Đôi khi vì miếng cơm manh áo hàng ngày, mà bố quên mất cả tuổi thơ của các con cũng cần được bố mẹ quan tâm chăm sóc.

Ngày mẹ các con mang bầu, thời đó chưa có y học tiên tiến và hiện đại như bây giờ để biết là trai hay gái. Nên bố mẹ rất mong chờ đó là một đứa con trai. Khi đó bố mẹ sẽ hãnh diện mà khoe khắp làng xóm là nhà mình đã có con trai nối dõi. Nhưng ngày mẹ con chuyển dạ và sinh ra là một cô con gái. Bố có chút buồn phiền trên mặt.

Có con gái, cuộc sống của bố mẹ vất vả nay lại càng vất vả hơn. Thời kỳ bao cấp, vật chất thiếu thốn nhiều, không phải muốn mua gì mà được đó, nhưng nhờ ơn trời mà con gái đầu của bố lớn lên trong khỏe mạnh khiến bố mẹ cũng an tâm phần nào.

Vài năm sau, mẹ con mang bầu tiếp và bố vẫn hi vọng lần này sẽ là một đứa con trai. Dù gì tư tưởng “trọng nam khinh nữ” thời đó vẫn còn phổ biến lắm. Nếu có một đứa con trai, khi đó bố sẽ đi vào nhà thờ họ mà ngồi cùng các bác các ông mà đang có con trai nối dõi. Bố sẽ tự hào mà khoe con trai tôi sau này sẽ như thế này, như thế kia.

Nhưng khi mẹ con lại sinh ra đứa con gái nữa, thì sự hụt hẫng của bố nay được thể hiện rõ. Bố không gào thét, khóc lóc, bố đi ra ngoài như một sự trốn tránh. Không như đứa trước, con gái thứ 2 của bố bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Lúc còn nhỏ, số ngày nằm viện của con còn nhiều hơn ở nhà.

Bố mẹ vay tiền ngược xuôi để chữa bệnh cho con. Lúc đó bố chỉ mong con gái của bố khỏe mạnh, hàng xóm có nói gì bố cũng mặc kệ. Bố còn nhớ khi đó con gần 2 tuổi, vì không có tiền đưa bác sỹ chữa bệnh, con khóc lả đi vì đói và mệt. Bố lúc đó không mượn được tiền ai đành phải đạp xe về nhà cắt lúa non đem bán, mới có tiền chữa bệnh cho con.

phat-ngon-ve-hanh-hieu-duong-cha-me-1154

Ảnh minh họa.

Rồi con gái bố lớn hơn 1 chút, hàng ngày bố phải đạp xe gần 20 km để đến nơi làm việc thì tối đến bố phải mò mẫm đồng ruộng kênh ao để đi bắt cóc cho con ăn. Đồng ruộng ban đêm, trời tối mịt, đâu có ánh đèn, chân bố giẫm phải mảnh sành, vỏ chai hoặc lâu lâu gặp rắn rết là chuyện bình thường. Nhưng vì con gái bố đành cố gắng. Mọi sự cố gắng của bố đều mong các con có cuộc sống hạnh phúc nhưng tiếc thay đứa con gái thứ 2 của bố lại bị bệnh, cứ mùa hè tới người con sẽ nổi rôm sảy và mưng mủ khắp đầu. Hàng xóm và bạn bè xa lánh con, đứa con tội nghiệp của bố chỉ chơi giỡn một mình suốt thời thơ ấu. Hàng xóm bàn tán, họ nói bố không đẻ được con trai thì chớ, lại con đẻ ra đứa bệnh tật.

Bố xấu hổ, bố không dám cho con đi đâu cả, mọi sự mệt nhọc của bố dường như bùng phát, bố trút hết lên đầu các con và mẹ. Nhưng lương tri của một người bố, bố vẫn phải chạy vạy hết nơi này đến nơi khác, tìm thầy này tới thầy khác để chữa bệnh cho con. Nhờ sự kiên trì của cả gia đình, nhờ sự giúp đỡ của thầy thuốc, và sự che chở của ông trời mà con gái bố sau gần 10 năm chữa bệnh, bệnh của con đã khỏi hoàn toàn.

