1. Thuở còn là một cô bé ngây thơ, vô tư và luôn được yêu chiều, nhõng nhẽo, tôi thường nghĩ mẹ tôi là một người kỳ lạ bởi vì bà thích ăn những thứ rất kỳ lạ, những thứ tôi không thể nào ăn nổi.

Thí dụ như vào bữa ăn, bà thường chọn những miếng thịt mỡ béo ngấy khó nuốt để ăn. Khi tôi gặm hết cái đùi gà nướng thơm tho và bỏ ra khúc xương còn hai đầu gân với một chút thịt, bà bảo rằng đó mới là phần ngon nhất của cái đùi gà. Trái xoài thơm phức mập ú được má chia hai phần cho hai chị em tôi còn bà cầm cái hột xoài gặm say sưa…

Lớn hơn một chút, tôi nghĩ thêm được một chút, rằng thật may khi mẹ chỉ thích những thứ mình không thích ăn hoặc không thể nào ăn được. Nếu không như thế, chắc mình sẽ không thường được ăn nhiều thứ “thơm ngon đến miếng cuối cùng” như vậy. Là bởi sau khi nấu, sau khi gọt, sau khi bày biện, mẹ luôn là người ăn những vụn rơi, những thừa thãi, những xương xẩu còn lại của món ăn. 
 
leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Rồi thì một lúc nào đó đã bắt đầu trở thành người lớn, có ý thức hơn, trong đầu tôi bỗng bật sáng câu hỏi lạ kỳ: Phải chăng mẹ tôi thực sự thích ăn những món như thế? Phải chăng mẹ chỉ giả vờ để nhường những miếng ngon nhất cho chúng tôi? Qua bao năm tháng, quen ăn nhặt nhạnh như thế rồi, mẹ quên mất rằng mình thực sự thích gì?

Rất nhiều năm, những câu hỏi đó đau đáu trong trái tim tôi, một cô gái, rồi một người vợ, một người mẹ. Cho đến khi tôi nhận thấy hình ảnh mẹ trong chính tôi…

Tôi cũng từ chối những điều tốt đẹp nhất, để dành chúng cho chồng, con mình.

Tôi cũng dần quên đi những nhu cầu riêng của bản thân, từ những chuyện to tát như thăng tiến, phát triển sự nghiệp, tới những chuyện nho nhỏ như mua những món đồ xa xỉ, ăn những miếng ngon mà mình từng được mẹ nhường cho suốt thời thơ ấu. 

2. Trong những lúc tự mình “làm mẹ” và ngẩn ngơ nhìn lại “mẹ trong chính mình”, tôi thường tự hỏi: “Mẹ tôi có hạnh phúc không?”. Tôi có những cảm xúc vô cùng lẫn lộn. Đó là niềm tự hào, hãnh diện, sung sướng đến tột cùng khi nhìn thấy các con mình được ăn ngon, mặc đẹp, sống vui vẻ, rằng tôi có thể đáp ứng mọi điều con mình muốn.

Trong khi đó, một nỗi niềm khác luôn đan xen, chen lấn vào tôi: cảm giác xót xa, thương mẹ mình. Mẹ cũng quên mọi nhu cầu, sở thích cá nhân của bản thân vì chị em tôi. Mẹ đã sống không phải vì chính mẹ. Niềm vui của mẹ, hạnh phúc của mẹ không phải là của mẹ, mà là của chúng tôi.

Thế nhưng, xúc cảm đó mơ hồ và yếu ớt lắm. Suốt mấy chục năm qua, tôi luôn nghe thấy những lời ca ngợi, hô hào cổ vũ, ủng hộ trên mọi phương tiện truyền thông về sự hy sinh của người mẹ, về niềm hạnh phúc của mẹ khi con mình được chăm lo đầy đủ, được ăn sung mặc sướng, được hưởng trọn vẹn sự chăm sóc yêu thương đến quên mình của mẹ. Những tuyên truyền đó dần dần trở thành một điều mặc định, như một phẩm chất nhất định phải có của mỗi người mẹ. 

Làm mẹ là phải quên mình, làm mẹ là phải hy sinh, làm mẹ là phải coi niềm vui của con cái hơn niềm vui của chính mình. Trong cuộc đời, niềm vui, sự đầy đủ, sự sung túc còn rất hạn chế, ít ỏi. Nó như tấm chăn hẹp, kéo đắp đầy đủ cho người này thì người kia bị hụt đi. Những phần hụt, thiếu đó, người ta nghiễm nhiên đặt lên vai người mẹ và ca ngợi, cổ vũ một cách hăng hái. Trong khi đó, những người mẹ sẽ luôn nhẫn nại làm tất cả, hy sinh tất cả… như một điều hiển nhiên, không cần phải tính toán, suy nghĩ. 

Những khi nghĩ tới mẹ, tôi thấy xót xa nhiều lắm, như chính mình là người có lỗi; như chính mình là người ăn trộm những niềm vui của mẹ một cách vô tư, hồn nhiên, không hề có chút băn khoăn, áy náy… 

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

 

3. Ngày còn bé, tôi thường nghe mẹ kể một cách vui vẻ xen chút bâng khuâng, rằng hồi còn nhỏ, mẹ rất thích ăn kẹo.

Thời đó, gia đình mẹ rất nghèo. Ước mơ của mẹ suốt thời thơ ấu là khi lớn lên sẽ cố gắng làm việc, sẽ giàu có và sẽ luôn có một hũ kẹo riêng của mình. 

