Chỉ trong vài năm, cô giáo dạy Văn Đỗ Thị Ngoãn liên tiếp nhận những cú sốc tưởng chừng như không thể vượt qua nổi. Một buổi chiều tháng 5/2012, cú điện thoại từ đơn vị của chồng tại sân bay Biên Hòa khiến chị sững sờ: Anh qua đời vì một cơn hen suyễn. Mười năm hôn nhân nhưng tổng thời gian vợ chồng được bên nhau chưa đầy 20 tháng. "Nay anh mất đi, trụ cột tinh thần ở xa cũng không còn. Tôi không thiết sống nữa nên nhắm mắt lại chạy xe trên đường, để mặc đâm vào đâu thì đâm", cô giáo của trường THCS Hải Xuân kể.

Nhưng rồi, hai đứa con 9 và 4 tuổi, ông bà nội ngoại già yếu buộc chị mở mắt, trấn tĩnh và vượt qua nỗi đau. Thay chồng báo hiếu bố mẹ và nuôi nấng các con nên người là mục tiêu sống mới. Hàng ngày được lên lớp, truyền tình yêu văn học đến với học trò cũng giúp chị nguôi ngoai.

Chị Ngoãn và con trai Vũ Duy trên bãi biển quê nhà một sáng tháng 8/2021. Chị hiện phải lo cho bé Duy điều trị tái phát u não ác tính và con gái sẽ vào đại học tháng tới. Ảnh: Gia đình cung cấp


Nhưng đó chưa phải là nỗi đau duy nhất. Mùa đông năm 2018, con trai Nguyễn Vũ Duy, 11 tuổi, thường xuyên bị những cơn đau đầu, buồn nôn. Bác sĩ ở quê chẩn đoán cháu bị viêm xoang, cho thuốc về uống, song không thấy đỡ. Chị Ngoãn đưa con ra Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, chẳng ngờ đến nơi, đồng tử Duy đã giãn, chân liệt không đi được. Cả đêm cậu bé đập tay vào đầu vì cơn đau hành hạ.

"Cứu con tôi với", người mẹ cầu xin bác sĩ mổ ngay cho Duy. Em trải qua ca mổ dẫn lưu não để giảm áp lực, đỡ đau. Ba ngày sau, tiếp tục mổ lần hai lấy ra khối u não. Mổ xong hôm 23 tháng Chạp, chị Ngoãn nghĩ đơn giản "thế là sắp được về nhà". Ngày 28 Tết, đang chuẩn bị xuất viện thì bác sĩ gọi chị vào phòng nói: "Chị phải chiến đấu lâu dài. Bệnh của cháu là u não ác tính".

Người phụ nữ khụy xuống, trước mắt tối sầm. "Tôi lao ra khỏi phòng, chạy từ đầu hành lang đến cuối hành lang, không nhớ mình la hét gì, như người bị tâm thần", chị kể. Ôm con trong lòng, trước mắt là hình ảnh người chồng quá cố trong bộ quân phục, chị Ngoãn cố gượng cười mà nước mắt không ngừng chảy.

Sau Tết, Duy trải qua 4 đợt truyền hóa chất và 30 mũi xạ trị, cơ thể từ 51 kg xuống còn 36. Đầu con bắt đầu rụng từng mảng tóc. Không còn cách nào khác chị Ngoãn phải cạo sạch. Sợ bị thương hại, chị giấu bệnh con và tình trạng của gia đình. Mỗi lần từ viện về, chị đóng kín cửa.

Chính Duy cũng mặc cảm. "Con chỉ thích ở viện thôi", cậu bé nói. Chị Ngoãn khuyên con thoải mái, song trong sâu thẳm cũng cảm thấy "đi viện tuy vất vả mà hạnh phúc vì được sống đúng với bản thân".

Tháng 7 năm đó, khi Duy đã gần xong lộ trình điều trị thì câu chuyện của hai mẹ con được chia sẻ trên một tờ báo. Lúc này các thế hệ học trò và nhiều người bạn thân thiết mới biết được khó khăn của mẹ con chị. Họ tìm đến động viên và sẻ chia. "Hóa ra chính tôi mới là người yếu đuối. Tôi đã o ép con vào sự mặc cảm của người lớn. Nếu con cứ cho sống theo áp đặt của tôi để tránh dị nghị thì có lẽ chỉ một thời gian ngắn nữa con sẽ bị trầm cảm", người mẹ nói.

