“Làm sao để vợ chồng biết ơn nhau?”, đó là “đề bài” mẹ chồng giao cho tôi trong một cuộc trò chuyện trong bếp. Sau khi chia sẻ những chuyện hôn nhân lặt vặt kiểu phụ nữ với nhau, mẹ chồng thở dài hỏi tôi như vậy.
Những mẩu chuyện vô tình
Trong một nhóm Facebook, admin hay đặt câu hỏi cho các thành viên vào chia sẻ. “Đàn ông mạnh mẽ chỉ có trong phim?”, “Điều gì từng khiến bạn muốn ly hôn?”. Hay có hôm admin thả một câu: “Đây là một post dành để xả những ấm ức với chồng”. Vậy là các thành viên lần lượt vào chia sẻ chuyện mình.
Từng nỗi buồn, từng câu chuyện khổ tâm, những thất vọng chưa bao giờ nói hết với bạn đời được kể ra rất thật giữa những phụ nữ không quen. Một ngày nọ, admin của nhóm đưa ra câu hỏi: “Điều gì khiến bạn biết ơn người bạn đời?”. Thế là một góc khác trong tình cảm của chị em lộ diện.
|
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK |
“Chồng mình rất kiên định và bình tĩnh. Có những chuyện mình tưởng đã xong, đã không còn hy vọng và mình khủng hoảng, thì anh ấy lại bình tĩnh. Và đúng là sau đó, mọi chuyện đỡ rất nhiều. Mỗi lần vượt qua một chuyện như vậy, mình lại biết ơn chồng. Nếu anh cũng như mình, có lẽ gia đình này đã bị nhấn chìm trong bất an vì những chuyện không đâu”. Đó là tâm sự của cô vợ nhiều ngày trước từng kể về sự vô tâm của chồng.
Cô mới sinh con được một năm, và suốt một năm đó, vợ chồng hầu như mất kết nối. Có những cảm xúc cô không thể bày tỏ với chồng. Dần dần, cô chỉ thấy ở anh sự xa cách và lạnh nhạt. Những chia sẻ trước đây của cô đều rất buồn khi cô nhờ mọi người hiến kế để “tìm lại cảm xúc trong hôn nhân”.
“Mình biết ơn chồng vì cái tính cẩn thận kỹ lưỡng. Đi làm về mệt mấy anh cũng sắp xếp mọi thứ gọn gàng tinh tươm. Mình nấu bếp rất cực, nhưng hễ nghĩ làm xong có người dọn là lại có động lực làm tiếp. Chừng đó cũng đủ khiến đời sống nhẹ nhàng nhiều rồi. Cảm ơn anh chồng siêu dọn dẹp”. Đây là chia sẻ của cô vợ từng bực bội với sự ngăn nắp của chồng.
Trước đó, khi admin “tạo điều kiện” để bày tỏ bức xúc, cô bộc bạch cảm giác mệt mỏi vì anh chồng “cái gì cũng đòi đem… xếp”. Chuyện kể của cô khiến chị em trong nhóm cười ra nước mắt.
Xúc động nhất là lời tỏ lòng biết ơn của một cô vợ từng băn khoăn có nên ly hôn. Dù không bao giờ “động thủ”, nhưng hễ quá căng thẳng thì ông chồng mất khả năng lắng nghe. Cô vợ tuyệt vọng vì có nhiều điều cần nói, cần bàn bạc, nhưng nhiều khi không thể giao tiếp. Khổ nỗi, anh chồng này căng thẳng thường xuyên.
Những mẩu chuyện kể vẽ ra hình ảnh cô vợ cô đơn trong nhà và anh chồng nóng nảy, “giận cá chém thớt”. Đã có người vào khuyên cô: “Buông đi” (tức là hãy bỏ chồng). Nhiều người đồng tình: “Có chồng mà cũng như không, lại thêm áp lực vậy thì bỏ là vừa”.
Nhưng khi được gợi ý nhớ về lòng biết ơn bạn đời, cô viết: “Em biết ơn vì anh đã bước vào và cứu rỗi gia đình em. Em là con một trong gia đình phức tạp. Bà ngoại già yếu và có vấn đề về tâm thần. Bà có xu hướng đề phòng và chống lại người ngoài, chỉ thương một vài người ruột thịt.
