Chuyến công tác 5 ngày kết thúc vào buổi chiều muộn. Chúng tôi đều cảm thấy mệt khi lịch trình dày đặc, vừa căng thẳng lại vừa phải di chuyển nhiều. Ra khỏi sảnh sân bay, trưởng phòng nhỏ nhẹ: “Em đặt cơm tối ở đâu cho tiện được sếp?”.

leftcenterrightdel
 Anh nghĩ mình về ăn cơm nhà thôi... (Ảnh minh họa)

Sếp quay nhìn trưởng phòng, nhìn 3 anh em còn lại một lượt, ngạc nhiên: “Mọi người chưa muốn về nhà luôn hả?”. Mấy anh em tôi bối rối. Sếp mới, chúng tôi chưa hiểu tính cách anh nhiều lắm.

“Anh nghĩ là mình về ăn cơm với gia đình thôi, 5 ngày rồi còn gì?”. Vẻ mặt của mọi người nhẹ nhõm hẳn.

Cứ nghĩ như nhiều người, những buổi chiều muộn sau công việc, sếp sẽ “chốt” bữa cơm tổng kết, nhưng “chúng ta về ăn cơm nhà thôi” khiến tôi thấy lạ.

Những người đàn ông, nhất là đàn ông thành đạt, họ luôn coi trọng công việc, những mối quan hệ, cả những bữa nhậu nhẹt để giữ mối quan hệ giao hảo. Vậy mà sếp tôi, sau 5 ngày đi xa lại nhớ một bữa cơm nhà.

Tôi là phụ nữ, nên tất nhiên tâm lý phụ nữ sau những ngày đi xa chỉ muốn ngay lập tức trở về bên chồng con. Không khí gia đình là điều không có bữa tiệc hào nhoáng, đủ đầy nào có được. Những cuộc điện thoại, tiếng trẻ bi bô, có khi cả tiếng cằn nhằn thương yêu trong bữa ăn..., nếu những thứ ấy nếu thiếu đi, cuộc sống với tôi sẽ không còn ý nghĩa.

Tôi đã từng ngồi cùng nhóm bạn nữ. Câu chuyện rôm rả, không khí vui vẻ, sự cởi mở thân thương đến mấy cũng không níu chân được những người mẹ, người vợ trách nhiệm. Lần lượt sẽ có những bạn đứng lên. Người đi đón con, người trở về cơm nước. Có khi là một bạn phải về chăm sóc mẹ chồng già yếu. Họ cũng thích vui, thích đàn đúm cà kê, thích không khí “quẩy tới bến”, nhưng bản năng của người mẹ, trách nhiệm của người vợ luôn nhắc họ trở về. Và khi đã 1-2 người đứng lên, thường những người còn lại sẽ... giải tán sau vài phút.

Đàn ông thì khác. Nhiều người sau giờ làm có thể là bạn nhậu đã chờ sẵn, hoặc có thể móc điện thoại tự "gầy" một bàn bia rượu trong chốc lát. Có thể cùng nhau "zô zô" tăng 1, rồi kéo nhau đi tăng 2, tăng 3... Ai đứng lên trước hay phải nghe điện thoại của vợ có khi bị mỉa mai, châm chích bằng những lời khó nghe.

leftcenterrightdel
 Ai đứng lên trước hay phải nghe điện thoại của vợ có khi bị mỉa mai, châm chích bằng những lời khó nghe... (Ảnh minh họa)

Mấy câu quen thuộc biện minh như “chẳng mấy khi”, hay “anh đang ngồi cùng anh em” của các anh trong bữa nhậu có khi đẩy rất nhiều gia đình vào sự cãi vã, thậm chí đổ vỡ.

Tại sao ở phụ nữ lại luôn thường trực trách nhiệm với tổ ấm, còn nam giới lại được mặc định với những công to việc lớn ở ngoài? Xã hội hiện đại, phụ nữ cũng đi làm, cũng vất vả những lo toan chứ đâu đơn giản chỉ ở nhà nội trợ rồi chờ chồng về?

Nhìn sếp gọi cho vợ, báo sẽ ăn cơm ở nhà với gương mặt hân hoan, tôi càng thêm ngưỡng mộ. Sếp coi trọng tổ ấm, coi trọng những bữa ăn gia đình thì vợ sếp cũng là một hậu phương vững chắc để sếp có thể yên tâm.

Câu “vợ là nhà” mà sếp hay nói, giờ tôi hiểu đó không phải lời nói vui cửa miệng. Người ta không thể thành công, khi không xác định được điều gì là quan trọng nhất trong đời. Công danh, sự nghiệp, việc làm…, rốt cuộc mọi mưu sinh vất vả là để tổ ấm của mình thực sự thành nơi để trở về.

Tự nhiên chúng tôi không ai bảo ai, cùng lần lượt rút điện thoại gọi về nhà, giống sếp, để báo một câu rằng: "Tối nay anh/ em sẽ ăn cơm nhà".

Theo phụ nữ TPHCM