leftcenterrightdel
 Nhà có 7 chị em gái. Chị Hai đứng bên phải; tác giả là út đứng bên trái

Cha mẹ tôi có 9 đứa con. Chị Hai tôi không khác gì một người mẹ khi có bầy em. Rồi chị lấy chồng, sinh thêm 4 đứa con. Đến giờ, ngoài 60 tuổi, tôi không biết chị đã có thời gian nào sống cho bản thân chưa.

Tôi là con út, chỉ bằng tuổi con thứ hai của chị. Vì có sự khác biệt thế hệ, tôi không thể gần gũi thủ thỉ, tỉ tê với chị. Nhưng chị chăm lo cho tôi không khác gì con chị. Có dạo đề kháng kém, tôi bệnh liên miên. Hết sốt xuất huyết lại sốt siêu vi, thỉnh thoảng còn ngất xỉu dọc đường hoặc ở trường. Khi ấy, chị Hai luôn là người đưa tôi vào bệnh viện. Lúc đó còn nhỏ nên tôi cứ nghĩ ba mẹ tôi đã lớn tuổi nên chị vào bệnh viện chăm tôi là điều đương nhiên. Khi khôn lớn, tôi mới hiểu một phụ nữ đã có chồng con bận rộn đến mức nào. Chị sắp xếp thời gian để vào viện với tôi vài ngày, có khi cả tuần là điều không dễ. 

Đến lượt ba mẹ tôi lần lượt nằm bệnh viện năm này qua năm kia trước khi mất, người túc trực vẫn là chị. Các anh chị khác đều ở xa, chỉ cuối tuần hay có gì cần kíp mới lên. Tính chị ôm đồm việc, lại luôn xót xa cho các em vì “tụi nó còn cực hơn mình” nên việc gì làm thay được, chị làm hết cho các em. 

Chị em tôi ít thể hiện tình cảm với nhau. Những lời ngọt ngào, cái nắm tay, ôm nhau… tuyệt đối không có. Nhưng tình cảm không vì vậy mà hời hợt. Ai cũng yêu thương và biết ơn chị. 

Khi ba mẹ tôi mất, các anh chị em mới lần đầu tiên ôm chặt nhau trong đám tang để chia sẻ nỗi đau đớn quá lớn không nói được thành lời. Chị Hai khi ấy tóc đã điểm bạc, mắt đã kèm nhèm nhưng khóc hu hu như một đứa trẻ. Chị Hai càng dành tình thương cho tôi nhiều hơn, vì tôi chưa lập gia đình. Tôi đi làm xa nhà, chị dặn từng anh chị thường xuyên gọi điện để tôi không cảm thấy cô độc. 

Khi tôi điều trị COVID-19 trong bệnh viện, ngay giữa mùa dịch bệnh căng thẳng, chị gọi điện lâu sợ tôi nói mệt nên chị chỉ nói ngắn gọn: “Út ráng ăn uống giữ sức khỏe. Các anh chị luôn ở bên cạnh út”. Tôi nghe mà ứa nước mắt.

Tôi mua được căn hộ chung cư, chị mừng rơi nước mắt. Tôi cũng khóc trong điện thoại. Mỗi lần lên nhà tôi chơi, chị Hai hỏi tôi thích ăn gì để chị nấu sẵn mang lên. “Em không phải nấu nướng, chỉ ngồi ăn thôi”. Vậy mà một lời thể hiện tình cảm của mình, tôi cũng chưa nói với chị. Có lần, tôi viết một status trên Facebook, rằng làm em út thiệt là sướng, được các anh chị yêu thương… 

Đó cũng là lần đầu chị comment trong Facebook của tôi: “Út vẫn là em út của các anh chị”. Tôi đọc đi đọc lại câu đó không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần đọc đều dâng trào niềm xúc động, yêu thương và biết ơn chị. 

Theo phụ nữ TPHCM