Có thể nói, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, mỗi người chúng ta đều biết nhiều quá - từ chuyện nhỏ đến những chuyện lớn tận đẩu đâu. Càng tỏ ra “thông thái” càng được nhiều người ngưỡng mộ “Sao chuyện gì anh/chị cũng biết hết vậy?”. “Tất cả trên mạng, chỉ cần chịu khó tìm là ra ngay ấy mà” - người “khiêm tốn” trả lời vậy.

Nói vậy để thấy, thông tin luôn bên cạnh mình mỗi ngày, trừ lúc ngủ, còn muốn biết gì, cứ mở điện thoại là có ngay. Muốn biết về ai, chỉ cần vào Facebook của họ. Lướt vài lượt là có thể hiểu đại khái họ thế này, thế kia. 

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chia tay rồi, nhưng vẫn còn tò mò về nhau, lại thấy buồn khi Facebook của người ta ngày nào cũng hình đẹp, ăn ngon, đi chơi khắp chốn... Chứng tỏ họ đâu có vấn vương gì đến mình nữa. Càng buồn thêm. Tự hỏi câu: biết để làm gì mà ngày nào mình cũng vào trang của họ lại thấy chạnh lòng khi nghĩ về ngày xưa, tíu tít nhắn tin giờ lạnh tanh, không có tín hiệu nào. Đó là chuyện tình yêu, khó giải thích nhất trên đời này. Còn có những cái biết do tò mò. Ghét ai đó, lại cứ tìm vào Facebook của họ, cũng không giải thích được.

Có một hôm, Facebook làm “lộ tẩy” những ai thường vào Facebook người khác. Hễ vào trang của họ là Facebook tự động “kết bạn” với người ấy. Cả làng “phây” ồn ào ra trò. Có người bảo “giờ thì khỏi chối, tôi biết ai lén lút vào Facebook của tôi rồi”. Sau đó là những mặt cười hỉ hả được thả lên. Thậm thụt vào nhà người ta để bị phát hiện, quê độ thật chớ. Tất nhiên, sau đó Facebook phải ra thông báo xin lỗi người sử dụng vì lỗi “chết người” này. 

Ít ai chơi Facebook mà không tò mò về người khác, kiểu như, họ bày ra đó tôi có quyền coi chứ. Tuy nhiên, đến một lúc, bạn có thể sẽ giật mình tự đặt câu hỏi: coi để làm gì, liệu mình có thật sự vui khi đọc Facebook người khác với toàn những lời có cánh, hình ảnh đẹp, ăn ngon, quần áo thay cả trăm bộ? Hay để rồi sau đó, bạn sẽ có chút lăn tăn, thấy người ta hạnh phúc quá mà tủi thân. Người khác lại bảo: “Sống ảo đó, đừng có tin”. Sau đó là hàng loạt chuyện kể về nhân vật đó, thấy vậy chứ không phải vậy đâu, ăn chơi cho lắm, nợ nần chồng chất. Vợ chồng ghen tuông, con cái nhà đó không ra sao đâu... Giữa cái tin và không tin cũng khiến tâm hồn xáo trộn rồi.

Lại có người, chuyện đông chuyện tây rành sáu câu mà chuyện trong nhà mình, ngay trước mặt không hề biết. Dạy con học mà tay vẫn cầm điện thoại. Ngồi vào bàn ăn lại cắm mặt vào điện thoại. Mở laptop làm việc, lại sa đà vào những thông tin tận đâu...

Đi trong thang máy, thấy ai cũng dí mắt vào điện thoại là biết. Vì sức hấp dẫn của thông tin, tính tò mò, hay thói quen? Giữa chợ mua bán đông đúc vậy mà vẫn thấy những cô chủ hàng chú tâm vào điện thoại. Chăm người ốm trong bệnh viện, tưởng là việc cực nhọc thì người ta sẽ xa rời điện thoại. Nhưng không đâu, không việc gì giết thời gian tốt nhất trong lúc này là lướt tin tức, đỡ phải suy nghĩ. Đi ăn tiệc, gặp nhau hàn huyên, thăm hỏi, chỉ vài ba câu, ăn xong ai nấy chú mục vào điện thoại, như đó là lối thoát. Đừng nghĩ việc “cai” điện thoại là chuyện dễ dàng khi nó thành nếp, thói quen. 

Tự hỏi: biết để làm gì? Biết nhiều có làm mình hạnh phúc, sung sướng hơn không? Phải hiểu rõ điều này mới có thể tạm bớt lại việc lướt điện thoại. Chỉ là bớt thôi chứ bỏ hẳn e rằng khó. Bớt biết lại có lẽ sẽ làm mình hạnh phúc hơn, vì không còn phải ngẩn ngơ suy nghĩ chuyện đời, chuyện người. Biết bớt lại để sống cho mình, vì mình. Biết bớt lại để dành thời gian đọc sách, đi bơi, tập thể dục, trồng cây, nấu ăn, vẽ, xem phim...

Những việc tưởng như chỉ có trên lý thuyết nhưng rõ ràng sẽ làm cho tâm mình đỡ phải “động”, thay vì cứ luẩn quẩn chuyện người. Việc gì cần biết thì biết, việc gì không ảnh hưởng thì không quan tâm. Nghe dễ vậy mà làm đâu có dễ. 

Theo phụ nữ TPHCM