Những chiếc gối đầu, gối ôm êm ái được mẹ tự may, thêu từ ruột đến áo gối. Tay nghề may vá (thủ công) của mẹ tuy chỉ học lỏm người ta nhưng nhờ mẹ sáng ý nên không tệ. 

Đầu tiên là áo gối. Mẹ ra chợ mua mấy mét vải trơn màu xanh da trời; về trải chiếc áo gối cũ ra vẽ mẫu rồi cắt may theo. Áo gối cũ may vải hoa, nằm lâu bị mồ hôi người đóng ố vàng; may nhờ nền vải hoa "giấu" bớt nên trông không quá bẩn. Tôi thắc mắc: “Sao mẹ không may vải hoa như cũ?”. Mẹ cười: “Yên tâm, xong sẽ có hoa…”.

Bông gòn vừa mềm vừa thoáng
Bông gòn vừa mềm vừa thoáng

Vài bữa, áo gối may xong thấy mẹ mang về chiếc khung thêu cùng kim, chỉ đủ màu. Hóa ra, mẹ học lỏm hồi nào mà còn biết thêu, chứ không riêng may vá! Mua hoa mẫu bán sẵn về, mẹ trải áo gối ra chỗ phẳng, áp hoa lên nền vải dùng bút chì tô theo. Vẽ xong "hoa bút chì", áo gối sẽ được mẹ căng lên khung, bắt đầu thêu. Hình dạng hoa tuy có sẵn; nhưng màu sắc hoa, nhụy, lá, thân… mẹ phải tự chọn lựa, quyết định.

Giờ mới thấy năng khiếu thẩm mỹ trời sinh của mẹ: đường thêu tuy hơi bỡ ngỡ, thô vụng nhưng màu sắc phối hợp tuyệt vời tới mức, khi thêu xong, nhìn xa trông các đóa hoa cứ tưởng… hoa thật.

Ròng rã cả tháng trời, trưa nào mẹ cũng bỏ ngủ, cặm cụi may, thêu cho xong mớ áo gối. Ba cứ ra vô nhìn mẹ tấm tắc. Xong những đường thêu cuối, mẹ thở phào bảo: “Coi như xong tám phần mười công chuyện!”.

Khâu làm ruột gối hóa ra rất dễ. Mua vải thô tối màu về mẹ đem đo, cắt may thành những chiếc túi chữ nhật theo kích cỡ áo gối sẵn có. Trái bông gòn đã được ba hái, phơi khô và đập lấy bông cho vô bao ni-lông dự trữ sẵn, bây giờ trút ra đem dồn gối. Khâu này chúng tôi được mẹ cho phép "phụ việc". Vừa làm vừa giỡn, bông bay tung tóe, mẹ phải quát bầy con, dọa không cho làm tiếp.

Trái gòn khi còn ở trên cây
Trái gòn khi còn ở trên cây

Những túi gối dồn bông no căng được mẹ dùng kim chỉ túm mép khâu kín. Việc cuối: mẹ đập, vỗ cho bông giãn đều bên trong túi gối; sau đó nhét túi vào bên trong áo gối và cài nút kín miệng. 

Còn nhớ, lúc áo gối thêu chưa xong, lũ nhỏ đã chí chóe giành phần. “Yên tâm, đứa nào cũng có gối mới hết” - mẹ cười. “Nhưng mẹ ơi, sao nhà bảy người mà chỉ năm chiếc gối mới?”, tôi thắc mắc. “Thì ba với mẹ vẫn dùng gối cũ!

À, ra vậy. Giờ, mỗi lần nhớ lại, tôi thấy mắt mình cay cay… 

Theo phụ nữ TPHCM