Rưng rưng nhớ mùng 5 tháng 5 ở quê nhà

Tối qua, sau giờ cơm ba gọi điện. Câu đầu tiên ba hỏi tôi: “Mai có ăn mùng 5 không con?”. Tôi mới giật mình: “Trời, con còn không nhớ. Mai là thứ 2 vẫn đi làm bình thường thôi ba”. Có lẽ vì đang ở thành phố nên tôi chẳng cảm nhận được cái không khí nôn nao chuẩn bị cho ngày "tết" giữa năm giống như ở quê. Thời đó, cứ còn vài ngày nữa mới đến mùng 5 tháng 5 mà trong lòng lũ trẻ con chúng tôi đã nôn nao, háo hức vô cùng.

leftcenterrightdel
 Mâm cúng mùng 5 tháng 5 dân dã ở quê

Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5) từ lâu đã gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều người và hôm nay, cái cảm xúc của những ngày thơ bé ấy lại ùa về, nhất là với những đứa con xa quê. Khi hồi ức lại bao kỷ niệm lúc cùng má chuẩn bị cho ngày mùng 5 tháng 5 làm tôi rưng rưng. Cứ ngỡ như mới đây thôi, vậy mà thoắt cái đã 5 lần đón Tết Đoan Ngọ xa nhà.

Ký ức mà tôi nhớ nhất là hồi đó, cứ đúng 12 giờ trưa ngày mùng 5 là tôi lại chạy theo sau má đi khắp xóm để bẻ đủ loại lá, nào là ổi, dủ dẻ, vối… rồi mang về phơi khô sau đó sắc nước uống. Má nói đó là lá mùng 5, người xưa chỉ rằng uống như vậy rất mát và có thể giúp chữa bệnh. Tôi vẫn nhớ như in ly nước lá bốc khói nghi ngút thơm phức, mùi vị hơi đăng đắng nhưng để lại hậu ngọt trong khoang miệng. Đặc biệt là vào những ngày nắng nóng như đổ lửa của miền trung mà uống ly nước lá của má vô cùng đã khát.
leftcenterrightdel
 Tục treo lá trước nhà trong ngày mùng 5 tháng 5

 

Giờ đây tôi thèm da diết cái hương vị và không khí ấy. Nhớ lắm cái tâm trạng xốn xang chạy qua phụ nội làm đồ cúng, rồi chiều lại cả nhà sẽ đi về ngoại. Với tôi, ngày mùng 5 tháng 5 chỉ đứng sau Tết Nguyên đán. Vì nó có đủ tâm trạng háo hức, nôn nao và cả sự sum vầy, đoàn tụ bên gia đình.

Nỗi lòng của những đứa con xa quê

Ngày hôm nay, không ít bạn trẻ đang sống xa nhà bồi hồi nhớ không khí mùng 5 tháng 5 ở quê. Nhiều năm không được về nhà trong dịp "tết" giữa năm nên khi nhìn những hình ảnh về ngày mùng 5 tháng 5 được chia sẻ trên mạng xã hội lại khiến họ chạnh lòng nhớ quê.

Cũng đã gần 10 năm kể từ lúc lấy chồng và vào TP.HCM sinh sống, Võ Thị Ánh Huệ (29 tuổi), ngụ tại đường Vành đai Khu A, Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, chưa được cảm nhận lại không khí ngày mùng 5 tháng 5 ở quê nhà.

Huệ kể: “Mùng 5 tháng 5 ở quê chộn rộn lắm, còn ở đây chẳng có không khí gì, chỉ như ngày bình thường. Nhớ hồi đó sáng sớm dậy phụ mẹ nấu xôi đường, chè, dọn đồ cúng rồi cả nhà quây quần bên nhau ăn uống. Ngày ấy, mong mùng 5 như chờ tết vậy. Bây giờ, xa nhà nên ngày mùng 5 vì thế cũng nhạt dần. Giờ cần gì chỉ ra chợ mua là có, không phải mất công chuẩn bị. Nhưng cái không khí chộn rộn cùng tâm trạng háo hức ấy thì chẳng kiếm lại được nữa. Nhiều lúc cũng muốn về quê ăn mùng 5 lắm chứ nhưng không thể thoát khỏi guồng quay của cơm áo gạo tiền”.

leftcenterrightdel
 Không ít người trẻ ở xa nhớ không khí quê nhà trong ngày mùng 5 tháng 5

Tương tự, kể từ khi vào TP.HCM học cũng 5 năm nay, Nguyễn Hữu Hiệp (24 tuổi), ngụ tại đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7 (TP.HCM) không được về nhà trong ngày mùng 5 tháng 5. Với Hiệp, ký ức về ngày mùng 5 là không khí gia đình sum vầy và cả những món ăn cùng các tục lệ đặc trưng.

“Là người con xứ Quảng nên ký ức sâu sắc nhất với mình trong ngày mùng 5 tháng 5 phải kể đến món bánh ú tro. Tết Đoan Ngọ năm nào mẹ cũng mua vài xâu bánh này. Bánh ú tro xứ Quảng có màu vàng, có hình khối tam giác và chế biến chủ yếu từ nước tro, gạo nếp. Bánh không có nhân, mùi vị khá nhạt nên khi ăn thường chấm với đường cát hoặc mật mía. Lúc đó, mình ăn vì thấy hơi lạ chứ chẳng thích, nhưng bây giờ lại thèm cái hương vị ấy vô cùng”, Hiệp bồi hồi kể.

leftcenterrightdel
 Bánh ú tro, món bánh đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ

Với Hiệp, ngày mùng 5 tháng 5 còn gắn liền với rất nhiều tục lệ. “Mình nhớ cứ đúng 12 giờ trưa, nhà nào có cây ăn trái cũng sẽ khảo cây hay ngước mắt lên trời để giúp sáng mắt… Không biết có đúng không nhưng người xưa truyền tai nhau như thế nên hầu như nhà nào trong xóm mình cũng làm theo. Cũng vui lắm. Bây giờ chỉ được nhìn những điều đó qua các bài đăng trên mạng xã hội rồi ao ước được trở về với ngày xưa. Bình thường thì chẳng sao, tự nhiên ngày hôm nay mình lại thấy nhớ nhà vô cùng”, Hiệp bày tỏ.

Có lẽ, đến một lúc nào đó, mình không còn mong chờ những cái bánh ú tro béo núc chấm mật mía ngọt lịm hay những chén chè mà thay vào đó, mỗi người sẽ nhặt nhạnh hồi ức xưa cũ, cái cảm xúc háo hức mong chờ và cả khoảnh khắc được sum vầy bên ông bà, cha mẹ.

Theo Thanh niên