Tai ương dồn dập
Tuổi thơ của chị Nguyễn Thị Tuyết Lan đầy cơ cực, cay đắng. 13 tuổi, cha mẹ chị đưa 6 đứa con từ Huế vào tận đất mũi Cà Mau để lập nghiệp. Thế nhưng, khi cái nghèo, cái khổ còn chưa thoát được thì người cha bội bạc đã lấy hết tài sản đi theo người phụ nữ khác. “Mẹ tôi khóc lóc, van xin nhưng cha tôi túm tóc quấn quanh cổ bà rồi đập mạnh xuống nền gạch. 6 chị em tôi chỉ biết đứng khóc nhìn mẹ chịu đau đớn khi bóng cha khuất dần sau khe cửa”, chị Lan nhớ lại.
Nơi đất khách quê người, 7 mẹ con không chốn dung thân, đành dắt díu nhau lang thang khắp các nẻo đường. May mắn, họ được người tốt cho mượn tạm cái chòi rách nát làm nơi trú ngụ. Là chị cả, Lan cùng mẹ phải dậy sớm thổi xôi, nấu chè rồi đi khắp nơi bán với đôi quang gánh nặng trĩu trên vai. Chiều tối, chị xin giặt thuê quần áo, nhặt ve chai, quần quật từ sáng đến tối để phụ mẹ nuôi các em nhỏ.
Năm 1987, qua mai mối, chị lập gia đình với một người đàn ông kém 4 tuổi, làm nghề đánh cá tại Cà Mau. Song, số phận thật trớ trêu. Chị còn nhớ như in cái ngày mà chồng bị bão lũ cuốn trôi mất xác khi đi đánh cá ngoài biển: “Khi đó, tôi vừa sinh con gái được 1 tuần. Cả gia đình ngồi quây quần bên mâm cơm, ảnh nói: “Tui tranh thủ ra khơi để kiếm thêm chút tôm, chút cá bồi bổ sức khỏe cho vợ con”. Không ngờ, đó lại là lần cuối cùng vợ chồng trò chuyện”. Chồng mất, chị vật vờ như cái bóng không hồn. Nhưng vì thương con nhỏ dại, chị giấu nỗi đau để tiếp tục chống chọi với số phận, nuôi con khôn lớn, trưởng thành.
Tuy nhiên, tai ương lại ập đến khi chị phải gánh chịu thêm nỗi đau. Người con gái trên đường đi làm ở xí nghiệp đông lạnh về nhà thì bị tai nạn giao thông. Chị kể: “Khi biết tin đầu của con có cục máu đông, tay chân tôi như rụng rời. Số tiền phẫu thuật mấy chục triệu đồng đối với tôi là quá lớn. Con bé thương mẹ nên đã tìm cách trốn viện về nhà. Tôi đi vay mượn khắp nơi nhưng cố lắm chỉ xoay được vài trăm ngàn đồng mua mấy liều thuốc cho con uống đỡ”.
Để bồi bổ sức khỏe cho con, người phụ nữ với thân xác khô quắt nặng chưa đầy 30kg ấy vẫn đều đặn đến bệnh viện ở Cà Mau “cầu xin” được bán máu. Vì bán máu “chui” nên chị đã bị bọn “cò” ăn chặn hết gần nửa số tiền xương máu ấy. “Đành chấp nhận thôi, rơi vào đường cùng rồi mà. Bán máu xong, tôi vẫn quần quật lao động. Ai thuê gì thì làm nấy để cố kiếm được viên thuốc chữa bệnh cho con”.
Song, chỉ 1 năm sau, con gái của chị đã qua đời. Ngồi ôm di ảnh con, chị bật khóc: “Đêm đó, nó nằm ôm tôi ngủ rồi nói: “Nếu con chết thì mẹ chôn chứ đừng thiêu, con nóng lắm!”. Tôi xoa tay lên trán nó rồi mắng: “Con hư quá. Nói gở không à. Không ngờ, đến sáng hôm sau, trong một cơn co giật, con bé đã qua đời. Giá như lúc đó tôi có tiền cứu chữa cho con thì...”.
