“Em ở nhà nghỉ đi, anh ra hiệu thuốc mua ít viên thuốc cảm cho em”, “Em mặc chiếc áo màu tím này anh thấy đẹp, dáng người thanh mảnh hẳn, anh thích lắm”… Tôi nhớ mấy câu nói ông sui dành cho bà sui của vợ chồng tôi mà thoáng chạnh lòng. Ông bà ấy, ông đã ngoài 80 tuổi, bà cũng ngoài 70 mà nói chuyện với nhau luôn dịu dàng, ngọt ngào “anh anh, em em” như vợ chồng son trẻ.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Hồi 2 nhà mới làm sui, tôi từng rất ngạc nhiên, thậm chí còn thấy hơi kỳ kỳ khi nghe họ dành cho nhau những câu từ mà nào giờ tôi chỉ thường nghe trong mấy bộ phim tình cảm trên ti vi. Lúc đó, tôi thầm nghĩ: chắc lâu lâu gặp sui gia nên anh chị mới như vậy, chứ bình thường dễ gì nói ngọt được hoài.

Nhưng tôi đã lầm. Hồi con gái sinh cháu đầu lòng, tôi lên chăm cháu nhiều tháng, có thời gian ở cùng anh chị sui và nhận thấy ngày nào họ cũng dành cho nhau những lời ngọt ngào như vậy. Và hôn nhân của họ, đến nay đã tròn 60 năm. Tôi tự an ủi: anh chị sui sống ở thành phố, người thành phố quen nói lời hoa mỹ; còn vợ chồng tôi ở quê, nói vậy người ta cười chết.

Dẫu tự an ủi vậy nhưng tôi lại hay nghĩ về điều đó. Những lời ngọt ngào “nổi gai ốc” ấy, từ lâu lắm rồi tôi chưa được nghe từ miệng chồng mình. Mà nghĩ lại kỹ, ngay từ thời yêu nhau, anh cũng có nói được với tôi câu nào lãng mạn đâu. Chồng tôi - một người đàn ông siêng năng, trách nhiệm với vợ con, nhưng vô cùng ít nói.

Trong nhà, tôi luôn mang tiếng nói nhiều, còn anh chỉ lẳng lặng làm. Tôi người Nam, anh là trai Bắc. Ai cũng bảo trai Bắc dẻo miệng, ga lăng, đào hoa lắm. Nhưng có lẽ chồng tôi là ngoại lệ. Cũng có người nói, khi về già, tính cách con người ta sẽ trái ngược với hồi còn trẻ: anh nào khó tính lúc trẻ thì khi già lại có xu hướng dễ chịu hơn; người nào hồi trẻ nói nhiều, về già sẽ ít nói và ngược lại.

Vậy mà tôi chờ hoài cũng chưa thấy chồng mình đổi tính để nói nhiều lên một chút, nịnh vợ hơn một chút, để tôi còn được hưởng cảm giác lãng mạn khi tuổi đã xế chiều, khi con cái đã thành gia lập thất, khi căn nhà chỉ còn vợ chồng già sớm tối có nhau.

Những dịp kỷ niệm như Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, lễ Tình nhân 14/2, kỷ niệm ngày cưới hay sinh nhật tôi… chưa bao giờ tôi nhận được một bó hoa, một món quà hay lời chúc mừng nào của chồng.

Thời trẻ, kinh tế gia đình còn khó khăn, tôi tự động viên mình: chồng biết lo làm ăn nuôi vợ nuôi con là mừng rồi, hơi đâu mà học làm sang. Thế nhưng giờ đây, khi chúng tôi đã bước sang lứa tuổi U70, hy vọng có thể thật khỏe mạnh, minh mẫn thêm tầm 10-15 năm nữa. Có lẽ nào, trong chặng cuối của hành trình bên nhau này, mãi mãi chúng tôi không thể có những giây phút lãng mạn, ngọt ngào bên nhau?

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Không thể ngồi chờ điều kỳ diệu biến ông chồng cục mịch, kiệm lời của mình thành một soái ca thở ra những lời ngôn tình mật ngọt, tôi quyết định thay vì trông đợi thì mình làm trước. Anh không nói ngọt thì tôi nói ngọt. Tiếng “ông - tui” quen thuộc được thay bằng “anh - em”. Ban đầu, tôi chỉ nói khi trong nhà có vợ chồng, dần dần áp dụng cả khi có con cháu về thăm, khi hàng xóm, bạn bè lui tới.

Mấy bà bạn mới đầu nghe thì chọc rần rần, nói vợ chồng nhà này bộ tới tuổi hồi xuân rồi hay sao. Chồng tôi dĩ nhiên cũng mắc cỡ, ban đầu cũng gọi kiểu trống không, nhưng dần dần, anh đã dịu dàng kêu tôi bằng “em”. Những ngày kỷ niệm, tuy không tặng nhau hoa hồng, gấu bông như bọn trẻ, tôi khéo léo trang điểm, mặc đầm, rủ chồng đi ăn sáng, uống nước.

Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại chụp hình chung, đăng Facebook, kèm theo những status yêu thương. Tôi còn mò mẫm học cách lồng nhạc, lục lại mấy tấm hình hồi mới cưới để tạo những clip ngắn với thông điệp yêu thương gửi qua cho chồng.

Dần dần, cuộc hôn nhân của chúng tôi đã có thêm gia vị. Anh, dẫu cuối cùng cũng không thể biến thành một người đàn ông lịch lãm, nói lời hoa mỹ, nhưng đã biết quan tâm đến cảm xúc của tôi hơn. Ngày vợ chồng đi du lịch nước ngoài, lần đầu tiên anh mua tặng tôi bộ mỹ phẩm - điều mà ngay cả nằm mơ tôi cũng chưa từng mơ thấy. Đấy, ai bảo vợ chồng già không cần những ngọt ngào?

Không bao giờ là trễ để mỗi ngày của hành trình hôn nhân được lấp đầy bằng những yêu thương.

Theo phụ nữ TPHCM