Con nghe mẹ kể lại, khi con mới vài tháng tuổi, bị kiết lị nặng, cả người nồng nặc mùi hôi không ai dám bế. Mẹ đặt con ở trên chiếc giường xập xệ để còn tráng bánh phở kiếm sống, nuôi một gia đình bốn miệng ăn. Khái niệm mẹ đơn thân khi ấy không được coi là bình thường, mẹ đã chịu dè bỉu của thiên hạ để sinh ra ba chị em con.
Bố là một người đàn ông xa lạ, lái xe ngang qua chỗ mẹ bán hàng và ghé lại chỉ để uống nước. Bố, một người đàn ông chưa từng có gia đình lại sẵn sàng bế đứa trẻ èo uột là con khi ấy. Con đã đi lượt sượt làm bẩn quần áo bố mà bố vẫn không bỏ con xuống như những người khác.
Tuổi thơ con hạnh phúc khi được ở bên cạnh bố
Và rồi, bố và mẹ bén duyên, không hôn thú, không một mâm cơm đãi làng đãi xóm. Con đã có bố trong tuổi thơ của mình, con gọi bố đầy yêu mến thân thương, nhưng đôi lúc con đã tự hỏi tại sao anh chị lại gọi bố bằng thầy. Trí óc non nớt của con đã từng mặc cảm. Con lờ mờ cảm thấy điều gì đó đáng sợ. Con rất sợ con không phải con của bố, điều con không thể ngờ càng không thể quyết định được.
Khi em trai ra đời, bố đã cho con đi ủng, cõng con lội qua con đường đất trơn trượt một ngày mưa gió tháng 5 để sang trạm xá thăm mẹ và em. Con hạnh phúc áp má lên khuôn mặt bé bỏng đáng yêu ấy. Nhà mình lúc này đã có nhiều thóc, gạo, không còn phải lo lắng chạy vạy từng bữa ăn như trước nữa.
Khi em lớn lên một chút, bố đã bỏ mẹ đi theo người đàn bà khác. Mẹ khóa cửa để con ở nhà với chị, địu em đi đánh ghen. Bố biết không? Con đã gào khóc khản cả cổ, con đã rất sợ hãi sẽ mất bố, mất mẹ. Con sợ hãi với suy nghĩ ngây thơ vì sau đó bố mẹ trở lại bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra. Nhưng con đã được nghe người lớn kể thật nhiều tật xấu của bố. Con để ngoài tai, con tha thứ tất cả vì bố là bố của con.
Rồi bố đi thật. Bố trở về quê với người vợ thật sự của bố vào một buổi chiều, đó cũng là lý do khiến sau này con ghét ánh nắng chiều vàng vọt. Từ khi con tám tuổi, đến khi con mười lăm, con đã không có bố ở bên cạnh. Con đã không mường tượng nổi tình yêu thương của một người cha dành cho con cái nó như thế nào. Tình cảm gia đình trong con đã bị thiếu khuyết đi một nửa, con tự ti vì không thể kiếm tìm điều gì bù đắp lại. Khi thấy bạn bè có bố để làm giúp cái này cái nọ, có bố để yêu thương chiều chuộng, con đã mong ước biết bao, rằng chỉ cần một ngày con đi học về có bố đứng ở đầu hè mong ngóng.
Khi con học xong lớp chín, bố trở về trong sự ngỡ ngàng của con. Con đã vui mừng muốn hét lên vì sung sướng, vì mong ước bao lâu nay của con đã thành hiện thực. Nhưng cùng lúc, con đã biết thêm một sự thực choáng váng, bố không phải là bố ruột của con. Con đã tìm mọi suy nghĩ để phủ nhận nhưng sự thật thì không thể thay đổi. Con đã nghe người ngoài, con để ý những xì xầm to nhỏ, ghen ghét, đố kị. Con bắt đầu ghét bố dù bố vẫn đối xử với con như xưa.
