Mạ tôi vẫn giữ thói quen trồng những luống rau, giàn mướp để phục vụ cho bữa cơm gia đình. Mạ tôi không thích mua những thứ mình có thể tự tay trồng. Bà làm vậy cũng phần vì thích, phần để đảm bảo chất lượng khi tự mình trồng mà đám con được ăn rau mạ trồng cũng thấy ngon và yên bụng hơn.

Một đám đất nhỏ ở góc vườn mạ tôi chỉ dành để trồng rau quanh năm. Bà không muốn trồng những cây khác vì sợ đất mất chất dinh dưỡng. Cuối năm, mưa gió bớt nặng hạt cũng là lúc mạ tôi bắt đầu xới đất gieo hạt. Bà gieo từ cải ngọt, cải cay, xà lách, ngò, tần ô… đến mướp, bầu, bí, ớt.

Đất được cuốc tơi lên, mạ gõ những cục lớn cho mịn rồi lên luống, phân chia theo từng loại rau. Gieo tất cả hạt xuống, bà đi cào rơm rạ về giữ ẩm cho hạt nhanh nảy mầm. Xong xuôi, mạ lại chặt một mớ cọc tre về đóng xung quanh thửa đất, giăng lưới, bảo vệ đám hạt trước bầy gà, vịt.

Có năm, mạ tôi cả buổi sáng làm đất, gieo hạt xong thì tối đến trời mưa. Cơn mưa kéo dài đến mấy ngày, thửa đất úng nước rồi hạt giống cũng hư hỏng hết, mãi đến một tuần sau mạ mới xới đất làm lại. Rau cải thì nhanh lên để ăn nhưng xà lách thì phải đợi một thời gian khá dài. 

Rau cải có năm trồng nhiều, ăn không hết, mạ gọi người đến cho. Vẫn không hết, mạ làm sạch rồi phơi nhẹ qua nắng, đem đi ngâm dưa. Ở quê tôi hầu như ai cũng làm một mảnh vườn nhỏ như vậy để trồng rau, củ, quả phục vụ bữa ăn gia đình. Mọi người thường chia sẻ cho nhau những hạt, cây giống mà người khác không có. Tôi thích cách mọi người ở quê san sẻ cho nhau những thứ như vậy, nhìn qua thấy chẳng có gì to lớn nhưng đằng sau nó là sự gắn kết, chia sẻ của mọi người.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Chỉ cầm chiếc rổ đi quanh một vòng là có được cả mớ rau về luộc, nấu canh. Ở quê, hầu như mọi người đều tự túc, lâu lâu thèm cái mặn mòi của biển thì đi chợ mua ít cá. 

Một góc vườn nhỏ nhưng qua tay mạ tôi đã biến thành một nơi có đầy đủ các loại rau, trái. “Ở quê mà những thứ này phải đi mua thì họ nói mình nhác” - mạ tôi luôn suy nghĩ như vậy.

Tuy nhiên, tôi biết khoảnh vườn rau nho nhỏ còn là “cớ” để mạ tôi vận động tay chân bởi những phụ nữ nông thôn lam lũ, chất phác như bà không thể ngồi yên một chỗ mà lúc nào cũng phải tìm việc để làm. 

Theo phụ nữ TPHCM