Riehen là thành phố thuộc bang Basel-Stadt, Thụy Sĩ, nổi tiếng với những cây anh đào xanh mướt nhờ khí hậu ôn hoà của vùng đồng bằng sông Rhine. Ngay dưới những tán cây anh đào nở rộ dọc hai bên đường, những người lính biên phòng đang thiết lập hàng rào chắn bằng thép gai theo lệnh khóa đường biên giới của hai quốc gia.
Cuộc gặp gỡ của cặp vợ chồng tại hàng rào biên giới ở Kreuzlingen - nơi những người lính biên phòng đang xây dựng hàng rào thứ hai. Ảnh: Roland Schmid.
Hàng rào, các chướng ngại vật được dựng lên giữa các đường biên giới Đức và Thụy Sĩ để ngăn chặn sự lây lan của virus khi châu Âu là ổ dịch lớn nhất trên thế giới. Nhưng tình yêu không thể bị cản trở.
Thẳng dưới dải băng ngăn cách biên giới, một đường kẻ sọc đen đã chia đôi tấm chăn, một bên là Sabrina, ở Basel (Thụy Sĩ), và bên còn lại là Davor, ở Wiesbaden (Đức).
"Hãy nhìn xem, chúng tôi còn đánh dấu đường biên giới trên chiếc chăn. Hãy chụp ảnh cho chúng tôi để kỷ niệm hành động này", Sabrina cười.
Đây là lần đầu tiên Sabrina và người bạn trai Davor được gặp nhau kể từ khi hai quốc gia đóng cửa biên giới cách đây 6 tuần. Covid-19 bùng phát ở Thụy Sĩ từ giữa tháng 3 khiến quốc gia này quyết định đóng cửa biên giới. Chỉ những người làm việc ở quốc gia khác và các công ty vận chuyển hàng hóa mới được phép đi qua biên giới tại một vài điểm giao cắt hiếm hoi còn mở.
Bất chấp những hàng rào chắn được dựng lên giữa đường biên giới các nước, một số người vẫn sắp xếp những cuộc gặp "xuyên quốc gia" với các thành viên trong gia đình đang bị ly tán, bạn bè, người yêu...
Một nhóm thanh niên đã dựng ghế cắm trại ngay sát hàng rào. Cả ba người đều đến từ Lörrach (Đức), cộng đồng láng giềng của Riehen, một trong số họ đang học tại Basel. Đường biên giới là nơi duy nhất họ có thể gặp gỡ và uống bia cùng nhau.
Ở một bìa rừng phía xa, Diethard sinh sống tại Đức và bạn gái của anh là Sibel ở Thụy Sĩ đang trò chuyện qua hàng rào chắn. Sibel cũng là công dân Đức nhưng làm việc trong một phòng khám ở Thụy Sĩ, cả hai buộc phải xa cách vì lệnh phong tỏa biên giới.
"Nếu tôi sang Đức, đầu tiên tôi buộc phải cách ly trong 14 ngày. Đó là điều không thể", Sibel nói.
Diethard, đến từ Đức và bạn gái Sibel, ở Thụy Sĩ.
Một chiếc máy bay trực thăng quân đội bay dọc đường biên giới nhằm đảm bảo các quy tắc cấm biên được tuân thủ nghiêm ngặt. Quanh các khu vực đều tăng cường bộ đội biên phòng chốt chặn. Nhưng nếu một cặp đôi đang ở hai phía biên giới đứng quá gần để thể hiện tình cảm, những người lính thường "nhắm mắt làm ngơ".
Nhưng không phải ở đường biên giới nào cũng cởi mở như vậy. Xa hơn về phía Đông hồ Constance là Kreuzlingen (Thụy Sĩ) và thành phố Constance (Đức). Ở một số nơi, hàng rào được người Thụy Sĩ dựng lên trong chiến tranh thế giới thứ hai vẫn tồn tại. Vì đường biên giới ở đây ngắn và rõ ràng hơn ở Basel, nên việc đóng lại biên giới dễ dàng hơn.
Ông Josephina, sống ở Arbon (Thụy Sĩ) và Josef, sống ở Singen am Hohenwil (Đức) đã là vợ chồng trong suốt 30 năm. Nhưng vì dịch bệnh, cặp vợ chồng này chỉ có thể gặp nhau 3 lần/tuần.
Ông Josephina, sống ở Arbon (Thụy Sĩ) và vợ Josef, sống ở Singen am Hohenwil, Đức gặp nhau ở nơi biên giới đóng cửa.
Không lâu sau khi đóng cửa biên giới, Katarina từ Frauenfeld, Thụy Sĩ và Ivo, một sinh viên đến từ Konstanz mới được gặp nhau vì những lệnh cấm do dịch bệnh. Ba lần một tuần, cặp đôi hẹn gặp nhau ở biên giới để trò chuyện và được nhìn thấy nhau. Trước dịch, họ mới được gặp nhau một lần tại Croatia vào năm ngoái.
Katarina, sống ở Frauenfeld (Thụy Sĩ) và Ivo, sống ở Konstanz (Đức) gặp nhau qua hàng rào.
Tuần đầu tiên họ vẫn có thể hôn nhau qua bục chắn. Họ may mắn hơn các cặp đôi dọc biên giới Italy và Pháp vì lệnh phong tỏa ở hai nước đó cấm thực hiện các cuộc gặp như vậy.
Tuy nhiên, việc được gặp gỡ và thể hiện tình cảm của các cặp đôi trở thành "cái gai" trong mắt các sĩ quan thực thi pháp luật của Thụy Sĩ. Một tuần sau, Katarina và Ivo không còn được chạm vào nhau bởi hàng rào thứ hai được dựng lên dù gặp phải sự phản đối quyết liệt của người dân địa phương. Giờ đây, họ chỉ còn được nhìn thấy nhau.
Với việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn và nỗ lực làm phẳng đường cong đỉnh dịch của Covid-19 dần có dấu hiệu tích cực, người dân mong muốn mở cửa đường biên giới tại các nước ở châu Âu.
Không chỉ các gia đình, các cặp đôi mà tất cả ngành nghề kinh doanh đều mong muốn nối liền đường biên giới, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Cặp đôi trò chuyện với nhau qua đường dây thép gai ở Kreuzlingen hôm 4/4.
Theo Ione