Con đã gọi bố bằng "thầy", một từ mà theo con nó mang nghĩa nể vị nhưng xa cách với tình cảm cha con. Bố làm mọi thứ đều không vừa ý con, con chê bố lười, chê bố bẩn, con tìm mọi cách để xa lánh bố, đến bữa cơm con cũng không muốn ăn cùng bố. Con đã là một đứa trẻ hư láo theo đúng nghĩa nhưng bố vẫn kìm chế, không chửi mắng con bao giờ. Có lẽ bố đã cảm thấy thương con hơn là ghét bỏ con có phải không?
Nhưng rồi bố đã bỏ đi biền biệt, thi thoảng về thăm một vài ngày rồi lại đi. Bố không muốn mang tiếng ăn bám vợ con, hoặc bố đã biết vì bố nên mấy mẹ con con bất hòa. Con đã mất phương hướng với những suy nghĩ bất mãn về bố, con đã trở thành thiếu nữ với một sự cảnh giác cao độ với người khác phái. Có lẽ chính bởi điều đó đã khiến cho con sau này gặp nhiều trắc trở trong chuyện tình cảm.
Con là sinh viên năm ba, bố đột ngột trở về với căn bệnh suy gan thận. Con đã ra bến xe Mỹ Đình đón bố về quê với người vợ chính thức của bố. Đưa bố về, trong nắng chiều chiếu xuống căn nhà gỗ lụp xụp, nghe những người anh của bố xỉ vả những tội lỗi khi bố bỏ vợ con nay đây mai đó mà chính con cũng thấy đau, nỗi tự ái dâng lên nghẹn cả cổ họng. Từ ấy, con cũng thường xuyên về quê thăm bố, tình trạng sức khỏe của bố cũng dần được ổn định nhờ sự cứu giúp của những người anh trai ác mồm nhưng tốt bụng.
Con kịp về thăm bố, nấu một bữa cơm, chụp cùng bố tấm ảnh cuối cùng.
Bố trở về nhà thăm mẹ con con. Con đã không nén nổi sự giận dữ trong lòng mà gọi điện về quê nói về bố không ra gì, người anh trai của bố quá bất ngờ trước thái độ của con, khuyên bảo con không được. Cơn nóng giận của một đứa trẻ không trải sự đời đã gây ra tổn thương cho nhiều người, nhất là bố. Con lúc đó không hề hối hận. Cuộc đời sau này đã dạy cho con biết lúc đó mình nông nổi, sai trái cỡ nào.
Con đã quyết tâm không về quê bố nữa. Con chỉ nghĩ mình không phải là con thì như vậy cũng đã trọn đạo nghĩa lắm rồi. Vậy mà cứ hễ khỏe là bố vẫn lên nhà thăm mẹ và chúng con. Gọi điện cho con, bố một câu xưng bố, một câu xưng con. Bố không hề để tâm những gì con đã gây ra cho bố. Còn con thì sợ ánh mắt của người ngoài, bận tâm cuộc sống vội vàng mà nhiều khi bỏ qua những cuộc gọi của bố.
Ngày nghe tin bố bệnh nặng, con quyết tâm vượt qua tường rào xa cách con tự xây lên để về quê thăm bố một lần, kịp nấu cho bố bữa cơm, kịp chụp với bố kiểu ảnh. Con trở về mà nghe lòng nặng trĩu, con không ngờ đó là lần cuối cùng con được ngồi sau xe của bố, lần cuối con được nghe giọng nói ồm ồm. Bố ơi! Con đã sai nhiều lắm phải không. Con đã không còn cơ hội để xin lỗi bố. Tất cả chỉ vì sự ích kỷ, lạnh lùng của con. Con đã sợ những ánh mắt ngoài kia nhìn vào mà quên đi tình thương yêu đích thực trong lòng mình. Một lời cuối thôi, bố ơi! con mãi mãi là con gái của bố!!!
Theo giadinhonline.vn