leftcenterrightdel
 Ngoại của tác giả đã gần 100 tuổi, vẫn còn hay kể chuyện ngày xưa

Ngoại nói chợ quê bình yên lắm. Ở đó, nhà nào có mớ rau, cọng cải, dăm trái mướp, trái bầu đều mang ra chợ bán. Người mẹ, người vợ luôn chọn những trái ngon nhất, mong được giá cao đổi lấy tiền mua gạo, mua cá, đôi lúc dành ra chút đỉnh mua quà bánh cho lũ trẻ ở nhà.

Bọn trẻ ở quê tôi, lấm lem bùn đất, nhác thấy bóng mẹ đi chợ về, từ xa đã háo hức reo: “Mẹ có bánh cho con không?” rồi vui mừng ngấu nghiến tấm bánh, miếng kẹo mẹ cho.

Ở đó, dì Ba hàng xóm sáng sáng làm bánh bò, bánh bông lan, bánh hỏi, đợi xế chiều cho tất cả vào đôi gánh, quẩy ra chợ bán. Mấy món của dì vô cùng thơm ngon, hấp dẫn. 

Chợ quê có dì Bảy bán thuốc rê - thứ thuốc chưa qua xử lý, thuốc lá quấn vào nhau thành từng bó; đen xì cũng có, vàng tươi cũng có, bên cạnh là mớ giấy quyến dùng để quấn thuốc thành điếu. Dì bán thuốc rê nhưng miệng lại nhai trầu bỏm bẻm, nước trầu túa ra khóe mép đỏ au. Ai thắc mắc về điều này, dì sẽ mỉm cười: “Nhờ trầu mà môi tui lúc nào cũng đỏ như son”.

Cũng ở chợ quê, dì Ba, dì Bảy, chị Tám, chị Chín vừa buôn bán vừa tỉ tê tâm sự chuyện nhà. “Hôm qua, thằng chả xỉn về, rượt mấy mẹ con chạy có cờ; khuya lơ khuya lắc còn núp ngoài vườn, vô nhà sợ chả biết chả quýnh”, “Có con gà để dành đám giỗ ba mà đứa ác ôn nào nó trộm mất, biết lấy gì cúng, tội ổng”.

Đôi khi có người buôn bán ở xa, lâu lâu họp chợ, đem tin tức tứ phương về, “Tui thấy con bà Sáu chưng diện đi tiếp thị bia ở trển”, hay “Vợ chồng thằng Út con ông Tư đi xế hộp, chắc làm ăn lớn lắm”…

Chợ, theo cảm nhận của tôi, như đầu mối tập trung tin tức. Cũng vì điều này mà chợ gắn với hình ảnh của ngoại tôi, với câu chuyện đời ly kỳ, không thua gì mấy tuồng cải lương. Ngoại nói đời ngoại gắn với cái chợ từ năm 17 tuổi. Không muốn lấy chồng già, nên ngoại trốn nhà đi, tự mưu sinh, gặt mướn làm thuê, mót lúa, ai kêu gì cũng nhận. Tranh thủ mua đồ, sáng gánh ra chợ bán rồi mới đi làm.

Bà gặp ông ngoại. Cha mẹ ông ngoại chê bà nghèo, lại mồ côi. Hợp rồi tan, tan rồi lại hợp. Cưới nhau 3 năm chưa có con, ông bà cố cưới vợ mới cho con trai để có cháu nối dõi. Ngoại kế sinh con, gọi là “bé Hai”, ngoại kề bên chăm sóc. Khi ngoại sinh con thì ngoại kế bồng bé Hai đi biệt xứ, làm ông ngoại thương nhớ khôn nguôi. Bao nhiêu tài sản đi theo ông trên khắp nẻo đường tìm kiếm. Của cải không còn mà tin tức thì bặt tăm, chỉ còn lại tiếng thở dài đau đáu của ông bên mâm cơm chiều hay những đêm trở mình không yên giấc.

“Tui thấy mà xót xa. Phần ổng đi tìm xa, phần tui đi tìm gần” - ngoại kể. Ngoại buôn bán trở lại, đi đầu trên xóm dưới, tìm mua cái này bán cái kia, nuôi chồng con, vừa hỏi thăm tin tức bé Hai. Ai chỉ đâu ngoại cũng lặn lội đi tới, rồi thất vọng đi về.

“Bữa nọ, đang ở chợ thì chú Tư tới, nói gặp ngoại kế, báo tin bé Hai bệnh sắp chết, kêu ổng gặp mặt lần cuối. Tui vừa mừng vừa rầu, thấy tội cho ổng. Nhà không có gì. Nhớ ra con gà đang ấp, làm thịt đem vô thăm. Trời thương cho bé Hai qua khỏi. 25 năm trời, chưa bao giờ tui thấy chồng vui như vậy”.

Ông ngoại mất không lâu sau đó. Ngoại thôi không ra chợ, vì nhiều chứng bệnh do làm việc quá sức. Đến ngày giỗ ông, ngoại lại hỏi: “Con bé Hai có về không?”.

Bây giờ ngoại đã gần trăm tuổi, mắt mờ, lưng còng, chỉ có thể ngồi mà nhích từng bước. Như bao người già khác, chuyện mới thì quên, chỉ nhớ toàn chuyện cũ. Trong câu chuyện của ngoại đầy không khí vui tươi của những phiên chợ, của những buổi đoàn viên. Tôi chưa từng nghe ngoại than thở cho phận đời mình. Ngoại nói, “tìm được con bé Hai là bà mãn nguyện rồi”. 

Theo phụ nữ TPHCM