Chị Lan bỏ lửng câu nói, nước mắt chan chứa. Bởi ước nguyện cuối đời của con, chị cũng không thực hiện được. Đất chôn tốn cả chục triệu đồng nên chị đành cắn răng thuê người ta 2 triệu đem con đi thiêu. Chị nói: “Thấy lửa cháy trên người con mà tôi muốn chết theo nó. Lòng tôi như tan nát”.
“Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”
Đã hơn nửa đời người, chị Lan vẫn chưa có một ngày được thảnh thơi đúng nghĩa. Không lâu sau, người em trai của chị bất ngờ bị tai nạn rồi qua đời. Mất chồng, người em dâu đã phát bệnh tâm thần rồi bỏ đi khắp nơi, để lại cho chị tới 6 đứa trẻ nheo nhóc. Thương các cháu mồ côi, chị đã bao bọc bọn trẻ trong cảnh “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”. Chị bộc bạch: “Từ lúc đó, tôi coi các cháu như con ruột của mình. Người ta vẫn nói: “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì” mà.
Thời gian rảnh, các con chị Lan phụ giúp mẹ lượm ve chai, kiếm thêm thu nhập
Nhìn sắp nhỏ nheo nhóc, cả ngày khóc lóc vì đói, vì lạnh, trái tim chị thắt lại. Rồi chị quyết định dắt díu 6 đứa lên Sài Gòn mưu sinh. Nơi phồn hoa, chị đi cùng sắp nhỏ nằm co ro ở đầu đường, góc chợ. Hằng ngày ngửa tay xin từng đồng tiền lẻ đổi lấy miếng ăn. Trong một lần đi ngang xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn), thấy cảnh thương tâm, một người dân ở đó đã cho gia đình chị tá túc nhờ.
Cái khổ dường như đã quen mặt quen tên, cứ bám riết chị. 6 đứa con, nhưng đứa thì bị tâm thần, đứa tê thấp, đứa bệnh tim. Có lần, chị bấm bụng đưa 2 đứa nhỏ nhất vào trung tâm SOS để có cuộc sống tốt hơn, nhưng khi tới trước cổng thì chị ngưng ý định rồi đem con về nhà. Cùng đường, chị lại quay lại “nghề cũ”: Bán máu. Có lần, kiệt sức nên chị bị xỉu. Tiền bán máu thì bị kẻ xấu cuỗm mất. Sợ các con thiếu thốn, làm điều bậy bạ, chị luôn nhắc nhở: “Không có thì xin, chứ đừng ăn cắp của người ta. Nghèo khổ đã đành, làm chuyện xấu sẽ mang thêm cái nhục, không dám ngẩng mặt nhìn ai”.
Trong buổi chuyện trò khá lâu với tôi, chị Lan chỉ tươi cười 1 lần khi thấy các con đều ngoan hiền và hiếu thảo. Chị kể: “Cháu Nguyễn Bình (13 tuổi) sáng sớm dậy đi bán vé số; bé Nguyễn Tiến (10 tuổi) và Nguyễn Thị Trà My (7 tuổi) cùng mẹ đi lượm ve chai, phụ bán quán cơm. Người dân trọ thương tình “giao việc” giặt quần áo với tiền công 10.000 đồng/thau đồ, thỉnh thoảng lại cho quà bánh. Ai cho gì ngon, các cháu đều để dành mang về cho mẹ”.
Chị Lan bên bé Tiến và bé My, nguồn động lực lớn giúp chị vượt qua những vất vả trong cuộc sống
Cảnh đời trớ trêu, tai ương dồn dập vẫn không làm người phụ nữ kiên cường ấy gục ngã. Ở tuổi 53, chị Lan tâm sự, sẽ làm tất cả để các con có một tương lai tốt đẹp hơn, bởi tâm hồn chị giờ đã thấy nhẹ nhàng, tươi vui hơn khi các con - “tài sản” vô giá của mình - đang dần khôn lớn, trưởng thành, dù vẫn còn đó rất nhiều khó khăn phía trước.
Minh Tú/Thế giới Phụ nữ