|
|
Cả đời mẹ luôn vì con (ảnh minh họa) |
Nhà nghèo, mẹ không có tiền để kéo dây điện nên anh và em Út phải học bài dưới ánh đèn dầu. Mẹ bê thúng đậu ngồi cạnh để bóc vỏ. Sau này anh mới biết mẹ ngồi đó để 2 anh em không sợ ma.
18 tuổi, anh hỏi “ước mơ của mẹ là gì?”. Mẹ cười, ánh mắt lấp lánh hy vọng: “Mẹ ước con thi đậu đại học”.
Mẹ mua chiếc xe máy cũ, hàn thêm sau xe khung sắt rất to. Mẹ chất lên xe thau cá trê cá lóc, hai bên là xề thịt, cả xề rau củ, bầu bí… Từ ngày anh vào đại học, cái “chợ di động” của mẹ càng nặng, đi càng xa. Anh nghỉ hè về nhà, thấy chân mẹ vết vết bầm rất to. Em Út méc do mẹ bị ngã xe.
Tối muộn, anh ra sân ngồi khóc một mình. Anh giận mình chưa đủ lớn khôn, chưa thể nuôi mẹ. Mẹ xoa vai anh: “Con ráng học giỏi là mẹ vui”.
Sáng hôm sau anh dậy sớm, giành bằng được chiếc xe để thay mẹ đi bán. Chiếc xe nặng không thể tả nỗi. Anh xót xa, không hiểu với sức vóc còm cõi của mẹ sao có thể lèo lái chiếc xe hàng nặng đến thế.
Bữa đó anh chạy khắp làng trên xóm dưới, ngõ heo hút cũng rẽ vào tìm khách. Anh biết mẹ kiếm tiền khó nhọc, nhưng chưa từng hình dung mẹ bán buôn vất vả thế này. Mẹ thì nói vất vả quen rồi. Mẹ cực để đời anh và Út sung sướng… Câu đó của mẹ tiếp thêm cho anh sức mạnh để miệt mài trên giảng đường.
22 tuổi, anh ra trường, tìm được chỗ làm tốt, thay mẹ nuôi em Út đi học. Anh hỏi mẹ câu hỏi cũ “ước mơ của mẹ là gì?”. Mẹ cười, nói mong có cô gái thương anh, mong anh có vài đứa con trắng trẻo mập mạp. Rồi anh cũng thực hiện được điều ước của mẹ, cưới cô gái anh thương, và cô ấy sinh cho anh đứa con trai đầu lòng.
“Có con mới hiểu lòng cha mẹ” - câu nói đó từ khi có con anh mới thấu. Đứa trẻ vừa chào đời anh đã bớt la cà quán xá. Anh dò hỏi xem nhà trẻ nào tốt, trường học nào phù hợp với con… Anh không ngại làm thêm để có tiền lo tương lai của con. Đứng trước những quyết định lớn lao, anh cẩn thận suy xét xem điều đó ảnh hưởng đến con thế nào, về lâu dài sẽ ra sao… Anh đã hiểu vì sao ngày xưa xe hàng của mẹ càng lúc càng nặng, vì chiếc xe ấy chở ước mơ của anh và con Út, cả ước mơ của mẹ.
Từ dạo em Út lấy chồng, anh đưa mẹ lên thành phố. Vợ anh hiền lành, nhưng cô ấy xuất thân thành thị, chưa từng chứng kiến những ngày dãi nắng dầm mưa của mẹ, cũng không có ký ức tuổi thơ khoai sắn, nên tình thương dành cho mẹ không thể tròn đầy.
Nhà có người giúp việc nhưng mẹ không chịu ngồi yên. Mẹ lau bàn, dọn chén, thu dọn đồ chơi của cu Bo. Cu Bo ngồi chơi, bà nội ngồi cạnh chơi cùng. Cu Bo ngủ, bà nội nằm bên trông chừng. Mỗi lần mở camera, thấy mẹ thui thủi chơi cùng cu Bo, anh nghẹn lòng. Có bữa anh thấy mẹ níu song cửa, ngóng ra đường. Dáng mẹ cô đơn, còm cõi đến xót xa…
Tủ đầu giường của mẹ có đủ bánh trái, nhưng mẹ đã không còn nhanh nhẹn và hay cười như xưa. Vợ chồng em Út lên thăm, nói mẹ không phải vất vả nữa rồi. Mẹ cười, nụ cười nghiêng lệch không có nắng. Đêm nằm, nghe tiếng mẹ trở mình thao thức, anh xót xa thương. Tiếng con trai anh cười trong giấc ngủ cũng khiến anh rối bời.
Anh như người mắc kẹt giữa quá khứ và tương lai, kẹt giữa ước mơ và trách nhiệm… Đã lâu rồi anh không dám hỏi mẹ ước mơ điều gì. Anh sợ không thể làm mẹ vui.
Bữa nọ tình cờ anh nghe mẹ trò chuyện với bà hàng xóm. Mẹ kể ở quê bình yên lắm, sáng ra cho gà vịt ăn, tưới mấy liếp rau. Đi chợ thôi cũng trưa trờ mới về, vì ở đó có dì Ba, thím Bảy, la cà câu chuyện đầu trên xóm dưới. Vậy mà hết buổi vui. Sáng chiều qua nhanh lắm…
Anh chợt nghẹn lòng. Bấy lâu mẹ héo rũ như cái cây bị bứng sang vùng đất cằn. Nhà đủ tiện nghi nhưng không phải nhà của mẹ. Dân cư đông đúc nhưng không phải chòm xóm thân quen của mẹ… Anh sai rồi!
Anh bàn với mẹ cất lại căn nhà ở quê. Phòng của mẹ sẽ có nhà vệ sinh. Căn bếp phải rộng, có cả bếp lò để thỉnh thoảng mẹ nấu cơm bằng bếp củi. Anh sẽ thuê người giúp việc ở cùng mẹ, sẽ lắp camera để thấy mẹ vui buồn thế nào. Cuối tuần anh sẽ chạy về với mẹ. Đường về quê đã có cao tốc, lo gì. Em Út ở cách đó 2 cây số, nó sẽ chạy qua ngó chừng mẹ… Nghe kế hoạch của anh, mặt mẹ giãn ra. Lâu rồi anh mới thấy mẹ cười.
Lễ Vu lan năm nay, anh về quê dắt mẹ đi chùa. Mẹ vịn tay anh, nhìn quanh quất: “Người ta đi chùa đông quá con, cài bông hồng đỏ cũng nhiều”. Anh bỗng siết chặt tay mẹ, sợ một cơn gió lay.
Có nhiều người cố gắng lên thành phố kiếm tiền để lo tương lai cho con. Thậm chí có người liều lĩnh vay số tiền lớn để ra nước ngoài, để tương lai con cái được học hành trong điều kiện tốt nhất. Cũng có người bỏ công việc chốn thị thành để về quê với con, kẻo đứa trẻ ở với ông bà tủi thân… Lựa chọn nào cũng đều là vì con, nhưng những đứa con ấy lớn lên, có mấy ai vì cha mẹ mà tính toán, hy sinh?
Ước mơ của mẹ là gì, có ai biết rõ?
Theo phụ nữ TPHCM