leftcenterrightdel
 

Những địa danh nổi tiếng

Bài ca dao Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ/Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn Đài Nghiên tháp Bút chưa mòn/Hỏi ai gây dựng nên non nước này? là lời giới thiệu ngắn gọn mà ý nghĩa về một số địa danh nổi tiếng được xem như biểu tượng của kinh đô: Hồ Hoàn Kiếm, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, đài Nghiên, tháp Bút. Gắn liền với những công trình mang dấu ấn thời gian ấy, là sự khẳng định về quá trình lịch sử lâu đời của thủ đô.

Hai con sông nổi tiếng của Hà Nội là sông Hồng và sông Tô Lịch được tác giả dân gian nhắc đến: Sông Tô một dải lượn vòng/Ấy nơi liệt sĩ anh hùng giáng sinh/Sông Hồng một khúc uốn quanh/Văn nhân tài tử lừng danh trong ngoài. Đó cũng là mảnh đất sinh ra những người anh hùng, những bậc tài danh được lưu truyền sử sách.

leftcenterrightdel
Vẻ đẹp cầu Thê Húc 

Sản vật vùng miền

Hà Nội còn được cả nước biết đến với nhiều sản vật nổi tiếng, có giá trị, ẩm thực mạng đậm đà bản sắc xứ Bắc Kỳ. Bài ca dao Thanh Trì có bánh cuốn ngon/Có gò Ngũ Nhạc, có con sông Hồng/Thanh Trì cảnh đẹp người đông/Có cây sáo trúc bên đồng lúa xanh. Nói về huyện Thanh Trì với các địa danh tiêu biểu: gò Ngũ Nhạc, sông Hồng, phong cảnh hữu tình, cuộc sống con người luôn tấp nập đông đúc thì tác giả dân gian còn giới thiệu món bánh cuốn – món ăn dân dã, bình dị nhưng được làm bằng cả sự khéo léo và tình cảm của người dân vùng đồng bằng châu thổ.

Câu ca dao: Ổi Quảng Bá, cá hồ Tây/Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người nhắc đến một số sản vật bình dân gắn với Hà Nội như ổi Quảng Bá, cá ở Hồ Tây, và lụa Hàng Đào. Mỗi sản phẩm đều được gửi gắm cả cái tâm, cái tình của người Hà Nội đến bạn bè gần xa.

Truyền thống lịch sử, văn hóa

Khi xưa, Hà Nội được vua Lý Thái Tổ chọn làm kinh đô của cả nước, đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử của triều đại phong kiến nhà Lý, bởi những đặc điểm của thế núi, thế sông, vạn vật, con người. Bài ca dao: Thăng Long Hà Nội đô thành/Nước non ai vẽ nên tranh họa đò/Cố đô rồi lại tân đô/Nghìn năm văn vật bây giờ vẫn đây thể hiện niềm tự hào của người Thăng Long về mảnh đất kinh kỳ giàu truyền thống lịch sử và văn hóa.

leftcenterrightdel
 Hoàng thành Thăng Long về đêm

Kinh thành Thăng Long còn là nơi diễn ra nhiều lễ hội lớn, mang đậm đà bản sắc dân tộc, có thể kể đến hội Cổ Loa, hội Gióng, hội Chèm được nhắc đến trong bài ca dao Thứ nhất là Hội Cổ Loa/Thứ nhì Hội Gióng, thứ ba Hội Chèm.

Tâm hồn, cốt cách con người Hà thành

Bài ca dao: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An khẳng định Hà Nội vốn là chốn kinh đô từ lâu đời. Đây là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước. Đã là người Hà Nội, ai cũng ý thức rất rõ về điều đó, càng tự hào về quê hương và nguồn gốc xuất thân của mình, người ta càng có ý thức cao trong giao tiếp và ứng xử cho xứng đáng là "người Tràng An".

Người xưa quan niệm, hoa nhài tuy là loài hoa bình dị, mộc mạc nhưng rất quý bởi mùi thơm; còn đã là người Hà Nội ắt phải thanh lịch, quý phái. Bài ca dao vừa là niềm tự hào của người dân Hà thành, vừa là lời nhắn nhủ thật ý nhị cho các thế hệ đời sau biết rằng, dù sinh ra, lớn lên ở đâu thì cũng cần phải rèn luyện cho mình cách ứng xử lịch sự, hiếu khách, có văn hóa.

Quỳnh Sen