Khi cuộc sống con người không được như mong muốn và trót mang trong mình “căn bệnh thế kỷ” thì tình cảm bạn bè với nhau luôn là liều thuốc tinh thần rất mạnh. Đó là sự chung tay tạo nên không khí thân thương, đầm ấm và tình cảm.

Tôi hòa cùng nhóm hỗ trợ, chúng tôi đi theo một cách không ồn ào mà tràn đầy cảm xúc. Đoàn người đó, màu đỏ rực rỡ đó đã trở thành một cái gì đó rất quen thuộc, quen thuộc đến thân thiết. Trong buổi chiều cuối năm ấy, bao giọt nước mắt đã rơi, những cái ôm ào đến dồn dập. Những khuôn mặt trẻ trung, những bước nhảy năng động dường như đã xóa tan khoảng cách giữa người “có” và “không có”.
leftcenterrightdel
 Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người “có H”

Tôi tham gia vào hoạt động chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống với các bạn "có H". Những lời trao đổi, hỏi thăm bình thường như “bạn học hành thế nào, có gặp khó khăn gì cần giúp đỡ không”, hay “ăn uống có ngon miệng không” lại xóa đi khoảng cách tưởng chừng rất lớn. Không còn xa cách, chẳng còn những sự “không bình thường” và chỉ còn sự đồng cảm. Những tình cảm ấy xuất phát thật lòng, thật tâm, không chút tơ hào vụ lợi.

Với những bệnh nhân "có H", mùa đông hay mùa xuân cũng đều âm thầm, lặng lẽ. Tôi luôn nghĩ rằng phải tạo cho họ hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn, nhất là những người đang phải vật lộn để kéo dài sự sống trong bệnh viện. Trong những con người đó, có người lạc quan, có người tuyệt vọng nhưng hơn hết, tất cả họ đều cảm nhận được tình cảm nồng ấm, nhận được sẻ chia của những tấm lòng trong cộng đồng.

Một trong các hoạt động mà chúng tôi khi ấy thực hiện là các buổi nói chuyện, trao đổi với những bạn “có H” để họ tìm được sự bình yên trong tâm hồn. Không ít bạn ngộ ra rằng trong cuộc sống này, một khi còn sống tức là ta vẫn còn niềm vui, còn tâm hồn, còn trái tim. Cuộc sống có thể ngắn ngủi nhưng ta không cô độc, ta có tình yêu thương của bè bạn, có chia sẻ đầm ấm của các tấm lòng trong xã hội.

Thời gian trôi qua, mỗi khi thực hiện hoạt động chia sẻ với những người bạn đặc biệt ấy, chúng tôi lại nhớ đến những những khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười, về cái nắm tay nhẹ nhàng ấm áp. Nụ cười của các bạn chẳng thể vui, khi biết mình có thể không được đón một mùa xuân nữa. Nhưng chúng tôi lại thấy ở các bạn sự an nhiên đến kỳ lạ. Họ không tự coi mình là những người có số phận “đặc biệt” mà lại rất vui khi vẫn luôn được đón nhận sự ân cần chăm sóc từng ngày, từng giờ bởi những cán bộ y tế và những tình nguyện viên, nhưng không giống như những bệnh nhân chưa chuyển bệnh được xuất viện về quê ăn Tết, họ phải ở lại đề phòng tình huống xấu xảy ra, nên tết với họ ở trong viện – nơi họ buộc phải coi như ngôi nhà thứ hai.

Mỗi hoạt động như vậy, chúng tôi luôn tự nhủ câu châm ngôn “chúng ta không được kỳ thị, phân biệt đối xử với người “có H”, vì họ cũng là con người, có quyền được sống, được lao động, được mưu cầu hạnh phúc”. Mọi người đều không ngại bắt tay, trò chuyện thân mật. Những tình cảm đó khiến người “có H” rất vui và họ đã tin tưởng rằng, họ cũng là một phần của xã hội, của cộng đồng, cũng có thể đóng góp cho đất nước.

Theo ước tính của các chuyên gia, hiện nước ta có khoảng 249.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng. Như vậy, đây là một bộ phận không nhỏ và họ cũng có tiếng nói, có nguyện vọng, họ cũng đang rất cố gắng để hòa nhập với cộng đồng. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, nước ta đã có những hoạt động, những phong trào chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người “có H”, cùng với đó là xúc tiến nhiều chương trình trợ giúp cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS để họ cũng có thể làm được một công việc sinh kế nào đó. Nhiều tổ chức, cá nhân đã tích cực tham gia trong lĩnh vực này và đã có những thành công ở nhiều mức độ. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng trong công tác chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người “có H”, vẫn còn đó những người giữ thái độ thành kiến, kỳ thị người “có H”. Vì thế chúng ta hãy lấy công tác xã hội làm tất cả để cùng chung tay tìm lại cuộc sống cho những con người ấy.

Theo Thanh niên