“Tối 21.7, thêm 2.570 ca mắc mới, Việt Nam có 5.357 ca mắc trong 24 giờ”. Dòng thông tin ngắn gọn ấy đủ khiến lòng tôi bồn chồn…
Cũng như bao người khác, ngoài thời gian làm việc, tôi vẫn thường cập nhật thông tin về tình hình dịch
Covid-19. Hồi hộp theo dõi từng giờ những hình ảnh được truyền về từ Hà Nội, rồi Bắc Ninh, Bắc Giang và giờ là TP.HCM, Bình Dương, Tiền Giang. Không khó để bắt gặp những hình ảnh các y bác sĩ tuyến đầu gồng mình chống dịch. Có người kiệt sức ngã quỵ, phải nhờ đồng đội dìu đi. Có người sẵn sàng hy sinh mái tóc của mình để thuận tiện cho nhiệm vụ. Có người gạt nước mắt chia tay người thân trong nỗi nhớ nhung... Tất cả chỉ vì một nhiệm vụ chung là cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.
Không chỉ làm một mình, bác Vân còn vận động nhiều phụ nữ hưu trí tại địa phương tham gia và chia thành nhiều điểm nhỏ để thực hiện việc may khẩu trang, băng đô... để chống dịch Covid-19ẢNH: TGCC
Nhìn những hình ảnh ấy, mấy ai không xúc động nghẹn ngào. Thương bao nhiêu thì lại càng thấy mình cần có trách nhiệm bấy nhiêu. Không cần phải hô hào bằng những lời "đao to búa lớn",
người Việt mình dễ dàng thấu cảm bởi những hành động vì người khác như thế. Đã có biết bao chuyến xe chở y bác sĩ chống dịch miễn phí. Đã có biết bao điểm chợ 0 đồng hỗ trợ cho người dân vùng cách ly. Đã có biết bao nguồn quỹ ủng hộ quỹ vaccine phòng, chống Covid-19... Những cử chỉ nghĩa tình của những con người thầm lặng chính là sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Và tôi tin với sức mạnh ấy, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch.
Trong vô vàn những
nghĩa cử cao đẹp ấy, tôi xin được kể về bác Trương Thị Ngọc Vân (ngụ tại khu phố 2, phường 4, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre) - một người phụ nữ can đảm chống giặc trong thời chiến và chống dịch trong thời bình.
Những chiếc khẩu trang, băng đô... đầy nghĩa tình
Bác Vân từng là bộ đội, nay đã nghỉ hưu. Với nhiều người thì ở tuổi bác là đã được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già. Nhưng với bác thì không như vậy. Có tiếp xúc bác rồi mới thấy ở con người này phẩm chất người bộ đội cụ Hồ toát lên thật mạnh mẽ. Bác là người trực tiếp may từng đường kim mũi chỉ làm chăn gửi cho đồng đội, cho người nghèo; ráp những tấm chăn hình bản đồ Việt Nam gửi ra ngoài đảo Trường Sa để động viên các chiến sĩ nơi hải đảo. Và giờ đây, bác vẫn đang miệt mài may hàng trăm chiếc khẩu trang vải phát cho người dân tại địa phương, hàng ngàn chiếc băng đô để tiếp sức cho Bắc Ninh, Bắc Giang và các địa phương khác để chống dịch
Covid-19. Đôi tay gầy gò, xương xương của bác cứ cần mẫn, đều đặn làm những công việc ấy. Bác lấy đó làm niềm vui cho mình với suy nghĩ mình còn làm được, còn giúp được cho người khác, cho xã hội thì có nghĩa là "mình vẫn chưa già” - bác cười vui nói với tôi như thế trong khi tay vẫn đang tra chiếc nút vào băng đô.
Không chỉ làm một mình, bác Vân còn vận động nhiều phụ nữ hưu trí tại địa phương tham gia và chia thành nhiều điểm nhỏ để thực hiện việc may vá. Nhìn những mái đầu đã bạc trắng cẩn thận may từng chiếc băng đô, tỉ mỉ tra từng chiếc nút mà tôi khâm phục và cảm động vô cùng! Nghe bác tâm sự mà thương không sao kể xiết: “Trước đây bác chỉ may khẩu trang thôi. Nhưng từ sau khi nhìn thấy các y bác sĩ và lực lượng phòng chống dịch ở tuyến đầu phải mang đồ bảo hộ và khẩu trang xuyên suốt, bác thương quá. Bác mang khẩu trang hơi lâu là thấy đau ở hai bên tai nên bác biết họ phải chịu đau nhiều lắm, mang suốt ngày đêm mà. Bác chỉ mong làm được điều gì đó để làm vơi bớt sự vất vả của các y bác sĩ”. Vậy là ý tưởng may băng đô nảy ra trong đầu bác.
Những chiếc băng đô của bác Vân có chất liệu bằng vải, ở hai đầu có hai chiếc nút, được sử dụng quàng phía sau đầu và hai chiếc nút sẽ móc vào hai bên quai khẩu trang ở hai tai (thay vì đeo trực tiếp vào tai), từ đó giúp cho hai tai người dùng đỡ đau khi phải đeo khẩu trang trong thời gian dài. Chất liệu may băng đô được bác chọn là chất vải mềm, màu đẹp, được cắt ráp và may tỉ mỉ với hai mặt, được kết nút gỗ dừa - chất liệu mang đặc trưng của xứ dừa Bến Tre. Băng đô có thể sử dụng được với tất cả các loại khẩu trang. Khi biết việc làm của bác cũng như cảm động vì tấm lòng của người nữ cán bộ hưu trí này, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến bác để ủng hộ vải và kinh phí để hoạt động được thực hiện nhiều hơn nữa.
Đã có hàng ngàn chiếc băng đô được bác Vân gửi đi đến những địa phương đang gồng mình chống dịch và hàng trăm chiếc khẩu trang vải được bác phát miễn phí cho người dân nghèo... Thật không dễ dàng gì với một cụ bà ở tuổi đã nghỉ hưu. Nhưng khi con người ta biết sống đẹp thì ở lứa tuổi nào cũng có thể “làm gì đó” để giúp đỡ mọi người…
Trong cuộc sống có không ít những tấm lòng cao cả, những nghĩa cử đẹp mà báo chí đã tôn vinh. Và đâu đó cũng có rất nhiều người “sống đẹp” mà báo chí chưa từng biết đến. Bác Vân tự nhận mình chưa làm được gì nhiều, chưa sá gì so với sự vất vả của các y bác sĩ, chưa đóng góp nhiều bằng những người khác. Nhưng tấm lòng của bác đã thấm đẫm vào từng chiếc chăn ấm, từng chiếc khẩu trang, chiếc băng đô nghĩa tình, tiếp thêm sức mạnh cho rất nhiều người. Cuộc sống đôi khi không cần phải cho nhau điều gì đó quá lớn lao, mà quan trọng chính là tấm lòng chứa đựng trong những gì ta cho đi và nhận được. Tôi tin khi xã hội còn có nhiều người như bác Vân thì khó khăn nào chúng ta cũng sẽ vượt qua, nhất định nước ta sẽ chiến thắng đại dịch!
Theo Thanh Niên