Cô Tới nhận được rất nhiều tình cảm từ học trò Quảng Trị
Cơn bão số 11 đi qua, hơn 2.000 học sinh ở vùng lũ không thể quay lại trường học, con số đó tăng lên sau bão số 13 và đó là lý do để cô Tới thấy mình cần phải làm gì đó cho các em. Ngoài ra, số lượng sách vở, bút viết cũng chỉ có giới hạn nên câu hỏi: “Mình mang được thêm gì cho các con?”, thôi thúc cô Tới viết những lá thư tay.“Tình yêu là không giới hạn, cảm xúc là ngôn ngữ không biên giới, những lá thư sẽ là động lực để các con tự tin và vững vàng hơn, cũng là cách để tôi nói ra được nỗi lòng và bày tỏ sự trân quý của tôi dành cho các con”, cô Tới chia sẻ.
1.248 lá thư viết tay là sự chuẩn bị từ đầu tháng 10 đến tận ngày 17.11, mỗi lá thư là nỗi lòng của cô giáo vùng xuôi gửi học sinh vùng lũ. Cô cho biết khó khăn lớn nhất khi viết là không thể làm chủ cảm xúc của mình. “Tôi luôn tự nhủ phải mang đến cho các con nhiều nhất sự động viên, truyền tải cho các con tinh thần tích cực và năng lượng dồi dào. Nhiều lá thư nhòe đi vì quá thương các con!”, cô nói.
Để giáo dục cho học sinh của mình, cô Tới kêu gọi các em cùng tham gia. Cô muốn học sinh phải biết lan tỏa lối sống đẹp và trao tặng những gì mình có. “Đừng chờ khi giàu có mới cho đi, cũng đừng nghĩ sẽ nhận được gì sau đó. Các em có nhiều thứ, nhất là tấm lòng, quan trọng là cách mình cho và bản thân các em hạnh phúc với việc mình làm”, cô Tới chia sẻ.
15 tiếng di chuyển từ Hà Nội đến Quảng Trị, cô mang theo 8.000 quyển sách, 2.500 cây bút bi, 7.500 quyển vở, đặc biệt là 1.248 lá thư viết tay cho học sinh ở đây. Sáng 18.11 khi vừa đặt chân đến điểm trường đầu tiên, cô thấy hạnh phúc và may mắn khi học sinh vẫn đến trường đầy đủ sau bão.
“Nhìn các con chăm chú đọc từng dòng thư, tranh nhau để được đọc cho thầy cô nghe, tò mò lá thư của bạn kế bên, rồi các con khóc vì đây là lần đầu tiên nhận được món quà như vậy. Thầy cô ai cũng rưng rưng, chính tôi cũng không kìm được nước mắt”, cô Tới tâm sự.
Cô cho rằng bản thân không nghĩ vài dòng an ủi của mình lại có giá trị về mặt tinh thần cho thầy trò nhiều đến vậy, nhìn cảnh học sinh gói ghém từng lá thư và cho vào túi áo khiến cô tự nhủ phải tiếp tục hành trình hạnh phúc này đến cùng.
5 năm làm công việc thiện nguyện, cô cùng các thành viên trong CLB Hành trình kết nối yêu thương tổ chức nhiều chương trình khác nhau như: Áo ấm cho em, Tết ấm biên cương...
“Đó là một hành trình dài, trên hành trình này tôi nhận được sự đồng hành từ gia đình, đồng nghiệp và học sinh. Người thầy không chỉ dạy các em bài học trong sách vở mà còn phải là tấm gương để các em noi theo. Tôi thấy hạnh phúc khi chính học sinh của mình sẵn sàng “gieo hạt” cùng mình”, cô Tới chia sẻ.
Theo Thanh Niên