Khi chồng em về nhà, anh trở thành đối tượng để bà tấn công. Trước nay không một nàng dâu/chàng rể nào sống nổi trong nhà em. Ai cũng bực, sợ, rồi đi đến căm ghét bà, vì bà không chỉ tấn công bằng lời mà còn dựng lên những chuyện rất kinh khủng. Người ruột thịt cũng bỏ bà, vì bà tấn công bạn đời của họ, chỉ em ở lại, vì bà thương em nhất.
Nhưng vì vậy mà chồng em phải chung sống với bà và chịu đựng. Nhiều lúc chính em cũng muốn trốn chạy, vậy nhưng anh chưa một lần nhắc chuyện ra riêng (tụi em không khó khăn về kinh tế, và phần chi phí chăm sóc bà do chồng em lo liệu toàn bộ).
Đặc biệt, anh chưa bao giờ hỗn hào với bà, không than phiền gì về bà. Nhiều lúc anh an ủi em: “Bà có vấn đề tâm lý, tất cả những chuyện kinh khủng bà làm đều là do có một khó khăn bên trong bà. Mình không thể phán xét một người vì những khó khăn của họ”. Viết đến đây em lại khóc rồi…”
Chia sẻ của cô vợ cũng làm chúng tôi khóc. Tôi biết hôm ấy rất nhiều người đã ân hận vì từng khuyên cô bỏ chồng.
Để không bị “lừa”
Cuộc sống hằng ngày có quá nhiều điều không ưng ý và con người hay bị hút vào những điều không toàn vẹn. Với hôn nhân cũng vậy, khi áp lực này nối áp lực khác, ta sẽ chỉ nghĩ về người bạn đời với những khiếm khuyết.
Khi cần người tâm sự, ta bực bội vì ông chồng không tinh tế. Khi cần tài chính, ta khổ tâm vì chồng không kinh doanh tài ba mà chỉ biết làm công ăn lương qua ngày. Khi cần một người thợ điện nước, ta lại bực bội vì chồng “chỉ biết đi làm về đưa tiền là xong”. Rồi đến khi cần một người nấu cho tô cháo, ta tủi thân vì chồng mình vụng về, đoảng việc nhà…
Tiếc là, những điều không ưng ý kia dễ dàng chi phối những đánh giá và cảm xúc của ta về một con người, khiến mỗi ngày trôi qua, người bạn đời chung vai gánh cùng ta phần lớn những gánh nặng, nhưng ta dễ quên để đào sâu những khiếm khuyết.
Khi đọc chia sẻ và góp ý của nhiều người, những cô vợ muốn bỏ chồng bởi những tiêu cực dai dẳng vô tình bị hỏi rồi bật ra những câu chuyện sâu sắc cho thấy họ hàm ơn bạn đời. Cảm xúc biết ơn đó rất quan trọng. Cảm xúc biết ơn từng khiến người ta đến với nhau, gắn bó với nhau và duy trì cuộc sống cùng nhau.
|
Ảnh minh họa |
Quay lại ví dụ trong group tôi kể bên trên. Khi ai đó khuyên cô vợ chia tay “người chồng lạnh nhạt, căng thẳng”, không ai nghĩ thêm rằng: hiếm người đàn ông nào có thể xuất hiện để giúp cô ấy gánh lấy phần căng thẳng mà cả người ruột thịt cũng không gánh nổi.
Vậy, ta cần tập trung vào điều gì? Điều không vừa ý hay điều đang nâng đỡ cuộc sống của ta?
Ở đây, tôi không bàn về khuyết điểm cần cải thiện của các ông chồng, bà vợ. Khuyết điểm nào cũng cần được cải thiện. Nhưng nhắc nhau biết ơn bạn đời là để nhắc về những điều quý giá và quan trọng trong một mối quan hệ. Để đừng bị những điều không ưng ý nhỏ lẻ chi phối toàn bộ mối quan hệ…
“Làm sao để vợ chồng biết ơn nhau?”, đề bài của mẹ chồng tôi, có thể bắt đầu được giải bởi từng người, bằng cách tự đặt câu hỏi: “Người đang khiến bạn thất vọng đó, từng có điều gì khiến bạn hàm ơn?”.
Theo phunuonline.com.vn