Nghỉ dịch và nghỉ hè, tôi đưa con về quê. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ cho con về ngoại chơi ít hôm rồi tôi sẽ về đón con lên thành phố, cho con đi học môn năng khiếu, rồi học hè.
Nhưng rồi công việc quá bận rộn, tôi cứ lần lữa, lùi mãi ngày về quê, cho đến khi khu phố nhà tôi bị phong tỏa do nhiều ca là F0. Vậy là tôi không thể về nhà.
Hết đợt phong tỏa thứ nhất, cứ nghĩ sẽ được về với con, vậy mà, vì tình hình dịch bệnh quá căng thẳng, mỗi ngày ca bệnh lại gia tăng. Tuần trước, hẻm nhà tôi lại tiếp tục giăng dây thêm 7 ngày. 7 ngày đối với tôi dài dằng dặc.
Mấy ngày nay lòng tôi luôn như lửa đốt. Con ở nhà bà hiếu động chạy chơi, vấp té, trầy xước hết mặt mày, gãy nhẹ ngón tay. Mẹ tôi không biết xoay xở thế nào, chăm cháu ra sao. Bà đã gần 80 tuổi, bình thường có thể lo cơm nước, chơi với cháu, nhưng khi cháu tai nạn, bà bối rối thật sự.
Hôm ấy, tôi đã phải gọi điện cho gần hết số bạn bè phổ thông sống cùng huyện, xem ai có thể hỗ trợ hai bà cháu. Thật may, có người bạn vẫn thu xếp được việc nhà để đưa con tôi đi chụp phim và khám.
Mỗi lần gọi video call cho con, tôi lại xót xa. Lòng cứ mong cho mỗi ngày trôi qua thật nhanh, hết dịch, hết phong tỏa để còn về với con. Có bao giờ tôi xa con lâu đến thế đâu. Lần này, đoạn đường 90km trở nên diệu vợi. Không biết hai bà cháu chăm nhau thế nào.
Bà ngoại luôn trấn an, bảo tôi đừng lo, ở quê cũng có vài người hàng xóm lui tới thăm nom, giúp đỡ.
|
Ảnh minh họa |
Mới sáng hôm qua, con tôi mò mẫm vào Zalo của bà ngoại để nhắn tin cho mẹ: “Con nhớ mẹ lắm. Mẹ ở nhà có buồn không?”. Đọc dòng tin nhắn của con mà tôi rớt nước mắt. Con nói, con chưa biết nhắn tin, tay lại đau, nên con nhắn cho mẹ bằng giọng nói.
Tôi hứa với con rằng chỉ còn vài ngày nữa là hết thời gian phong tỏa con hẻm, tôi sẽ về đón con. Nhưng rồi, thành phố có lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trước mắt là 15 ngày, sau đó chưa biết thế nào. Vậy là, tôi tiếp tục xa con, đường về quê thêm hun hút.
Lần xa con này nhắc tôi rằng, tôi còn có cả đời để làm việc, nhưng cơ hội bên con, bên mẹ già phải luôn nắm lấy và trong những ngày dịch giã này, điều hạnh phúc nhất của một con người là được bên người thân.
Nhìn ra sợi dây mỏng mảnh giăng ngang đầu hẻm, tôi thở dài bấm vào điện thoại dòng tin: "Con và bà cố gắng nhé. Hết lệnh phong tỏa và giãn cách, mẹ sẽ đón hai bà cháu lên thành phố".
Theo phunuonline.com.vn