leftcenterrightdel
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK 

Còn vài tháng nữa chị Mai bước vào tuổi 50. Ở tuổi này, chị và chồng đều đảm nhận vị trí giám đốc tại tập đoàn nước ngoài và là chủ chuỗi cửa hàng bán thực phẩm sạch. Con trai lớn sau khi tốt nghiệp đại học, dưới sự dẫn dắt của ba mẹ, bắt đầu phát triển chuỗi quán cà phê của mình. Cô con gái nhỏ của chị là sinh viên năm nhất một trường có tiếng tại thành phố.

Khác với nhịp sống “cắm mặt vào điện thoại” của giới trẻ hiện nay, hai con chị Mai gặp nhau là trò chuyện, cười đùa không ngớt. Lân la hỏi thăm bí quyết để các con vừa giỏi vừa yêu thương nhau như thế, chị Mai bật cười: “Ngày nào, cả nhà cũng ăn bữa sáng chị nấu”. 

Chị Mai kể, mười năm trước, con cái còn nhỏ, chị và chồng đều phấn đấu cho sự nghiệp. Một tháng có đến 28 ngày đi công tác, con giao cho người giúp việc và ông bà. Nhiều lúc kéo vali khỏi nhà, chị thấy hai con nhìn mẹ, nhìn ba rơm rớm nước mắt. Hai vợ chồng đều thương con, nhưng vẫn gạt đi vì mục tiêu lớn hơn. Khi sự nghiệp ổn định, thu nhập ổn định, chị quyết định dành nhiều thời gian cho con. 

Thu nhập của vợ chồng chị Mai khá cao, nhưng từ khi rút về vị trí này, chị không thuê người giúp việc mà tự làm và chia việc nhà cho con. Mỗi sáng, chị dậy lúc 5g, vo gạo nấu cơm, lấy thức ăn đã được lấy từ ngăn đông xuống. Kho kho, nấu nấu, khi bữa sáng chuẩn bị xong, chị vào phòng, đánh thức con và chồng dậy. Cả nhà cùng nhau ăn cơm.

Thời gian ăn, chồng chị sẽ tranh thủ hỏi thăm con trai chuyện cửa hàng, hỏi con gái học hành. Cô con gái cũng tranh thủ chia sẻ với mẹ công thức làm bánh mới học được… Kết thúc bữa sáng, chồng chị cho tô chén vào máy rửa, con trai chở em gái đi học. Chị trang điểm, thay đồ. Đúng 9g, anh thả chị xuống trước cửa văn phòng, rồi quay xe đến công ty anh.

Trước câu hỏi “Tại sao không phải là ăn cùng nhau buổi tối?”, chị cười xòa: “Có thể sao?”. Công việc của chị và anh không thể thiếu những cái hẹn ăn tối với đối tác. Chuỗi cà phê của cậu con trai cũng đông khách vào buổi tối. Giờ ấy, cô sinh viên năm nhất đại học cũng bận với những lớp bồi dưỡng kỹ năng, lớp tiếng Anh. 

“Vậy không thể cùng nhau bên bàn ăn buổi tối, tại sao không phải là buổi sáng?”, chị nói. Bữa sáng giàu dinh dưỡng được nhiều chuyên gia khuyên mọi người nên áp dụng để tốt cho sức khỏe? Bữa sáng là lúc mọi người đã được nghỉ ngơi sau một giấc ngủ dài, có thể thoải mái trò chuyện? Bữa sáng bên gia đình còn là niềm vui, động lực trước khi mỗi người bước ra khỏi nhà, lao vào cuộc chiến ở trường học, ở công sở. 

Chị Mai cũng không làm bếp một mình. Chị gần như chỉ mất khoảng hai tiếng từ 5-7g sáng để nấu ăn và chuẩn bị. Hai tiếng mỗi ngày để thiết lập thói quen chia sẻ, hai tiếng để  liên kết các thành viên trong gia đình, để hai con chị có trách nhiệm với nơi mình đang sống, để tạo mối quan hệ em ngã anh nâng, thật đáng giá! 

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Nhìn chị, tôi chợt nhớ đến nhiều gia đình tôi quen. Mỗi sáng, mỗi người trong gia đình thức dậy nhờ chuông báo thức, lo vệ sinh, rồi túa ra khỏi nhà. Khuya, về đến nhà chỉ kịp gật đầu chào nhau rồi lăn ra giường. Cuối tuần mới đủ thành viên để ăn cùng nhau bữa cơm, nhưng sự liên kết bị ngắt nhịp, ba mẹ không biết nói gì với con, con không biết nói gì với cha mẹ. Anh em không biết nói gì với nhau. Cuối cùng ai cũng cắm mặt vào điện thoại, bữa cơm gia đình lạnh ngắt. 

Vậy mới biết, để nhà thật sự là nhà, các thành viên trong gia đình có gắn bó quan tâm nhau không, phụ thuộc nhiều vào nữ chủ nhân. Phụ nữ đi làm, ai cũng trăm công ngàn việc, nhưng, chỉ cần hy sinh bản thân một chút, dậy sớm, nấu bữa sáng, cả nhà quây quần chia sẻ những vui buồn trước khi ra khỏi nhà tiếp tục lao vào guồng quay hối hả của cuộc sống. Chỉ cần nữ chủ nhân chậm lại một chút, dành khoảng nửa tiếng cho những đứa con, cùng học, cùng làm việc nhà, ngôi nhà sẽ ấm cúng. 

Theo phunuonline