Khi còn bé xíu, tôi thấy ước mơ của mẹ thật ngộ nghĩnh, dễ thương. Tôi luôn hỏi sao bây giờ mẹ không mua cho mình một hũ kẹo như thế. Mẹ tôi cũng ngẩn ra, vẻ như suy nghĩ.

Cha mẹ tôi đều là nhà giáo, lương bổng không cao nhưng chuyện mua một hũ kẹo chắc cũng không quá khó. Vậy nhưng hũ kẹo thời thơ ấu của mẹ vẫn cứ chỉ là một câu chuyện của kỷ niệm. Những ưu tiên hàng đầu của mẹ vẫn từ một chiếc kẹp tóc cho cô con gái rồi đến miếng bánh cho thằng cháu ngoại. Chúng tôi nghĩ: chắc đó chỉ là một ước mơ trẻ con vớ vẩn, giờ mẹ cũng đâu cần nữa.

Thế rồi, có một lần, con trai tôi đi du học, gửi quà sinh nhật về cho bà. Thằng bé gửi cho bà rất nhiều kẹo, toàn kẹo chocolate bà thích. Nó còn dặn rất rõ ràng: đó là quà của riêng bà, không ai được chia phần của bà. Tôi thấy mắt mẹ rực sáng, niềm hạnh phúc gần như không thể diễn tả.

Mẹ tôi năm đó đã hơn 80 tuổi. Bà ôm hết đống kẹo lớn vào lòng, đòi tôi chụp hình gửi cho cháu ngoại. Đến lúc đó, bà mới cương quyết nói: tất cả là của bà, bà không cho ai hết.

Khi đó, mẹ tôi đã bị tiểu đường, không được ăn kẹo nữa. 

Con trai tôi biết rõ điều đó nhưng vẫn nhất định thực hiện ước mơ của bà ngoại.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

4. Khoảng hơn chục năm gần đây, thay vì cổ vũ cho những phụ nữ hy sinh bản thân vì con cái, gia đình, tôi thấy truyền thông bắt đầu nhắc nhiều hơn một thông điệp khác. Người ta nhắc nhở những người mẹ, người bà… hãy thương bản thân đầu tiên. 

Cùng thời điểm đó, tôi đọc trên Facebook một người bạn viết về chuyện cô ấy đã hoàn thành xuất sắc một công việc khó khăn nào đó. Vì thế, cô ấy rất vui mừng, hạnh phúc. Cô ấy muốn ôm hôn chính cái đầu của mình, chính bản thân cô vì đã vượt qua khó khăn một cách hoàn hảo như vậy. Thế nhưng, cô ấy cứ tiếc mãi vì không thể nào tự ôm đầu của mình để mà hôn thưởng cho nó một cái. Một cách hài hước, cô ấy bảo yêu thương bản thân khó lắm, nhất là với những người đã quen cả đời chỉ sống cho người khác, yêu thương người khác và lấy đó làm hạnh phúc.

Điều cô ấy viết thật thú vị, hình ảnh cô ấy so sánh thật dễ hiểu, làm tôi cứ suy nghĩ mãi. Học yêu bản thân khó lắm.

Đầu tiên là vì thói quen của chính mình. Tiếp đến vì thói quen từ chính những người thân của mình. Cuối cùng, vì đôi khi người ta bối rối, không biết thế nào mới là yêu chính mình.

Tôi từng thấy một người mẹ luôn cảm thấy mình có lỗi khi mua sắm bất cứ thứ gì đẹp đẽ cho bản thân. Tôi từng thấy một người con trách móc mẹ mình ích kỷ khi bà đi du lịch, họp hành, tụ tập bạn bè suốt, không giúp cô ấy giữ con.

Tôi từng thấy những phụ nữ cố gắng bước ra khỏi chính mình theo trào lưu này kia, rồi lại mệt mỏi, hối hận và hoang mang, không biết nên làm thế nào để mình được vui.

Tôi nghĩ: đừng kêu gọi, đừng yêu cầu, đừng hô khẩu hiệu “Hãy thương chính mình” cứ như cuối cùng chính họ lại là người có lỗi trong việc hy sinh, yêu thương, chăm chút người khác. Hãy cùng với họ bày ra một cuộc sống ấm áp; tràn đầy sự chia sẻ, chăm chút, thương yêu.

Ở góc độ lý trí, tôi hiểu phụ nữ khó lòng tự thoát khỏi những ràng buộc của nghĩa vụ, trách nhiệm hy sinh, chăm chút. Họ vốn là người gánh đỡ thế gian này. Vì thế, để họ biết yêu thương bản thân, đừng kêu gọi mà hãy làm cho thế gian này nhẹ nhàng hơn. Hãy chia sẻ gánh nặng với họ, yêu thương họ, làm gương để họ biết cách yêu thương chính bản thân mình. 

Dù chỉ là bắt đầu từ một hũ kẹo nhỏ của con trai tôi. 

Theo phụ nữ TPHCM