"Từ cấp 2 lên đại học, tôi đi đâu mẹ đi đó, không rời", thầy Lưu mở đầu câu chuyện của mình.
Sinh ra trong một gia đình nghèo thuộc vùng dân tộc thiểu số huyện Vọng Mô, năm 4 tuổi, bố Lưu qua đời trong một tai nạn. Cú sốc khiến mẹ anh bị sang chấn tâm lý rồi mắc chứng rối loạn tâm thần.
Bán đất ruộng để lo ma chay cho bố, dù nhỏ tuổi nhưng Lưu xin thuê lại trồng lúa. Mỗi năm người ta trả công cho cậu 250 kg gạo, đủ hai mẹ con ăn cả năm.
Năm 7 tuổi, Lưu mới được đến trường. Tốt nghiệp tiểu học, cậu đứng thứ 3 toàn huyện về thành tích. Không có tiền theo học cấp 2, Lưu tự tìm thông tin về một trường dân lập mới mở. Lưu trở thành thủ khoa đầu vào và được miễn học phí.
Để theo học cấp 2, Lưu phải rời ngôi nhà cũ trên núi để vào thành phố. Họ hàng khuyên ngăn nên bỏ học ở nhà làm thuê, trông mẹ, Lưu dứt khoát "Chỉ có học mới thay đổi được vận mệnh" rồi sắp xếp đồ đạc, đưa mẹ theo cùng. Không có tiền thuê nhà, Lưu đã dùng rơm làm một cái lán trên sườn đồi cạnh trường học. Phía trước cậu đào một cái hố ở khoảng đất trống, đặt một cái niêu sắt lên làm bếp.
Ba năm cấp 2, để có tiền sinh hoạt cho hai mẹ con, ngoài giờ học, Lưu còn đi nhặt phế liệu. Người mẹ ở nhà, cơm nước và làm vài việc lặt vặt giúp con.
Năm 2004, Lưu tốt nghiệp trung học cơ sở và được nhận vào một trường cấp 3. Phải rời đến một ngôi trường cách nơi ở cũ vài chục cây số, Lưu đến khảo sát ngôi trường mới rồi thuê một chuồng lợn bỏ hoang gần đó với giá 200 tệ (660.000 đồng)/tháng để làm nhà cho hai mẹ con.
Trong ba năm cấp 3, Lưu học hành chăm chỉ với quyết tâm phải thi đỗ đại học. Thời điểm này cậu vẫn đi nhặt phế liệu để kiếm sống.
Năm 2007, Lưu bị ốm nặng và thi trượt đại học. Trong lúc tuyệt vọng, cậu nhìn thấy một câu nói trong sách: "Tôi đã khóc khi không có giày để đi, cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày", cậu quyết định thi đại học một lần nữa.
Mùa hè năm 2008, Lưu đỗ vào Đại học sư phạm Lâm Nghi, thuộc tỉnh Sơn Đông. Không đủ tiền nộp học phí nhưng Lưu vẫn nói với mẹ: "Miễn là con chăm chỉ đi làm kiếm tiền, mọi việc sẽ ổn. Dù thế nào cũng phải tiếp tục đi học".
Câu chuyện của Lưu sau đó lan truyền trong cộng đồng mạng, được nhiều người chung tay giúp đỡ. Đại học sư phạm Lâm Nghi khi đó cũng cung cấp chỗ ở cho Lưu và mẹ, đồng thời bố trí một công việc bán thời gian tại trường để anh có thể vừa theo học, vừa kiếm được tiền lo cho cuộc sống hai mẹ con.
Sau khi lên đại học, Lưu ngừng nhận sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân và chuyển sang giúp đỡ người khác. Anh đã gửi một phần tiền nhận được về Quý Châu hỗ trợ 3 đứa trẻ từng gặp trong những lần đi nhặt phế liệu. Lưu nói rằng, tôn chỉ sống của anh là phải để người khác tôn trọng mình, thay vì thấy mình đáng thương.
Năm 2012, Lưu tốt nghiệp đại học và trở về huyện Vọng Mô làm giáo viên cấp 2. Năm đầu tiên, anh được phân công làm giáo viên chủ nhiệm của một lớp khối 9. Học sinh lớp Lưu năm đó đỗ vào cấp 3 đông nhất trường.
Năm tiếp theo, Lưu được phân công chủ nhiệm một lớp 10 kém nhất trường. Sau 3 năm dạy dỗ, thành tích của học sinh trong lớp đã có những bước chuyển mình "đáng kinh ngạc" – theo đánh giá của vị hiệu trưởng. Tất cả 47 học sinh trong lớp đều đỗ đại học.
Năm 2018, Lưu được bình chọn là một trong những giáo viên ưu tú nhất Trung Quốc. Trong năm này, anh còn được nhận nhiều huân huy chương cấp quốc gia như: Huân chương lao động hay thanh niên ưu tú toàn Trung Quốc.
Không chỉ giảng dạy, Lưu còn tích cực làm từ thiện. Anh đã thành lập một quỹ học bổng giúp đỡ cho hơn 1.600 học sinh nghèo. Người đàn ông này cũng có hơn 400 bài phát biểu truyền cảm hứng cho những học sinh ở vùng sâu, vùng xa.
"Con người chỉ trở nên vĩ đại khi học tập không ngừng", Lưu luôn nói câu mở đầu như vậy trong tất cả các bài phát biểu của mình.
Theo vnexpress