lễ tết, những người phụ nữ luôn phải tất bật đầu bù tóc rối với nấu nướng và dọn dẹp cỗ bàn, đâu còn thời gian để nghỉ ngơi hay ngồi thong thả chuyện trò với bạn bè, con cái.

Ăn xong, mẹ không cho tôi rửa chén. Mẹ ép tôi phải lên ngủ trưa, chiều dậy rồi rửa. Quy trình này sau gần chục năm vẫn không thay đổi. Ba giờ chiều, trời nắng nóng, khi tôi xuống nhà để rửa chén thì chén bát, xoong nồi đã được mẹ xếp ngay ngắn ngoài sân kèm một chiếc ghế nhỏ và quạt đã cắm sẵn dây điện. “Tối nay Noel, con bảo anh gọi taxi đi vào quận Nhất chơi nhé. Đi xe máy mệt lắm. Đêm chơi về muộn hoặc tắc đường thì vào khách sạn ngủ rồi hôm sau về” - mẹ thủ thỉ bên cạnh trong lúc tôi rửa chén. Miệng tôi bất giác nở một nụ cười, thầm biết ơn ông trời đã cho tôi được làm dâu của mẹ.

Vào những ngày lễ của mẹ như ngày 8/3, 20/10 và ngày sinh nhật, mẹ đều không cần tôi mua quà cho mẹ. Trái lại, mẹ nhắc tôi đòi quà của chồng và yêu cầu chồng dẫn đi ăn nhà hàng sang trọng. Mẹ bảo đồ con mua mẹ không cần dùng tới, mẹ để đó vừa lãng phí lại làm con buồn. Các dịp lễ tết về thăm nhà, mẹ đều "đuổi" bọn tôi đi chơi.

Còn nhớ tết âm lịch đầu tiên sau khi cưới, tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý ăn tết nhà chồng. Sau khi được nghỉ làm, tôi mua một giỏ quà to, đẹp mang về nhà ba mẹ. Ai dè, ba nói: “Mua làm gì cho tốn kém, lần sau cũng không cần giỏ hay gói đẹp đẽ làm gì cho thêm rác” còn mẹ chỉ cho 2 vợ chồng ở lại hết Mùng Một.

Mẹ bảo “tranh thủ mấy ngày tết phố xá vắng vẻ, tụi con đi chơi cho thoải mái. Cả năm con ở trong này rồi thì chỉ cần về mẹ vào dịp Giáng sinh, Tết dương lịch còn tết âm lịch con cứ ăn tết ngoài Hà Nội”. Kể từ đó, cứ tết nguyên đán, tôi lại được ra Bắc ăn tết với bố mẹ đẻ trong sự động viên và “chống lưng” của mẹ chồng.

Mẹ chồng tôi còn đặc biệt thích viết giấy nhắn, viết thư tay, mẹ thích giữ lại những bài viết hay trên báo để gửi cho các con đọc. Buổi sáng đầu tiên thức dậy, xuống dưới nhà tôi đã thấy mẹ để sẵn hai chiếc bánh mỳ Hà Nội kẹp thịt kèm 2 cà men tào phớ nóng hổi, bên cạnh là mẩu giấy mẹ viết dặn dò 2 con ăn sáng.

Vợ chồng tôi ở xa, mẹ muốn dặn dò gì đều viết ra giấy và nhờ ba chồng chụp gửi cho các con. Mấy năm trở lại đây, mẹ bắt đầu dùng điện thoại nhắn tin nhưng lại không biết gõ tiếng Việt. Sợ tôi không dịch được, mẹ phải nhắn thêm một tin nói mẹ không biết gõ dấu nên con chịu khó đọc nhé. Mẹ vẫn luôn vậy, chu đáo và tinh tế trong mọi tình huống.

Mẹ chồng tôi khó tính, vì mẹ là người sống theo nguyên tắc của mẹ. Ví như không ai được phép thay đổi vị trí đồ đạc mà không hỏi ý mẹ, làm gì trong nhà cũng đều phải theo quy trình mẹ đặt ra. Chính mẹ cũng biết mình khó tính nên mẹ không muốn sống cùng con cái.

Mẹ muốn được tự do trong căn nhà của mình và mẹ cũng muốn tôn trọng quyền tự do của con cái trong nhà của chính các con như thế. Cho nên, dù mẹ có nhiều quy tắc, tôi cũng không cảm thấy cuộc sống làm dâu của mình khó khăn hay nặng nề. Trái lại, mẹ còn rất tâm lý và thoáng với đứa con dâu thích bay nhảy như tôi.

Năm nay, dù mẹ đã 74 tuổi nhưng mẹ luôn đọc báo và xem YouTube để cập nhật kiến thức, xu hướng sống hiện đại. Vì vậy, khi tôi sinh em bé, hai mẹ con cũng không bị mâu thuẫn về việc nuôi và chăm sóc con nhỏ dù tôi nuôi con kiểu hiện đại.

Tết vừa rồi, khi từ Hà Nội vào TPHCM, gia đình tôi ghé về thăm ba mẹ. Căn nhà và nếp sinh hoạt vẫn không có gì thay đổi ngoại trừ một tờ giấy mẹ viết, dán sẵn ở cửa phòng của vợ chồng tôi. Mẹ dặn: “Khi nào mẹ mất, các con hãy hoả táng mẹ rồi đem tro cốt rắc trên dòng sông kế bên mảnh đất của chúng tôi. Đám tang của mẹ cũng không được tổ chức ầm ĩ kèn trống, không cần báo cho ai tránh làm phiền mọi người. Hãy để mẹ ra đi trong yên lặng và nhẹ nhàng”. Đọc những dòng này, khoé mắt tôi chợt rưng rưng mà miệng lại cười to trách mẹ lo xa, nghĩ quẩn.

Bao năm qua, tôi đã yêu một Sài Gòn dịu dàng như cách mẹ chào đón tôi.

Theo phụ nữ TPHCM