leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Nhớ lúc chuẩn bị xây lại nhà, tôi nêu ý tưởng dời vị trí xây cất ra sát đường, để nhà có mặt tiền, thuận tiện sau này mua bán, kinh doanh. Ba tôi mắng một trận, bảo dời như vậy sẽ mất cái sân. Nhà mà không có sân phía trước nhìn không giống ai.

Ba nói tôi mới để ý, mỗi nhà trong xóm đều có sân rộng phía trước. Đó là khoảng đất trống được vun lên cao ráo, nhà nào có điều kiện thì tráng xi măng, lát gạch bông sạch sẽ tinh tươm. Trên sân không trồng gì, nếu có cây kiểng thì xếp chúng quanh rìa.

Sinh hoạt gia đình trên khoảng sân đó thậm chí còn nhiều hơn ở trong nhà. Nó là nơi phơi củi phơi lá cho nấu nướng.

Vào vụ mùa, trên sân vun đầy những ụ lúa để hong nắng khô ráo trước khi đổ vào bồ. Sau mùa lúa là mùa rơm. Cái sân chứa tạm rơm rạ, chờ đem ra vườn xếp luống, ủ cho nấm sinh sôi nảy nở. Những cây nấm rơm trồng theo kiểu tự nhiên này cứ be bé xinh xinh, giá ra chợ luôn mắc hơn nhiều so với nấm công nghiệp.

Nhà nào nhiều đất ắt nhiều lúa, lại nhiều rơm. Đến mùa thu hoạch nấm, họ cũng kiếm tiền nhiều nhất. Đó là những gia đình sung túc, sân nhà họ vừa rộng vừa cao, lót gạch men bóng loáng. Bước qua cổng, nhìn thấy cái sân đủ biết nhà giàu có cỡ nào.

Sân nhà tôi lót gạch đất nung, xây bờ móng xi măng vòng quanh để tránh bớt bùn đất và chừa chỗ thoát nước. Mỗi ngày, buổi chiều trời mát, tôi quét sân sạch bóng. Má tôi nói, đi làm cả ngày ngoài đồng, chỉ cần về ngắm cái sân sạch thấy bình an, bao mệt mỏi ưu phiền tan biến hết.

Những ngày mưa đổ, tôi thích ngồi trong nhà ngắm những giọt nước nhảy nhót trên sân. Mưa làm cái sân được rửa sạch, gạch lên màu đỏ au. Hôm nào có tụi con nít hàng xóm tắm mưa chạy rong sang, tôi có thể nhào ra chơi cùng chúng. Cả đám chạy nhảy, rượt nhau trên sân, nằm lăn ra như kiểu cá lóc vượt cạn. Chúng tôi hò hét dưới mưa cho đến khi môi đứa nào đứa nấy tím tái, răng đánh lập cập vào nhau.

Những hôm nắng ráo, chiều đến nhà tôi và hàng xóm thường kê bàn hoặc trải chiếu trên sân bày bữa ăn cuối ngày. Mọi người quây quần trong hoàng hôn, ăn uống cười nói vui vẻ. Không chỉ trò chuyện nội bộ gia đình, nhà này còn nói vọng sang nhà kia, bàn tán chuyện nắng mưa thời sự. Xong bữa ăn, ấm trà được dọn lên, người lớn khề khà nhâm nhi kể chuyện đời, bọn trẻ năm mười cút bắt.

Lý tưởng nhất là những đêm trăng sáng, thôn xóm thức khuya hơn, sinh hoạt trên sân nhiều hơn. Nếu không tụ tập nghịch phá với đám con nít, tôi sẽ ngoan ngoãn ngồi học bài hoặc gối đầu lên bụng ba nghe kể chuyện đời xưa rồi ngủ thiếp đi.

Tuy tuổi chưa tròn 2 con số, tôi đã học được từ người lớn nhiều kinh nghiệm sống quý giá. Tôi nhìn trăng và biết trời sẽ hạn hán hay mưa dầm, thủy triều lên xuống ra sao, sẽ trong xanh hay sương mù trong những ngày sắp tới.

leftcenterrightdel
 Bức tranh "Dưới mái hiên nhà" của hoạ sĩ Trần Nguyên

Nhưng điều đáng nhớ nhất trên những khoảng sân nhà là khi trong xóm có đám cưới. Không cần biết nhà ai cưới hoặc ai cưới ai, hễ nghe có tin vui là già trẻ lớn bé tụ họp đông đúc trên vuông sân. Mỗi người một tay, phụ dọn dẹp, dựng rạp, trang trí, bếp núc…

Gia chủ mổ bò, mổ heo, đãi tiệc mấy ngày liền. Cả làng ăn uống, vui chơi đến quên cả nhà mình.

Năm đó, phải mất một thời gian dài kiên trì, tôi mới có thể thuyết phục ba dời nhà. Nhà tôi cho một người lạ đến thuê phần mặt tiền, mở tiệm cắt tóc. Hàng xóm thấy vậy cũng rục rịch cơi nới di chuyển, cốt để kiếm thêm ít thu nhập.

Trong khoảng thời gian ngắn, những cái sân trước nhà trong xóm tôi chỉ còn là kỷ niệm. Ăn theo thuở ở theo thời, có cái cũ ra đi thì cái mới sẽ đến, phải vậy thôi.

Theo phụ nữ TPHCM