Cuối năm 1973, tôi là lính từ tuyến trong về an dưỡng ở tỉnh và dự thi đại học để chuyển ngành. Bấy giờ, ở ngôi làng nơi tôi đang an dưỡng có cô thôn nữ mồ côi cha từ tấm bé, xem ra cũng là người chịu thương, chịu khó. Khi tôi đang “bước đầu tìm hiểu” thì có giấy báo trúng tuyển vào khoa Ngữ Văn, trường đại học Tổng Hợp Hà Nội. Mọi người trong nhà tôi ráo riết lo “cưới liền tay” trước khi nhập học. Hai năm sau đó bố mẹ lần lượt qua đời. Hơn 3 năm sau thì vợ có bầu.
Vợ tôi mang thai trong hoàn cảnh trăm đường khó khăn, thiếu thốn. Một mình loay hoay với mấy sào ruộng khoán. Chỉ lo sao có đủ cơm ăn chứ chẳng nghĩ gì đến chuyện dưỡng thai. Tôi đang học đại học ở Hà Nội, tàu xe đi lại khó khăn nên cũng chẳng đỡ đần được gì đáng kể.
Trong khi đang cùng sinh viên đi đào sông Tô Lịch thì tôi nhận được thư nhà báo tin vợ đã sinh con gái. Nhân cớ đó, tôi thông qua vợ đặt tên con là Tô Lịch. Khi tôi về, dường như ai ai cũng hoan hỉ vì “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Những ngày ở cữ, vợ tôi chẳng được kiêng khem gì nhiều, cũng chẳng có điều kiện cải thiện bữa ăn để đủ sữa cho con bú. Do vậy, so với trẻ cùng trang lứa thì Tô Lịch còi cọc hơn.
Ảnh minh họa.
Vì mẹ mải việc đồng áng, nên khi Tô Lịch vừa mới biết ngồi đã phải gửi nhà trẻ. Nhà trẻ thuở ấy là nhà kho hợp tác, bụi bặm, cửa rả xộc xệch. Mùa hè nóng nhưng không có điện, mùa đông thì rét vì gió lùa tứ phía. Người trông trẻ toàn là những bà nạ dòng, chẳng ai được đào tạo lấy một ngày. Có đứa trẻ nào khóc quá, hoặc ỉu xìu cả ngày thì chiều tối nói lại với người nhà chứ nào có biết vì cơn cớ gì.
Năm lên ba tuổi, Tô Lịch đang đi nhà trẻ thì bị sốt, khi mẹ đón về đã lên cơn co giật dẫn đến lác trắng cả một bên mắt. Như bây giờ thì phải tức tốc đưa đi viện ngay. Thuở ấy, thương con thì thật thương nhưng đang vụ cấy nên vợ tôi cũng chẳng đừng được. Khi con cắt cơn sốt thì lại đưa ra nhà trẻ để đi cấy tiếp và chỉ còn biết chờ tôi về nghỉ hè sẽ xem việc chữa chạy thế nào. Hè năm ấy tôi về nghỉ ít ngày rồi đưa con lên Hà Nội để lo việc chữa mắt. Từ đôi mắt Tô Lịch bị lác, phải căn chỉnh lại như chưa hề bị lác là cả một thiên truyện dài về việc tôi cùng con gái đã ra vào bệnh viện Mắt trung ương hơn hai năm trời ròng rã.
Trong hành trình chữa mắt cho Tô Lịch, bố con tôi luôn được quý nhân phù trợ. Là chỗ thân tình, giáo sư Nguyễn Cao Đàm dạy cùng khoa với tôi đã nhờ giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, giám đốc bệnh viện Mắt trung ương trực tiếp khám. Sau khi soi kỹ cả hai mắt của Lịch, giáo sư Nhân kết luận: “Cháu bị lác bẩm sinh. Cơn sốt cao đã kéo độ lác tăng thêm. Bệnh rõ rồi, tuy nhiên phải chữa đến vài năm đấy. Mổ để kéo cho khỏi lác ngay thì cũng được nhưng tôi muốn phục hồi thị lực đôi mắt cho cháu nên anh phải kiên trì. Chữa cho cháu ở viện của chúng tôi thì anh cứ yên tâm”.
Tôi nghe giọng chân tình, ấm áp của giáo sư Nhân cũng cảm thấy hơi an lòng, nhưng nghe đến câu: “Phải chữa đến vài năm đấy” thì gai hết cả người.
Khi vào làm bệnh án tại khoa lác, tôi thấy nhẹ nhõm hơn vì trong vòng hơn hai năm, số ngày điều trị nội trú tổng cộng cũng chỉ chừng một tháng. Còn lại là điều trị ngoại trú. Mỗi tuần ba buổi tôi phải đưa con vào viện để luyện thị lực.
Tuần nọ tiếp tuần kia, tuần nào cũng ba buổi tôi đi xe đạp đưa Tô Lịch từ Mễ Trì ra viện Mắt ở Bà Triệu luyện thị lực bằng cách bịt mắt lác ít lại, định vị cho mắt lác nhiều chỉ nhìn được một điểm xoáy vòng tròn của máy để phục hồi thị lực tới khi mắt lác toàn phần có thị lực trên 5/10 thì mổ kéo lác. Một thời gian sau lại luyện thị lực cho mắt còn lại để mổ tiếp.