Từ sau khi chị Ngoãn chiến thắng được chính mình, chị đã giúp bé Duy trở nên vui vẻ. Cậu bé rất thích nấu ăn và tham gia các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người xung quanh. Ảnh: Gia đình cung cấp


Ung thư là một cuộc chiến của tư tưởng, không có chỗ cho đơn độc và tự ti. Từ lúc đó chị Ngoãn bắt đầu mở toang cửa, chở con đi chợ, đi chơi. Khai giảng năm học 2019, chị dẫn con vào lớp, giới thiệu với học trò: "Bạn Duy bị ốm, không may bị trọc, các con đừng cười Duy nhé". Những học sinh lớp 7 đồng thanh "dạ", dù vẫn bịt miệng cười.

Các bạn ở lớp không ai trêu Duy cả, nhưng học sinh lớp khác thường kéo nhau chạy sang nhìn và đôi khi trêu chọc. Nhiều hôm Duy về nhà thui thủi một góc. Để con vui, chị rủ bé cùng tham gia các hoạt động thiện nguyện tại quê nhà hay phát cháo ở bệnh viện. Có lần em được mẹ cho vào sân vận động giao lưu với các cầu thủ. Duy ước mơ thành đầu bếp nên mẹ luôn trao em cơ hội trổ tài nấu nướng.

Hơn một năm trôi qua bệnh Duy ổn định, cuộc sống cũng dần trở lại. Nhưng, một tuần trước Tết năm 2021, Duy bị đau cột sống, đi khám phát hiện u não tái phát gây tổn thương xương cùng cụt.

Lần hai cũng sốc như lần một. Chị Ngoãn không tin đó là sự thật: "Bác sĩ xem lại cháu với. Bác sĩ cứu con cháu với". Vị bác sĩ buộc phải nói: "Tôi cho chị 5 phút suy nghĩ, nếu quyết định thì nhập viện ngay. Với tình hình dịch bệnh không đảm bảo vài ngày sau cháu nhập viện được, mà bệnh của cháu để lâu không tốt".

Câu nói "cứng" khiến chị trở lại hiện thực. Từ hôm đó, hai mẹ con trở lại điểm xuất phát với những cơn đau. Một lần nữa, chị Ngoãn phải sắp xếp lại việc dạy, đồng hành cùng con từ đó đến nay. Kết quả khám mới nhất cho thấy Duy đáp ứng thuốc tốt, dấu vết tổn thương hầu như không còn.

Vũ Duy đang vẽ bức tranh tham gia cuộc thi Vì một Việt Nam tất thắng, để cổ vũ y bác sĩ và người dân Việt Nam cùng nhau vượt qua Covid-19. Ảnh: Gia đình cung cấp


Covid-19 khiến hành trình chữa trị của những đứa trẻ ung thư và gia đình gian nan hơn. Khi Bệnh viện K bị phong tỏa, chị Ngoãn phải liên hệ đưa con sang Việt Đức, chấp nhận mua thuốc ngoài, chi phí cao gấp đôi bình thường. Song, được điều trị đúng lộ trình còn là may mắn. Lần này Hà Nội giãn cách, Vũ Duy đã chậm mất nửa tháng.

Mấy ngày nay cậu bé 14 tuổi đang hào hứng tham gia cuộc thi "Vì một Việt Nam tất thắng". Bằng kỹ năng vẽ học được trong những ngày ở viện, em sáng tác bức tranh có hình ảnh bác sĩ siêu nhân và hoa hướng dương, qua đó thể hiện dù đang vô cùng vất vả, các y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch vẫn như hướng dương rực rỡ.

Lần đầu tiên nhìn vào bức tranh này, chị Ngoãn thấy lồng ngực căng đầy sức mạnh. Con trai chị - trải qua hành trình 3 năm 2 lần chiến đấu với ung thư - vẫn ngây thơ và cười rạng rỡ... như hướng dương hướng về mặt trời.

Theo Ione