Từ hồi dịch COVID-19, nhà tôi bắt đầu tự làm bánh Trung thu. Làm được một lần thấy cũng đơn giản, vậy là đến hẹn lại lên, cứ tới mùa Trung thu là ba mẹ con lại rủ nhau cùng trộn bột, nặn nhân, đóng khuôn và nướng bánh.
Con gái nhỏ của tôi là bé Na rất thích làm bánh. Trước ngày làm bánh, bé Na đã lên danh sách những người cần đem bánh đi biếu. Thực ra chúng tôi làm bánh để có không khí và sự gắn kết gia đình chứ không thể nào ăn hết nổi một mẻ bánh.
Bánh vừa ra lò nóng hổi được chờ cho nguội rồi đặt vào trong những chiếc hộp giấy mà bé Na đã chuẩn bị sẵn.
|
Hai anh em bé Na vui thú khi được tự tay làm ra những chiếc bánh Trung thu (ảnh: Trâm Anh) |
Tôi pha ấm trà nóng, cùng những chiếc bánh đầu tiên đặt lên ban thờ để cúng ông bà. Gia đình tôi hễ có món gì ngon thì đều cúng ông bà trước như một lời nhắc uống nước nhớ nguồn. Sau đó, bé Na háo hức đặt bánh vào giỏ, lăng xăng đem đi tặng hàng xóm thân thiết trong khu chung cư.
Vào mùa Trung thu, gia đình tôi không chỉ đem tặng, biếu bánh cho những người thân yêu, mà còn nhận được rất nhiều quà bánh của bạn bè, hàng xóm. Ai tặng bánh hay trái cây cũng kèm theo câu nói: “Anh/chị gửi thắp hương ông bà nhé”.
Những lúc như thế, mọi người đều cảm thấy ấm áp. Giữa chốn thị thành đô hội thế này mà ta vẫn còn duy trì được nét văn hoá truyền thống, trẻ con vẫn được sống trong mơ mộng về một chị Hằng, chú Cuội trên cung trăng.
|
Những chiếc bánh nướng nóng hổi, vừa ra lò được chúng tôi đặt lên cúng ông bà tổ tiên. Những chiếc còn lại được chia ra, đem tặng hàng xóm thân thiết (ảnh: Trâm Anh) |
Trung thu ở khu phố tôi giờ có nhiều nét hiện đại. Cách đây mấy ngày, chúng tôi nhận được thông báo từ ban quản lý chung cư để các gia đình đăng ký cho trẻ em vui Đêm hội trăng rằm. Được biết, các bé sẽ ăn tiệc buffet ngoài trời, khoảng 7g tối sẽ cùng nhau rước đèn.
Bé Na nhà tôi định đem chiếc đèn sạc pin năng lượng mặt trời (mua dự phòng hồi mùa dịch) xuống chơi cùng các bạn. Tiếp đến, các bé được nghe người dẫn chương trình kể chuyện về chị Hằng và chú Cuội, các điển tích xưa về tiên nữ và cung trăng. Cuối cùng là màn phá cỗ Trung thu, mỗi bé được thưởng thức bánh nướng, bánh dẻo, ăn trái cây. Trái cây được tạo hình thành chú thỏ ngọc, chú cún xù lông từ quả bưởi để tăng thêm độ lý thú cho chương trình.
Đó là tiệc Trung thu do chung cư tổ chức. Bên cạnh đó, tối rằm tháng 8 gia đình tôi cũng sẽ phá cỗ. Bà ngoại tụi nhỏ loay hoay sắp xếp, bày biện ban thờ. Bà cắm hoa, đặt trái bưởi và chiếc bánh nướng, bánh dẻo lên, pha bình trà rồi đốt nén hương. Gia đình tôi mượn cớ Tết thiếu nhi để bày vẽ tiệc tùng. Trong khi trẻ con rước đèn dưới sân thì trên nhà, người lớn cũng cắt miếng bánh, rót tách trà nhâm nhi, hồi tưởng lại những chuyện xưa.
|
Rước đèn Trung thu là nét văn hoá đẹp, cần gìn giữ (ảnh minh hoạ) |
Mẹ hỏi tôi có còn nhớ, năm 1990, cũng độ Tết Trung thu, vào chiều tối là tôi phụ mẹ bê vác đồ chơi ra đầu ngõ bày bán không. Mẹ tôi bê chiếc kệ gỗ khá nặng, còn tôi khi ấy mới 6 tuổi lẽo đẽo vác bao hàng đi theo. Ra tới mặt đường, tôi mở chiếc bao tải ra, cùng mẹ cầm từng món nào là đèn lồng. chiếc mũ miện gắn lông chim, chiếc đèn ông sao, đèn cù bày lên từng ngăn kệ. Sau khi dặn tôi giá cả từng món đồ, mẹ lại phải quay lại ca trực. Mẹ nói tôi đứng bán hàng, tối về mẹ sẽ tặng cho tôi chiếc mũ miện gắn lông chim và chiếc đèn ông sao để kịp đi rước đèn với trẻ con trong xóm.
Tôi giờ không còn là cô bé háo hức với chiếc mũ gắn lông chim và cây đèn ông sao ngày xưa nữa. Thế nhưng tôi vẫn cố giữ cho con mình một tuổi thơ đẹp, nhiều mộng mơ. Cuộc sống nhiều bon chen, áp lực nên ngay cả người lớn như chúng ta đôi khi cũng cần lắm chút gì đó mang phép màu cổ tích để tâm hồn được chữa lành và bình lặng lại.
Theo phụ nữ TPHCM