Luyện được vài tháng thì bỗng một hôm Kim Anh con gái giáo sư Trần Quốc Vượng khi ấy đang là sinh viên khoa Sử đón Lịch về nhà chơi. Vận may đến bất ngờ. Một nữ nghiên cứu sinh người Ý đến nhà giáo sư Vượng thấy Lịch bị lác bèn hỏi giáo sư là sao không cho cháu đeo kính? Giáo sư Vượng đáp là Việt Nam chưa thấy có loại kính điều chỉnh thị lực. Vài tuần sau, cô nữ sinh người Ý gửi kính sang cho. Đó là cặp kính có dán ni lông đen bên mắt lành còn chỉ nhìn được qua mắt lác. Tôi mang kính ra viện hỏi thì bác sỹ bảo có kính luyện thì không phải luyện ở viện nữa mà mỗi tháng chỉ cần ra viện một lần để đo thị lực.
Từ ngày đeo kính này, nhiều người ở ký túc xá Mễ Trì đã gọi Tô Lịch là Cu tu dốp. Đến nay, những anh chị em thân thiết như Phạm Quang Long, Trần Hinh, Phạm Thành Hưng, Lý Hoài Thu, Nguyễn Hùng Vĩ, Bùi Việt Thắng, Hữu Đạt... thường vẫn hỏi tôi: “Cu tu dốp thế nào rổi”.
Nhờ đeo kính mà vài tháng sau, thị lực mắt lác của Lịch từ 0/10 đã lên 5/10. Bác sỹ quyết định mổ. Ngày Lịch mổ mắt là cái ngày tôi khốn khổ nhất vì con phải nhịn ăn sáng để 7 giờ vào làm thủ tục, chờ đến 10 giờ vào gây mê để mổ. Vừa sáng dậy, con đã đòi ăn. Tôi dỗ dành con là ra viện khám xong sẽ mua bánh mì cho. Khi khám xong Lịch đòi bánh mì, tôi lẳng lặng đạp xe hết phố này đến phố khác nói là tìm mua bánh mì để “câu giờ”. Lịch đói, vừa khóc vừa nhoài khỏi ghế xe mà ăn vạ. Đến khi quay về đến cổng bệnh viện thì gào khóc, dãy dụa nhất định không vào. Thương con, mắt tôi nhòa đi. Trời như tối sầm lại, nhưng vẫn phải loạng choạng giữ chân, giữ tay để bế xốc Lịch vào phòng mổ…
Ngày Lịch mổ, vợ tôi không lên được vì thời bấy giờ tàu xe đi lại khó khăn, mặt khác ở nhà còn trông nom nhà cửa, lợn gà. Một mình tôi thấp thỏm chờ hơn một tiếng ngoài phòng mổ để đón con gái mà đứng ngồi không yên. Khi ở phòng hậu phẫu chờ con tỉnh lại, tôi cố kìm lòng để nuốt nước mắt. Ở phòng điều trị, chỉ có mỗi mình tôi là đàn ông trông con. Có ai hỏi về mẹ cháu thì tôi thường chất chưởng: “Mẹ cháu mất rồi”…
Đúng là, thỏ thẻ như trẻ lên ba. Có lần, một cô y tá đến tiêm, vừa cúi tiêm cho Lịch, vừa hỏi hai bố con về mẹ cháu. Tôi chưa kịp lên tiếng thì Lịch đã nhanh nhảu: “Mẹ cháu mất rồi cô ạ!”. Cô y tá vừa bơm thuốc tiêm vừa ngước nhìn tôi. Những ngày sau đó, ngày nào cô ấy cũng có quà cho Lịch. Khi thì quả cam, quả quýt, khi thì cái kẹo, que kem. Mãi sau, tôi được biết cô y tá đó bị người chồng phụ bạc và họ đã chia tay nhau. Khi đã biết chuyện ấy, mỗi lần cô đến với Lịch là tôi lại né tránh ánh mắt vừa như xa thẳm, vừa như rất gần của cô.
Mổ xong, ra viện được ít ngày Lịch tiếp tục được điều trị ngoại trú như chu trình cũ để chờ mổ kéo mắt thứ hai. Vì ăn uống không đủ chất nên thời gian luyện thị lực kéo dài mãi. Đến trước kỳ nghỉ hè năm sau, bác sỹ động viên hai bố con cứ về quê nghỉ rồi lên sẽ tính. Thuở ấy, ở quê tuy chưa có điện nhưng không khí trong lành, lại có cơm gạo mới, có tép và cá vụn mẹ dỗ cho ăn nên da thịt của Lịch có sởn lên tí chút. Hơn hai tháng sau đó, thị lực của mắt còn lại đã khá hơn và được chỉ định mổ để kéo tiếp. Hai bố con lại vật lộn với nhau như lần mổ trước.
Nghĩ mà thương con gái. Hai lần mổ gây mê ở tuổi lên ba, lên bốn. Lịch vốn còi cọc, lại còm cõi thêm. Khi lớn lên, thị lực không được bằng người, chứng đau đầu đã ảnh hưởng rất nhiều đến sức lực và việc học hành. Nhưng lại mừng vì “Cu tu dốp” yêu quý của tôi cũng đã có bằng Thạc sỹ, đang giảng dạy tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thái Bình và con gái đầu lòng của hắn đã vào đại học.
Gần 50 năm đã qua, mỗi lần nhìn Tô Lịch tím tái vì những cơn đau đầu bất chợt ập tới, tôi lại thấy nghèn nghẹn nhớ về những năm tháng đưa con gái đi chữa lác.
Theo giadinhonline.vn