Ở đô thị thời nay dường như “nhà ai nấy ở”, cụm từ “anh hàng xóm” dường như không tồn tại, có chăng là trong lời bông đùa kiểu “con tôi không giống cha, không giống mẹ, chắc giống… anh hàng xóm”. Vậy mà tôi may mắn có nhiều hàng xóm dễ thương.

Nếu đến thăm tôi vào tầm 7g sáng, bạn sẽ không gặp tôi mà sẽ thấy có người đàn ông ngoài 60 tuổi mặc áo thun, quần đùi cầm chổi bông cỏ quét hẻm trước nhà tôi, tỉ mẩn gom rác còn vương vãi do chuột bọ quậy phá hoặc người đổ rác để lại. Đó là anh hàng xóm bên phải nhà tôi.

Tôi chưa một lần hỏi tại sao anh lại quét luôn cả đoạn hẻm nhà tôi và vô tình hay hữu ý lại chọn lúc 6g30 - 7g, khung giờ mà tôi hò hét lũ con dậy, ào ào luồn lách các hẻm chở đi học. Nếu tôi quét hẻm từ tối hoặc sáng sớm thì anh nói: “Cứ để đó anh quét cho!”.

leftcenterrightdel
 Anh Bên Phải tiếp ứng mẹ con tôi trong buổi trưa kinh hoàng - Ảnh cắt từ camera gia đình

Lúc mới dọn về đây, thợ của tôi đập xây nhà kiểu gì mà lấn sang đất của anh chị mấy phân, không làm giấy phép hoàn công nhà được. Còn nhớ, buổi sáng đó, tôi hồi hộp, run rẩy sang thưa chuyện với anh chị. Tôi mới trình bày từ đầu tới… khúc giữa thì anh liền chốt khúc đuôi: “Rồi mấy giờ em rảnh để anh ra ký cho mấy phân đất đó?”.

Chưa đền ơn vợ chồng anh được gì thì tôi lại tiếp tục gây chuyện. Trong chuyến nghỉ tết dài ngày, gia đình tôi kéo nhau về quê. Bồn nước năng lượng mặt trời trên sân thượng nhà tôi do không ai sử dụng nên đầy tràn, bắt đầu phun phèo phèo rồi xả ầm nước sôi lên mái nhà anh chị. Anh điện thoại cấp báo với giọng khẩn trương nhưng vẫn lịch sự, từ tốn.

“Ma mới” ăn hại mấy lần vậy mà vợ chồng “ma cũ” không ghim, lại còn luôn trong trạng thái đề phòng để tiếp ứng vì thấy tôi đơn thân nuôi 2 con, mẹ lại bị tai biến.

Rồi bất ngờ, một trưa, mẹ tôi bị động kinh. Mẹ trợn mắt, mặt méo xệch, co giật toàn thân, sùi bọt mép, ngừng thở… Tôi vội đỡ mẹ đặt xuống nệm rồi mở cửa chạy ra ngoài. Chân tôi tự động quẹo phải, chắc bởi người tôi nghĩ đến đầu tiên là Anh Bên Phải.

Anh phóng qua giúp tôi giữ yên mẹ trên giường chờ qua cơn co giật. 8 phút sau, cơn động kinh tiếp theo ập đến, anh lật nghiêng mặt mẹ tôi tránh đàm nhớt làm nghẹt thở để tôi kịp quơ ít giấy tờ, thẻ bảo hiểm, khăn, tã… chuẩn bị đưa mẹ đi viện. Hẻm nhỏ, xe cấp cứu không vào được. Chúng tôi đặt mẹ lên tấm mền, khiêng ra cửa rồi đặt lên yên xe máy, chở ra đầu hẻm - nơi xe cấp cứu đang chờ.

Mấy ngày sau, mẹ xuất viện, tôi đem biếu anh chị một ít lạp xưởng quê nhà thì chị rầy: “Có gì đâu em, hàng xóm với nhau mà”. Ngay trong buổi chiều đó, anh chị tặng lại tôi món quà khác còn “nặng ký” hơn.

Người ta vẫn ngại ở hẻm nhỏ vì khi xảy ra bệnh hoạn, cháy nổ, xe cấp cứu, xe cứu hỏa không vô được. Tôi thì vẫn an lòng khi sống ở hẻm nhỏ, nhà nghèo mà giàu tình thương. Những nguy cơ ấy không đáng lo bằng sự vô tâm, nghi ngại của con người với nhau. Ngay cả ở mặt tiền, ở chung cư cao cấp, nhưng hữu sự không có hàng xóm xắn tay thì mình cũng nguy.

Trộm nghĩ, mai này dù có trúng số, tôi cũng sẽ ở đây hoài, không thèm dọn ra nhà mặt phố. Không tâm sự, không tụm lại chia sẻ nỗi niềm, chỉ là những giao tiếp gọn nhẹ như “ủa hôm nay anh/em hông đi làm hả?”, nhưng khi bên kia đóng cửa ngoài, bên này thấy trống vắng; bên kia về, bên này thấy ấm ấm, vui vui.

Tôi còn có Anh Hàng Xóm Khác Phường, học chung lớp tài tử cải lương từ mười mấy năm về trước. Một lần về, tôi vô tình thấy anh lên chung cầu, quẹo cùng hẻm. Hóa ra chúng tôi chỉ cách nhau 10 căn nhà. Anh ăn nên làm ra, mua nhà to mặt đường, mua xe hơi nên dời qua phường khác sống, nhưng hữu sự là thấy mặt ngay, y như vẫn là “thần dân” của con hẻm này.

Nghe bạn bè kể chuyện hàng xóm thiếu ý thức, gây bực mình, muốn dọn nhà đi cho khuất, tôi liền kể về hàng xóm của mình. Này là Anh Bên Phải, này là Anh Khác Phường và còn Anh Bên Trái mới dọn về từ thời đại dịch COVID-19 nhưng cũng bắt đầu “mến tay mến chân”. Bạn bè ngớ người: “Nghe kể mà phát ham, sao mày hên vậy?”. Tôi đắc chí: “Do… ăn ở”.

Viết đến đây, bỗng tôi nghe ngoài cửa có tiếng gì loẹt xoẹt. Hóa ra lại là Anh Bên Phải đang lui cui nối ống nước cho tôi. Số là hôm qua anh xin phép tôi sẽ nối ống nhựa để dẫn nước xả từ máy lạnh nhà tôi cho đừng chảy lan ra đường, dơ bẩn, lo người già, trẻ con dễ bị trượt chân.

Theo phụ nữ TPHCM