Sức mạnh của... chị sui

22g, điện thoại của bà Hợp reo, đầu dây bên kia là giọng chị ruột của con dâu bà khẩn khoản: "Bác Năm ơi, mai tới lịch tái khám của má con ở bệnh viện tỉnh, mà má con không chịu đi. Bác Năm khuyên giùm con với". Bà Hợp nhờ chuyển máy cho bà sui, giọng rổn rảng ''Chị sui ơi, mai tới ngày khám định kỳ rồi, chị bị tiểu đường, thiếu máu não... không ngưng thuốc giữa chừng được chị ơi. Sáng mai tui qua chở chị đi khám nghen". Đầu dây bên kia nhỏ nhẹ: "Đi với chị sui thì tui đi". 

leftcenterrightdel
 2 bà sui hay rủ nhau đi du lịch (bà Hợp bên trái)

Đó là một trong những cuộc hội thoại hằng ngày giữa bà Đặng Thị Hợp (sui trai) và bà Lê Thị Tiệm (sui gái). Nhắc đến sui gia, nhiều người thường nghĩ tới mối quan hệ chừng mực, thậm chí có phần cơm không lành, canh không ngọt. Thế nhưng, với bà Hợp và bà Tiệm thì "2 gia đình kết thông gia đã cho chúng tôi người chị - người em ruột thịt" - bà Hợp nói. Vợ chồng con trai, con gái của 2 bà mẹ đi làm xa, ở Đồng Nai, nhưng ở quê, 2 nhà lại rất gắn bó.

Dù gia cảnh bà Hợp khó khăn, ngồi chợ bán chè xôi lo cơm gạo mỗi ngày, bà sẵn sàng nghỉ bán để chở bà sui đi bệnh viện. Thậm chí, bà Hợp còn nhiều lần đưa bà sui đi Sài Gòn khám bệnh. Khi bà Tiệm nằm viện, bà Hợp cũng túc trực nuôi.

Nhiều người thắc mắc, bà Hợp cười hềnh hệch: "Anh sui tui đã mất, bà sui có một mình, có tui làm bạn già cho chị vui". Tự khi nào, bà sui trai đã trở thành điểm tựa cho bà sui gái. Ngược lại, bà Tiệm cũng hết lòng hết dạ với bà sui trai. Cách vài ngày, bà Tiệm lại qua nhà phụ bà Hợp nấu chè xôi, làm bánh hoặc qua chỉ để gặp gỡ, “tám” cho đỡ buồn và ăn uống, nói chuyện với nhau. Bà Hợp khoe: “Bà sui mới qua nhà tui hôm mùng Mười tết. Chồng tui với con rể thứ hai của chị sui lội sông đãi hến về cuốn bánh tráng ăn, ngon lắm, vui lắm”.

Tình cảm của 2 bà thông gia không chỉ thể hiện qua những hành động trên mà còn qua sự chăm sóc nhỏ nhất. Bà Tiệm kể: "Cách 2-3 tháng, chị sui lại mua quần áo mới cho tui; tết rồi thì mua vải đẹp để tôi may đồ, đưa tui đi chùa, dẫn đi du lịch. Nhờ có chị sui mà tui biết được nhiều thứ. Chị sui quan tâm, chăm sóc tôi còn hơn chị em ruột thịt".

Điểm tựa cho con cháu

Bà Hợp và bà Tiệm trở thành sui gia sau khi anh Nguyễn Thành Vũ kết duyên cùng chị Nguyễn Thị Tuyết Thềm vào năm 2013. Đặc biệt, ngay từ đầu cuộc hôn nhân của đôi trẻ, 2 bà sui đã có cơ hội lớn để... xung đột. 

leftcenterrightdel
 Con cháu mừng sinh nhật của bà Hợp (bên trái) thì bà Tiệm cũng có hoa, có quà

Sau đám cưới khoảng 4 tháng, chị Thềm bất ngờ bỏ đi khỏi nhà chồng, quay lại công ty cũ ở Bình Dương làm việc, vì cho rằng chồng không tâm lý và quá khó tính. Thay vì tức giận, bà Hợp lại thấy thương con dâu còn trẻ (20 tuổi), chưa chín chắn nên tìm cách cứu vãn. Bà Hợp báo cho chị sui gái hay để chung sức hàn gắn. Bà Tiệm hay chuyện, khăn gói đi tìm con về. 2 bà sui cập nhật, thông báo tình hình và động viên nhau cùng cố gắng mà không một lời bênh vực con mình hay đổ lỗi, hờn trách nhau. Sự đồng lòng, bao dung của 2 bà mẹ đã mang đến kết quả tốt đẹp: chị Thềm quay về, vợ chồng trẻ trò chuyện để hiểu nhau hơn, cùng điều chỉnh mình và sống hạnh phúc đến nay.

Sau biến cố này, bà Hợp nhận ra: "Chị sui tui quá hiền lành, thiệt thà và vô cùng biết điều", còn bà Tiệm cũng phát hiện những điều đáng quý ở bà sui trai: "Chị sui tui rất cởi mở, dễ gần, không hơn thua và thương con dâu như con gái ruột". Rồi "2 bên nói chuyện miết rồi thân, rồi thương như chị em hồi nào không hay" - bà Hợp lý giải sự kết nối đặc biệt của tình sui gia.

Anh Vũ chia sẻ: "2 bên nội - ngoại thương nhau như ruột thịt nên chúng tôi luôn được hậu thuẫn hết mình. Vợ chồng tôi không bao giờ gặp cảnh phải cân não như đi làm xa về ăn tết nhà nội hay ngoại? Mua cho nhà ngoại cái này thì phải sắm cho nhà nội tương đương... 2 đứa con - 10 tuổi, 8 tuổi - của vợ chồng tôi được gửi cho ông bà nội từ bé để vợ chồng tôi đi làm xa. Bà ngoại cũng thường xuyên qua phụ trông cháu. Tôi và vợ, mỗi bên đều có đến 2 người mẹ đứng về phía mình, nên cuộc sống rất vui và dễ chịu".

Mối quan hệ sui gia thân thiết mang lại nhiều lợi ích cho cả 2 bên. Đối với con cái, khi 2 nhà hòa thuận, yêu thương, con cái sẽ cảm thấy hạnh phúc, an tâm và có thêm động lực để vun vén cho tổ ấm; ông bà cũng có thêm niềm vui khi được quây quần bên con cháu, được yêu thương và chăm sóc.

Nhìn vào sự gắn bó của 2 bà sui Hợp - Tiệm, ta càng có niềm tin vào giá trị tốt đẹp của tình cảm gia đình - nơi những người thân yêu luôn hướng về nhau, cùng chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. Không chỉ yêu thương con dâu, con rể, 2 bà sui còn dành cho nhau sự quan tâm, chăm sóc chu đáo. Tình cảm của 2 bà chính là điểm tựa vững chắc cho con cháu và là hình ảnh đẹp trong mối quan hệ thông gia. 

Theo phụ nữ TPHCM