Tôi nhớ, ngày vào lớp Một, tôi vui vẻ nắm bàn tay gầy guộc nhăn nheo mà ấm áp của bà đến trường dự khai giảng năm học mới.
Bà nội là cả bầu trời yêu thương của chị em tôi. Từ bé, tôi đã biết mình may mắn và hạnh phúc khi có tới hai người mẹ. Mẹ đi làm xa, chẳng bên tôi được nhiều như bà. Thương cháu, mỗi buổi sáng, dù nắng hay mưa, bà nội cũng đi bộ xuống quán ăn khá xa nhà mua thức ăn cho hai đứa cháu. Ở quê tôi, lũ lụt nhiều. Mỗi khi lũ đến, chị em tôi vẫn đi học, nhưng khó khăn lắm. Ông nội phải lần lượt cõng hai đứa nhỏ, băng qua những con đường đầy nước. Bà nội theo sau lưng ông để canh chừng và cầm ba-lô cho các cháu.
|
Tác giả và ông bà nội |
Tôi từng bị chó nhà người ta cắn hai lần. Mỗi lần như vậy, ông nội lại chở tôi đến bệnh viện chích ngừa. Trước khi đi, bà dúi cho ông tiền và nhắc: “Ông chở cháu đi tiêm về ghé quán bún, cháo gì đó, hai ông cháu ăn cho khỏe rồi về nhé”.
Lúc tôi còn học lớp Sáu, vì bị bệnh phải nhập viện. Biết tin, mẹ gọi điện bảo sẽ về, bà nội khuyên: “Con lo cùng ba tụi nhỏ làm ăn đi, cháu của bà, bà chăm được”. Vậy là suốt một tuần tôi nằm viện, bà lo từng miếng ăn, giấc ngủ, tắm giặt cho tôi.
Năm tôi học lớp Tám, vì nhớ con, mẹ tôi xin ông bà cho hai cháu chuyển vào ở cùng với ba mẹ để đi học. Mẹ sợ bà già rồi, chăm sóc cho hai cháu thêm vất vả. Bà tôi nói: “Bây đưa cháu mẹ vào, mẹ buồn, mẹ ốm nằm đấy, bây lại ra chăm mẹ”. Vậy là, chị em tôi tiếp tục sống cùng ông bà. Tôi vào tuổi dậy thì, bà dạy tôi nấu ăn, quét dọn, vá may, giặt áo quần… Bữa cơm đầu tiên tôi nấu, bà nói đùa rằng ngon hơn bà nấu. Cứ thế hai chị em tôi ở với ông bà đến lúc đi học đại học.
Bà chăm bẵm yêu thương các cháu, nhưng bà không cưng chiều, mà luôn dạy cháu cách sống sao cho đúng chuẩn mực. Bà dạy chúng tôi điều hay lẽ phải, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi.
Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ lúc chị em tôi vừa lớp Bốn, lớp Năm, cả hai đứa đều rất nghịch thích chơi dao, chơi rựa. Có lần chẳng may em tôi làm rựa cứa vào tay tôi chảy máu. Tôi khóc toáng, bà chạy lại sơ cứu và dỗ dành tôi. Xong bà quay sang nhìn đứa em trai đang đứng khép nép vì sợ bị mắng. Nhưng bà chỉ ôm em vỗ về căn dặn: “Dao, rựa sắc bén nguy hiểm lắm, cháu không được chơi chúng, biết không”. Em tôi cúi đầu dạ khẽ.
Tôi đậu đại học, đi học xa nhà. Ngoài ngày tết, hè, lễ, tôi luôn tranh thủ cuối tuần nào ít bài vở là chạy về thăm bà. Bà rất vui, lần nào cũng đón cháu cưng bằng nồi bánh canh thơm ngon.
Tôi ra trường, đi làm công việc yêu thích là phóng viên. Chưa đầy một năm, tôi bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não. Bà nội khi ấy đã 80 tuổi, đi cùng với chú tôi từ Quảng Trị vào TPHCM thăm tôi. Hai năm sau, ba mẹ và tôi đều chuyển về Quảng Trị sống. Bà nội ngồi chờ ở bậc thềm cửa, nghe tiếng xe, bà chạy nhào ra đón, bà cháu ôm nhau khóc không nói nên lời.
|
Biết tôi (tác giả) bị tai nạn giao thông, bà nội đã 80 tuổi, đi từ Quảng Trị vào TPHCM thăm |
Tối hôm đó, tôi và mẹ chuẩn bị đi ngủ thì thấy bà tay ôm gối, tay ôm chăn, bà nói: “Bà muốn ngủ cùng cho vui”. Vậy là chiếc giường nhỏ ấy có ba thế hệ cùng nằm. Mùa đông quê tôi lạnh buốt nhưng tôi thấy ấm áp vô cùng vì nằm hai bên tôi là hai “người mẹ”.
Năm nay bà tôi đã 85 tuổi nhưng bà vẫn cùng em dâu tôi nấu ăn, quét dọn nhà cửa để mẹ tập trung chăm lo, tập luyện cho tôi. Ông bà ngoại tôi mất sớm, nên bà xem mẹ tôi như con gái. Ngày mẹ tôi mới về làm dâu, bà tự tay làm hết mọi việc từ trong nhà ra ngoài vườn, để mẹ tôi đi làm. Bà bảo: “Mẹ lớn tuổi rồi, không đi làm việc nặng được, con còn trẻ, con đi làm kiếm tiền, để việc nhà mẹ làm cho”. Thế là, mẹ chồng - nàng dâu cứ vậy vẹn toàn chu đáo chăm sóc gia đình.
Cảm ơn bà nội. Cảm ơn những yêu thương bà dành cho chị em tôi. Để hôm nay cả hai đứa nhỏ ngày nào đã có thể vững tâm và bước tiếp trên những con đường mới. Thật tuyệt vời khi mỗi ngày mai thức dậy, tôi vẫn còn cả hai người mẹ bên cạnh.
Theo phụ nữ TPHCM