leftcenterrightdel
 Đó là những thứ mùi nhà quê mà chỉ những đứa trẻ quê mới có thể cảm nhận được - Ảnh minh họa

Đối với tôi, những ký ức êm đềm của tuổi thơ luôn làm lòng thấy dịu êm mỗi khi nhắc lại. Những hình ảnh và âm thanh luôn như thước phim chiếu chậm trong đầu, nhưng cái tôi đặc biệt nhớ đó là những mùi hương, cứ như thể chúng vẫn đâu đây, trong không gian hiện tại mà như ngày xưa cũ.

Đó là mùi hương của nồi cá mẹ kho một chiều mưa bên nồi cơm nghèo - khoai nhiều hơn gạo. Những năm 1980, nhà tôi ăn bo bo thay cơm trắng, bữa nào có cá là cả nhà mừng lắm. Mẹ kho thật mặn cho đỡ tốn, mẹ chia cho mấy anh em phần cá, còn mình chỉ ăn phần muối bám vào thành nồi do nước mắm cô đặc lại.

Đó là mùi khói khi mẹ đốt đám lá khô ngoài vườn, vào những buổi sáng mùa đông lạnh. Mỗi sáng, mẹ thức từ lúc tờ mờ, khi tiếng gà gáy ở xa xa. Tôi nằm trong mùng, nghe tiếng chổi mẹ quét ngoài vườn, đến khi tiếng chổi ngưng, mẹ đốt đám lá vừa gom lại. Mặt trời nhô lên, chiếu ánh sáng vào những lá trầu không còn lóng lánh sương. Tôi còn nhớ khoảng sân vuông nhà tôi lúc đó đã rất sạch sẽ, cuối vườn từng lọn khói trắng bay lên rất thơm. Hương thơm ấy, tôi không biết tả thế nào, hình như nó có chút mùi tinh dầu của lá, có chút mùi của gỗ mục. Mà có lẽ nó cũng như mùi khói bếp - thứ mùi của nhà quê mà chỉ có những đứa trẻ quê mới có thể cảm nhận được. Tôi thích thú ngồi sưởi cho ấm người. Chiếc áo len cũ tôi mặc khi ngồi sưởi đến khi vào nhà vẫn còn vương mùi khói.

Những thứ mùi khiến tôi hạnh phúc có khi chẳng giống ai, vì nó không phải là nước hoa hàng hiệu hay những gì xa xỉ. Ai đời tôi lại thích mùi nhang trầm trong đêm 30 tết, hầu như đêm giao thừa nào tôi cũng thức cùng ba mẹ, khi ba khấn vái trong làn khói nhang trầm và trên ti vi đang chiếu thời khắc đếm ngược, lòng tôi luôn bồi hồi xúc động. Ngày đó nghèo đến nỗi nhang thơm cũng phải tết mới dám xài. Mẹ pha một bình trà mới để ba tôi cúng trời. Mùi trà, mùi nhang, mùi tết là những gì hạnh phúc nhất mà tôi rưng rức nhớ.

Tôi cũng nhớ mùi nồi xông - phương thuốc của các bà mẹ quê ngày đó. Cứ mỗi lần anh em chúng tôi bị bệnh là mẹ lại ra vườn hái các loại lá vào nấu nồi xông. Lá me, lá chanh, lá bưởi, lá ổi, lá sả, bạc hà… mỗi loại một ít rồi đậy kín nấu sôi. Tôi thường sợ nóng nên không chịu xông, mẹ phải dỗ mãi. Nhưng đến khi trùm mền lại và mở nắp nồi xông ra từ từ, hơi từ trong nồi tỏa ra chui vào mũi, vào họng, thấm vào từng lỗ chân lông. Mùi thơm của tinh dầu trong lá làm thông đến tận phổi, mang lại một cảm giác thật sảng khoái. Tôi mê mẩn hít từng luồng hơi vào lồng ngực, khi nước nguội rồi còn tham lam dùng cây đũa xới lên. Lần nào xông xong cũng cảm thấy thật nhẹ nhàng, cảm lạnh hay đau đầu đều tan biến. Tôi nhớ mùi hương đó, nhất là những năm tôi xa nhà trọ học ở thành phố, mỗi lần bị bệnh cứ ước gì có nồi xông của mẹ, ước rồi ngủ quên khi nào không biết, thức giấc thấy nước mắt ướt mi.

leftcenterrightdel
 Nếu từng ở quê, chắc ai cũng có những mùi hương lúa trong ký ức - Ảnh minh hoạ

Đó còn là mùi của cánh đồng lúa chín tôi đi học về ngang trong nắng ban trưa. Mùi bùn bám vào gót giày, mùi cỏ non còn ướt đầm sương sớm. Nếu từng ở quê, chắc ai cũng có những mùi hương ấy trong ký ức. Còn nhiều nữa những thứ mùi làm nên hạnh phúc. Đối với tôi, đó là mùi của quê hương, của gia đình, của mẹ và của tuổi thơ.

Theo phụ nữ TPHCM