Phố lồng đèn Lương Nhữ Học năm nay (Ảnh Minh An)
Phố lồng đèn Lương Nhữ Học (quận 5, TPHCM) năm nay - Ảnh: Minh An

Giữa tất bật của thị thành, không quá khó để nhìn thấy hình ảnh những ông bố bà mẹ dừng xe bên tiệm bánh Trung thu hoặc điểm bán lồng đèn ở góc phố tìm mua đồ chơi cho con.

Chị Nguyễn Nguyên (nhà ở quận 11, TPHCM) cho biết chị vừa ghé qua phố lồng đèn Lương Nhữ Học (quận 5, TPHCM) để tìm mua cho các con những chiếc lồng đèn. Chị nói: “Tôi thích lồng đèn truyền thống bọc giấy kiếng nên mua cho mình chơi, chứ con còn nhỏ quá, chỉ dám cho xài lồng đèn pin mà thôi. Tôi dẫn con ra đây vừa để mua, vừa ngắm”.

Diễn viên Trịnh Tú Trung
Diễn viên Trịnh Tú Trung
 
 

Tương tự, diễn viên Trịnh Tú Trung cũng cho biết anh thích không khí Trung thu: “Trung thu ngày xưa nhà cửa thưa thớt, ít nhà cao tầng, không có nhiều điện sáng nên ánh sáng lồng đèn rất lung linh. Thời nay điện thắp muôn nơi, ánh sáng đèn lồng có phần kém nổi bật hơn. Nhưng tôi vẫn mê Trung thu”.

Vào TPHCM lập nghiệp hơn 20 năm, anh Hoàng Trọng Quyền (Giám đốc công ty du lịch Đại Dương) cho biết vợ chồng anh vẫn nôn nao mỗi dịp trăng rằm tháng 8. “Tôi xem Trung thu là dịp đoàn viên. Mùa Trung thu này tôi đưa vợ con đi dạo vòng vòng Sài Gòn, cùng ngắm nhìn những góc phố người ta bày bán lồng đèn. Đêm rằm, tôi sẽ cho bé chơi rước đèn, sau đó cả nhà cùng nhau ăn tối, hàn huyên”.

Hoàng Trọng Quyền cùng vợ và 2 con nhỏ
Anh Hoàng Trọng Quyền cùng vợ và 2 con nhỏ

Lưu Hân (sinh viên Trường đại học Văn Lang) cho biết, Trung thu là dịp cả người lớn và trẻ nhỏ đều có thể hòa mình trong không khí lễ hội. "Tôi thích không khí rộn ràng, thích nhìn những chiếc đèn lồng được thắp lên, tạo nên những bức tranh gần gũi và ấm cúng, khiến tôi được sống lại với bao ký ức. Hồi đó, trẻ con chúng tôi thường tụ tập chơi đùa, nhảy múa, ca hát, rước đèn đi loanh quanh".

Lưu Hân - Sinh viên trường Đại học Văn Lang TPHCM
Lưu Hân - sinh viên Trường đại học Văn Lang TPHCM

Diễn viên - đạo diễn Vân Nhi (quê ở Quảng Trị) cho biết, thuở bé 3 chị em cô thường cùng nhau làm lồng đèn ngôi sao thật to để dự thi. Vì không có giấy bóng kiếng để dán nên các chị em dùng giấy báo thay thế, nhìn không giống ai nhưng cũng rất đẹp.

Cô kể: “Năm nào không làm lồng đèn, mấy chị em lấy tre tẩm xăng làm đuốc để thắp sáng, rồi cầm cây đuốc đi loanh quanh hoặc làm lồng đèn bằng lon sữa ông Thọ. Bây giờ sống giữa thị thành, tôi thấy nhà nhà người người xài lồng đèn xài bằng pin, không thú vị bằng”.

Diễn viên - Đạo diễn Vân Nhi và các con
Diễn viên - đạo diễn Vân Nhi và các con

Nhiều phụ huynh cho biết, tuy rất thích những chiếc lồng đèn "chuẩn truyền thống" bên ngoài dán giấy bóng kiếng, bên trong thắp bằng đèn cầy, nhưng ở thành phố không gian hẹp, nếu trẻ con nếu không cẩn thận rất dễ gây ra hỏa hoạn. Vậy nên, chiếc lồng đèn giấy kiếng gắn đèn pin phía trong tuy có phần hiện đại nhưng lại là sự lựa chọn an toàn. 

Anh Hoàng Trọng Quyền nhận định, Trung thu ngày nay có thể khác nhiều so với không khí Trung thu xưa, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là các con sẽ cảm thấy kém vui. Các bé đang có rất nhiều sự lựa chọn cho niềm vui mùa trăng của mình. Từ sự đa dạng kiểu dáng lồng đèn đến phong phú các loại bánh trái. Điều quan trọng nhất vẫn là các ông bố bà mẹ ưu tiên dành thời gian để cùng chơi với các con trong dịp trăng tròn.

Đạo diễn - diễn viên Vân Nhi nói: “Trung thu quan trọng là được ở bên nhau và cùng vui. Với tôi, cứ sum vầy cùng nhau là có Trung thu”.

Theo phụ nữ TPHCM