leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Tôi đọc đâu đó câu viết “Mọi phụ nữ cho dù yếu đuối, khi làm mẹ bỗng trở nên mạnh mẽ, kiên cường”. Khi chưa có con, tôi nghi ngờ điều đó. Nhưng lần đầu làm mẹ, ôm con trai vào lòng, tôi tin từ nay chắc chắn tôi sẽ là tấm khiên vững chãi, che chắn con trước giông gió cuộc đời.

Lúc con trai lẫm chẫm đi, con ngã vào đống ly tách, đầu gối tóe máu. Tôi vốn sợ máu, nhưng lúc đó chỉ biết bế xốc con lao ra đường, vừa chạy vừa vẫy taxi. Tôi chạy một đoạn rất xa mới có chiếc xe dừng, đưa 2 mẹ con đến bệnh viện.

Sau khi bác sĩ cầm máu vết thương, nói chỉ cần khâu lại là vết thương lành, tôi mới thả lỏng người, ngồi phịch xuống ghế để thở. Nhìn lại mình, tôi mới thấy đầu bù tóc rối, chân không đi dép, bộ đồ mặc nhà loang lổ máu… 

Tôi không hiểu sao có thể vác con chạy từng ấy mét đường, có thể thấy máu mà không ngất xỉu như trước kia. Chắc là bản năng làm mẹ cho tôi sức mạnh.

Tôi nhớ lúc nhỏ, nhà nghèo, mỗi lần bệnh là má tôi đưa đi bốc thuốc Nam. Đầu làng có phòng khám của người y sĩ, nhưng má không có tiền khám ở đó, đành phải chịu khó đi xa.

Nhà thầy thuốc Nam ở giữa đồng, cách nhà chừng 3 km. Má cõng tôi trên lưng, bước thấp bước cao trên đường đê trơn trượt. Tôi nằm trên lưng má, nghe tiếng má thở hào hển, mồ hôi trên lưng má thấm qua áo tôi. Má động viên tôi: “Mệt không con?”, “Ráng chút nghe con”…

Nhiều năm sau này, nhớ đến má là tôi nhớ hình ảnh má con lẫm lũi trên đồng vắng, giữa cái nắng vừa hửng đầu ngày, thương má đến xót lòng. Nhà có 6 chị em, nay đứa này đau mai tới đứa kia. Má cõng hết đứa con này tới đứa con khác. Sau này mấy chị em hay đùa rằng, quãng đường má cõng các con đi chắc bằng một vòng quanh cả thế giới. Nhắc chuyện cũ, đứa nào cũng rưng rưng....

Năm con trai tôi học lớp Hai, bạn của con bị ung thư xương, tôi cùng cô giáo chủ nhiệm đưa cả lớp đi thăm. Thằng bé bụ bẫm ngày nào chỉ sau 2 tháng đã gầy gò, xanh rớt như tàu lá. Bọn trẻ ôm bạn khóc như mưa.

leftcenterrightdel
 Có người mẹ nào cam lòng nhìn con khó khăn? (Ảnh minh họa)

Mẹ cậu bé dịu dàng dỗ dành từng đứa, nhắc các con kể chuyện vui đi, chọc cho bạn cười… Tôi biết bên ngoài vỏ bọc tươi tỉnh kia là trái tim đang rỉ máu. Hẳn chị đang gồng bằng tất cả sức lực để con trai thêm nghị lực chiến đấu với bệnh tật.

Tôi còn gặp chị thêm vài lần tại lớp của con, khi con chị đã khỏe hơn. Chị đặt con vào xe lăn, đưa cậu bé đến trường vì “con nhớ bạn bè, thèm đi học”… Chị ngồi ngoài hành lang, lưng rất thẳng, ánh mắt dịu dàng dõi theo con qua cửa sổ. Bên cạnh chị là giỏ xách để sẵn thuốc, hộp cháo, khăn mặt.

Thằng bé vừa có biểu hiện khác thường, chị chạy vào: “Mẹ ở đây, con đừng lo nhé”. Cậu bé nhìn thấy mẹ, dù đau cũng cố gượng cười. Nhìn mẹ con chị, tôi không cầm được nước mắt. Thằng bé dù đau ốm, nhưng tôi nghĩ con rất hạnh phúc khi có người mẹ tuyệt vời.

Dì Năm cạnh nhà tôi tuổi đã ngoài 70, phải nuôi người con trai 45 tuổi nằm liệt một chỗ do di chứng tai nạn giao thông. Vợ anh bận bịu mưu sinh và 2 còn con nhỏ. Người giúp việc vô tâm, chẳng coi ngó anh. Dì Năm lên thăm, không đành lòng nhìn con trai lở loét khắp người nên đưa anh về nhà mình chăm sóc.

45 tuổi đầu anh tập nói, tập giơ tay chân, tập ăn từng muỗng nhỏ. Mỗi đêm, dì Năm dậy mấy lần để trở lưng cho anh, cho anh uống nước, thay tã… Cực nhọc vắt kiệt sức, dì nhưng dì chẳng bao giờ than thở.

Dì Năm hay nhờ tôi trông chừng anh mỗi lúc dì chạy ra chợ mua thức ăn. Về nhà, dì bày rau bên cạnh anh ngồi nhặt. Dì kể hôm nay trái cây "rẻ rề", dì mua luôn 5 ký cam. Nhà cô Sáu sắp gả con, đang trang hoàng nhà cửa. Chú Út có đàn chó con, đợi lớn chút, sẽ xin một con về nuôi cho anh vui…

Anh con trai dõi theo mẹ bằng ánh mắt, nụ cười méo xệch. Bà mẹ kết nối anh với cuộc sống bên ngoài bằng những câu chuyện vui, để anh được “sống” như người bình thường.

Lẽ ra tuổi này dì Năm đã ung dung an hưởng tuổi già, nhưng dì chọn vất vả vì anh. Chẳng có người mẹ nào sống vui nếu con cái còn lao đao đâu đó...   

Theo phụ nữ TPHCM