Mẹ tôi có nhiều nét giống bà nội, bà ngoại tôi, là những người phụ nữ truyền thống hết buông cái này thì bắt cái kia, chẳng mấy khi ngơi tay.

Khi thấy mẹ ngưng việc thì tôi biết mẹ đã rất mệt, hoặc bị bệnh, hoặc đang dành thời gian chơi với con cháu. Ấy vậy mà lâu lâu tôi đón lên thành phố chơi, đi siêu thị, phố xá một hồi thì mẹ đòi về quê. Người than: “Đi ra đi vô tù túng, hết ăn rồi coi ti vi hoặc đi chơi, mẹ mệt quá!”.

Trong ngàn vạn việc của mẹ không thể kể hết thì tôi vẫn luôn ấn tượng với bầy gà. Vườn rộng, nuôi gà theo kiểu thả tự nhiên, mẹ gầy hết bầy này đến bầy khác. Dù vậy, mẹ vẫn túc tắc trồng bắp ở các khoảnh đất trống để cho gà ăn thêm, thay vì tự tìm thức ăn, cùng với các thức có sẵn trong vườn như chuối, đu đủ, xoài chín rụng. Đám gà mái nếu không đẻ ở chuồng mà “bạ” đâu đó thì mẹ cũng biết và thường xuyên đến thăm.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Khi gà con mới nở, mẹ gom mẹ con chúng trong một cái lồng sắt, để sẵn thức ăn, nước uống để phòng đám quạ hay diều hâu bắt mất. Đợi gà lớn một chút mẹ mới thả đi tự do. Vì nuôi kiểu đó nên thường chục gà con chỉ lớn lên được sáu bảy.

Ấy vậy mà bầy gà cứ tuần tự sinh sôi. Chúng không lớn nhanh nhưng thường rất khỏe, hiếm khi có bệnh dịch. Có những con “ngoan” thì vào chuồng ngủ, để mẹ tôi có thêm công việc là sáng sáng đổ tro xuống sàn chuồng gà rồi quét dọn… Những con “nghịch ngợm” thì ngủ bờ ngủ bụi, thường là trên các nhánh bưởi gần nhà, trừ khi mưa gió mới chịu rúc vào mái hiên nằm co ro.

Bầy gà của mẹ đều là giống cũ, không lớn lắm nhưng thịt ngọt, chắc. Mẹ tôi có món gà chiên nước dừa được các con tôi vốn kén ăn nhưng đều khen là “ngon nhất xứ”. Mỗi khi đám cháu nội về, thế nào mẹ cũng cặm cụi làm món này, hoặc món thịt kho tàu vốn được lũ trẻ mê mệt! Còn không, sẽ là món cháo gà xé phay, trộn gỏi bắp chuối luôn đậm đà và tròn vị, không lẫn vào đâu được. Chắc chắn gà của mẹ ngon số một rồi, nhưng trong các món ăn còn có tình yêu thương, lòng ân cần vô đối của mẹ nữa.

Mỗi khi cần, bắt gà làm thịt là một việc khó khăn của mẹ. Gà trong chuồng thì không nói, nhưng gà trên cây thì bắt chúng rất gian nan. Ban đêm, gà thường bị quáng, nhìn không rõ, nhưng người già như mẹ tôi thì mắt cũng chẳng sáng hơn, không cách nào bắt chụp chúng. Vậy là mẹ nghĩ ra cách dùng lồng sắt gác hờ lên một cái ghế nhựa, cột sẵn sợi dây dài, bên trong lồng bỏ bắp để dụ gà vào ăn. Khi chúng đang say sưa thì mẹ giật dây, cái ghế bị kéo đi khỏi, thế là con gà bị cầm tù…

Việc làm thịt gà với mẹ cũng ngày càng khó. Trong nhà tôi, các con dâu của mẹ đều không khéo làm gà, nên nếu muốn ăn gà thì mẹ đều phải giết mổ. Trước khi “ra tay” mẹ thường đọc lẩm nhẩm: “Con gà con vịt ăn dơ ở dáy, đầu thai kiếp khác làm ăn”. Có lẽ mẹ học câu này từ bà ngoại (còn tôi nếu có làm việc này thì cũng chưa từng “đọc” câu đó).

Mẹ làm gà tỉ mẩn, để có được miếng thịt ngon nhất cho con cháu. Sau này, mẹ học thiền, ngại trực tiếp làm gà, nhưng không nói ra, e là con cháu không có thịt gà ăn. Ba tôi khi còn sống biết ý nên mới dặn các con: “Tụi con muốn ăn gà thì tự làm, không thì đem ra nhờ người ta làm, chứ đừng để mẹ con phải sát sinh…”, nhưng rồi vì chiều con cháu, mẹ vẫn lọ mọ làm. 

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

 

Mỗi khi tôi về, mẹ thường bắt sẵn hai con gà, một ăn liền, một cho tôi mang đi thành phố. Mẹ hay hỏi kỹ giờ nào tôi đi để làm gà cho kịp, hoặc làm sẵn cất trong tủ lạnh. Nhiều khi tôi bảo mẹ không cần làm cho cực, nhưng mẹ lại bảo: “Gà nhà có sẵn, ăn ngon hơn gà mua!”.

Khi ba tôi trở bệnh, không thể làm rẫy được, nhà phải dời ra ngoài mặt đường ở vì xe lăn không thể đi trong đường đất. Cả nhà ai cũng muốn mẹ ra ngoài sống, vườn tược cứ mặc đó, nhưng mẹ nhất quyết không chịu. Mẹ cứ bảo: “Trong rẫy còn nhiều đồ đạc cũng đáng tiền, rồi còn bầy gà nữa…”. Mọi người gợi ý là có thể rào lại một khu đất ở gần nhà để dời bầy gà ra, nhưng mẹ vẫn không chịu: “Gà nuôi nhốt thịt không ngon…”.

Chúng tôi đều biết mẹ viện cớ. Mẹ thấy còn sức và vẫn còn muốn làm, mà không chịu ngồi không. Những năm sau này anh em chúng tôi đều nên người, ba mẹ tôi không phải lo cho con cái và cũng không cần tự lo “hậu bị” của mình, nhưng mẹ vẫn làm việc. Tiền bán chuối, bưởi, bán gà… mẹ cứ cất đó, tiêu xài tiết kiệm, họ hàng có ai cần thì giúp, có bao nhiêu đến tết lại lì xì hết cho đám cháu. 

Theo phụ nữ TPHCM