Lướt Facebook, tôi dừng lại ở bài viết của một người xa lạ. Người này là chủ quán bún cua ven đường, tôi đoán là ở vùng miền núi Tây Nguyên. Chủ quán chụp hình một phụ nữ đang ngồi ăn bún cua ngon lành. Có điều lạ là, trong khi người phụ nữ này ăn bún thì anh chồng địu con đứng ngoài đường chờ vì không chịu được cái mùi nồng gắt thum thủm của món bún cua. Theo lời kể của chủ quán, người phụ nữ này đã đến đây lần thứ 6.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Tôi đoán anh chồng yêu thương vợ nhiều lắm mới chở vợ đến ăn và đứng bên ngoài chờ như vậy. Đây có thể là món ăn mà người vợ yêu thích, chỉ có điều mùi vị của món ăn khiến anh chồng không chịu được, nhưng anh vẫn cố gắng.
Nhớ lại hồi mới về làm dâu nhà chồng, tôi cũng thèm món bún cua (còn gọi là món bún cua thúi - một đặc sản của vùng Gia Lai, Bình Định, nguyên liệu chính là cua đồng giã lấy nước). Cái mùi nồng gắt được ủ lâu ngày của cua, cộng với tiết trời nóng nực ở Sài Gòn khiến cả nhà chồng tôi khó chịu. Chồng tôi ban đầu cũng không chịu được. Mỗi lần tôi ăn, anh phải mở toang tất cả cánh cửa để mùi cua bay bớt.
Vậy mà dần dà anh cũng cố gắng thử ăn theo lời dụ dỗ của tôi, rồi ghiền lúc nào không biết. Tôi biết, anh vì thương tôi mà gắng thích nghi với sở thích ăn uống của vợ, cũng như quen với khẩu vị của người dân quê tôi.
Hồi mới cưới, chị gái tôi ngày nào cũng than về tật ngủ ngáy của chồng chị. Mà đúng vậy, bữa nào anh chị về nhà chơi mà ngủ lại thì cả nhà đều ấn tượng với tiếng ngáy sấm rền của anh rể. Tiếng ngáy của anh khiến chị em tôi khó chịu, dù anh nằm trong phòng kín cửa. Chị tôi bảo, thời gian đầu khi mới thành vợ chồng, việc ngủ đối với chị là một cực hình, không thể nào chợp mắt.
Nhưng rồi vì thương anh, chị cố gắng thích nghi. Âm thanh kia từ khó chịu dần trở thành quen thuộc. Thậm chí nhiều hôm anh vắng nhà, ngủ một mình, chị lại thấy… thiêu thiếu. Thì ra, khi yêu thương một ai đó, người ta cố gắng chịu đựng luôn cả tật xấu của người kia, mỗi ngày, từng chút một.
Vợ chồng cô bạn thời đại học của tôi thì khác. Lâu ngày gặp lại, bạn bảo: “Mình đang cố gắng để yêu ổng thêm lần nữa”. Trước đây, chồng bạn là người vô tâm. Anh hoàn toàn không để ý gì đến cảm xúc của vợ. Bạn bán buôn ngoài chợ, đầu tắt mặt tối cả ngày, vậy mà trong mắt chồng, bạn vẫn là người vợ chưa hoàn hảo. Cho đến khi anh lâm bệnh nan y, bạn phải vừa lo kinh tế gia đình, lo tiền cho anh chạy chữa và chăm sóc con cái, lúc này, anh mới thấy thương vợ.
Khỏi bệnh, anh cố gắng hàn gắn với vợ (trước đó, bạn và chồng đã ly thân) nhưng lúc này, tình cảm bạn dành cho chồng đã nguội lạnh. Giờ đây khi sống chung một nhà, sau những chuyện đã xảy ra, bạn phải tập yêu, nỗ lực để... yêu lại chồng lần nữa.
Người ta nói, khi thương củ ấu cũng tròn. Khi yêu, trong ánh mắt của kẻ si tình, người yêu luôn đẹp và hoàn hảo. Khi tình yêu đủ lớn, người ta có thể chấp nhận hết những thói quen chưa đẹp của đối phương và ngược lại.
Như với chồng, vì yêu anh, tôi chấp nhận những thói quen lười biếng, những tật xấu trong ăn uống, sinh hoạt và cả những lúc ham chơi của anh. Sẽ không có công thức chung cho sự cố gắng, nỗ lực của mỗi cặp đôi. Trước đây, tôi có nghe một bài thuyết giảng nói về mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng. Tôi nhớ đại ý rằng, tình yêu cần được tưới tắm mỗi ngày và mỗi người đều phải nỗ lực vun đắp cho tình yêu đó.
Yêu một người, phải cần cố gắng bao nhiêu? Chắc mỗi chúng ta đều có một đáp án cho riêng mình.
Theo phụ nữ TPHCM