Có lẽ vì tư tưởng phong kiến trong bố quá lớn, rất mong muốn có một đứa con trai để cho bằng với bà con xóm làng. Nên khi kinh tế gia đình mới khá hơn 1 chút, bố vận động mẹ đẻ thêm. Biết đâu đẻ được con trai thì sao. Rồi mẹ cũng sinh nhưng 2 lần sau lại là con gái nữa. Vậy là bố có tổng cộng 4 cô con gái, đứa lớn thì 12 tuổi, đứa nhỏ mới lọt lòng. Đứa lớn bế đứa nhỏ, hàng xóm chê cười.

Bố còn nhớ, lúc đó mỗi lần các con của bố đi chơi, cũng bị họ nói là đã nghèo còn đẻ lắm. Bố tức tối, thế là - quyết tâm có con trai của bố lại lớn hơn bao giờ hết. Ba năm sau, mẹ sinh cho bố một đứa con trai. Vì có con trai, nên bố dành hầu như hết tình cảm của mình cho em nó. Bố gần như quên đi sự hiện diện của những đứa con gái.

Bố la mắng các con gái của bố, khi mà các con lỡ làm em khóc. Bố bắt các con phải làm việc nhẹ nhàng khi em con ngủ. Nếu các con gái của bố, chưa bao giờ được bố chở đi đây đi đó, thì con trai của bố lại được bố mẹ chở đi nhiều nơi, mặc dù lúc đó kinh tế gia đình mình vẫn còn nghèo, nhưng bố vẫn ưu ái con trai của bố. Trong mắt bố, con gái chỉ là con nhà người ta, con trai mới là con mình. Giờ đây bố tự hào với mọi người vì đã có con trai.

Năm tháng qua đi, các con gái của bố lớn lên như một lẽ tự nhiên, con gái của bố cũng đã ra ngoài làm việc. Tự dưng bố thấy sự chông chênh trong cuộc sống, dường như bố đã quá quen với sự có mặt của các con. Quá quen với việc các con tỵ nạnh nhau vì bố chiều em này hơn con, quá quen với việc khi em trai con khóc, các con phải nhanh chân nhanh tay dỗ cho em nín. Đứa thì đi làm, đứa đi học, lúc này các con cũng đã lớn ít cần bố mẹ nhiều hơn như lúc bé. Lòng bố thấy trống vắng lạ kỳ. Giờ đây bố cũng muốn được các con sà vào lòng bố như lúc bé, nũng nịu bắt bố dẫn đi chơi như mọi đứa trẻ khác. Nhưng có lẽ, giờ mọi chuyện cũng đã khác.

Chiều nay, khi mở ti vi lên, chương trình chiếu một cô gái bị bắt giam vì phạm tội, cô khóc vì cô không được sự quan tâm của gia đình nên mới xảy ra lầm lỗi ngày hôm nay. Mong tòa giảm nhẹ tội để chuộc lại lỗi làm. Bố thấy khóe mắt mình cay cay, bố thấy hình ảnh bố ở trong đó, vì cơm áo gạo tiền bố đã ít quan tâm đến những cô con gái của mình. Vì tư tưởng trọng nam khinh nữ mà bố đã để các con chịu thiệt hơn so với những bạn cùng trang lứa. Bỗng dưng, bố lại thương và nhớ các con tha thiết.

Giờ đây, trong 4 đứa con gái của bố, 2 con đã lập gia đình, 2 đứa đi làm ăn xa hàng năm chỉ về thăm bố mẹ được 1 - 2 lần, mà lần nào cũng vội vàng, nhanh chóng. Mỗi lần về nhà chơi, nhà lại vui vẻ ồn ào, nhưng giờ bố lại thích sự ồn ào đó. Mỗi lần con quay về nhà chồng, bố mong giữ các con lại thêm vài ngày nữa nhưng không thể được, vì các con cũng phải lo cho kinh tế gia đình chứ.

Thời gian thơ ấu của các con đã không trở lại, nhưng giờ bố mong muốn có thể bù đắp cho các con ngay từ bây giờ. “Bố không phải sinh ra đã được làm bố, mà bố cũng là lần đầu tiên làm bố”, nên bố cũng sẽ mắc sai lầm. Bố hi vọng các con của bố, sau này khi đã lập gia đình, dù hoàn cánh thế nào đi nữa, hãy dành tất cả tình yêu và thời gian nhiều hơn cho những đứa con của mình, dù là trai hay gái, hãy dạy chúng biết yêu thương, che chở cho nhau. Hãy sống theo chính mình không phải vì lời bán tán, suy xét của ai đó, mà áp đặt lên gia đình mình.

Giờ đây, bố vẫn luôn tự hào về tài sản của bố: “Bốn vịt trời, một cò”.

Theogiadinhonline.vn