Không lâu sau khi nhận ra mình có thể phải đối diện cái chết, Kimber King lục túi áo và lôi ra một tấm danh thiếp. Phía trên có một số điện thoại kèm theo dãy thông điệp: Không thuyết giảng. Không nhục mạ. Không phán xét.
Dẫu nghi ngờ lẫn e dè, King vẫn gọi vào dãy số. Tiếp chuyện cùng cô là một giọng nữ ấm áp, thân thiện. “Kimber nhỉ? Chờ tôi lấy sổ tra cứu nhé. Hình như chúng ta chưa từng trò chuyện trước đây nhưng tôi rất vui vì cô đã gọi”. Người phụ nữ sau đó khuyên cô mở loa ngoài điện thoại, đừng ngắt máy và đừng khóa cửa nhà để nhân viên y tế dễ dàng tiến vào nếu xảy ra tình huống bất trắc.
King, 1 người nghiện heroin, vào khoảnh khắc vừa dùng thuốc quá liều đã gọi vào 1 đường dây nóng đặc biệt vì mong được giúp đỡ. Tình nguyện viên hỗ trợ cô, Jessica Blanchard – 1 cựu y tá với giọng nói ôn hòa, đang cố gắng làm mọi cách có thể để giúp những người xa lạ lầm lỡ giành lại sự sống trong gang tấc.
|
Blanchard bên những tấm ảnh gia đình, tại nhà riêng ở một thị trấn thưa dân thuộc ngoại ô Albany - Ảnh: AymannIsmail/Slate |
Đấu tranh với tử thần qua điện thoại
Trong văn phòng làm việc khiêm tốn tại thành phố Albany, bang Georgia (miền Nam Hoa Kỳ), Blanchard kể về khởi đầu của Never Use Alone (NUA) - đường dây nóng chuyên hỗ trợ người nghiện thuốc phiện, nơi cô đang là tổng đài viên kiêm giám đốc phát triển giáo dục. “Mọi thứ bắt đầu 4 năm trước. Có một nhóm tình nguyện viên cũng từng lầm lạc vào con đường nghiện ngập, muốn làm gì đó để những người có hoàn cảnh như họ không phải cô độc chịu đựng nữa”, Blanchard nói. “Đã có nhiều cái chết không đáng vì dùng thuốc quá liều”.
Năm 2022, Mỹ ghi nhận gần 110.000 ca tử vong vì dùng chất gây nghiện quá liều. Số liệu tăng cao với tốc độ đáng ngại trong 2 năm đầu đại dịch. Sử dụng thuốc quá liều thường trực tiếp đe dọa tính mạng, nhưng cơ hội sống sót có thể được đảm bảo nếu nhân viên dịch vụ y tế khẩn cấp* (EMS) xuất hiện kịp lúc. Đây cũng chính là mục tiêu của NUA. Blanchard và các đồng nghiệp có thể tạo thêm cơ hội sống sót cho người nghiện bằng cách giữ liên lạc qua điện thoại cùng họ, vừa nhằm giám sát sức khỏe vừa giúp họ liên hệ với EMS trong trường hợp nguy cấp.
Tầm hoạt động của NUA nay đã trải rộng đến tận các bang miền Bắc Hoa Kỳ. Để tiện làm việc, Blanchard sử dụng chính điện thoại cá nhân cho công việc trực tổng đài. Cô hiếm khi bỏ lỡ cuộc gọi nào. Một cuộc gọi nhỡ có thể phải “trả giá” bằng một sinh mạng.
Trên điện thoại, Blanchard cố gắng trò chuyện nhẹ nhàng như một người bạn với tất cả những ai gọi đến. Thế nhưng, có một số quy tắc “bất thành văn” cô luôn tuân thủ. “Điều đầu tiên tôi chú tâm là giọng điệu của họ. Khả quan nhất, tôi hy vọng họ có thể giữ giọng bình tĩnh, không kích động, không bối rối. Điều này đồng nghĩa rằng chúng tôi còn thời gian để xử lý và cùng nhau vượt qua chuyện này”.
“Mẹ muốn thấy con được sống”
Thời gian quả thật mang ý nghĩa sống còn với 1 người nghiện đang đứng trước nguy cơ sốc thuốc.
Trong cuộc điện thoại với King, khi nhận ra người mình đang tiếp chuyện ngày một yếu đi, giọng Blanchard cũng dần trầm xuống. “Tôi biết cô chịu đựng đến cực hạn rồi. Giờ chúng ta đi thật chậm cùng nhau nhé?”, cô nói bằng chất giọng trấn an nhưng đã không còn giấu nổi sự lo âu. Ngay phút sau đó, Blanchard gọi cho EMS.
“Tôi có thể nhận ra khi nào 1 người sắp bị sốc thuốc. Tôi chỉ… tôi biết đôi khi họ chỉ không đủ cẩn trọng”, Blanchard bày tỏ. “Những lúc ấy, tình mẫu tử trong tôi lại trỗi dậy”.
King sa vào tệ nạn từ tuổi thiếu niên, sau khi tận mắt chứng kiến anh ruột ra đi trong một vụ án mạng thảm khốc. Cuộc đời cô “trượt dốc” nhanh chóng dẫu King từng nỗ lực thoát khỏi thuốc phiện nhiều lần. Tệ hơn cả, nếu không gọi cho Blanchard để được trợ giúp y tế kịp thời, không người thân hay bạn bè nào ở cạnh cô trong khoảnh khắc “giằng co” với tử thần.
|
(Ảnh: AymannIsmail/Slate) |
King, người chỉ hơn kém con gái Blanchard vài tuổi, khiến nữ tình nguyện viên ngậm ngùi. Cô rất hiểu cảm giác sợ hãi cùng bất lực khi phải nhìn thấy 1 sinh mạng bị hủy hoại vì thuốc phiện. Con gái Blanchard, Kaylen, từng bị sốc thuốc 11 lần.
“Con bé nay 23 tuổi rồi”, cô chia sẻ. “Nó là tạo vật đẹp đẽ nhất trong mắt tôi. Tôi cũng đã nhìn con bé lúc nó chật vật, khổ sở nhất”.
Khi ấy, Blanchard còn đang công tác tại 1 bệnh viện địa phương. Hay tin con gái bị bạn bè dụ dỗ rồi nghiện ngập khi mới 18 tuổi khiến cô nhất thời không chống đỡ nổi. Cô hồi tưởng: “Khi ấy, con bé biến mất nhiều tuần liền. Tôi tìm nó, nó trốn tôi. Nhưng tôi kiên trì, tranh thủ được giờ nào không phải làm việc, tôi đều đi tìm con. Mãi đến một ngày tôi bắt gặp nó ở một bãi đậu xe. Trong cơn tức giận, tôi đánh con bé. Tôi đã hét vào mặt nó: "Mẹ chỉ muốn nhìn thấy con được sống"”.
Ngọn đèn trong đêm tối
Ít lâu sau, Blanchard tìm hiểu và bắt đầu áp dụng phương pháp giảm thiểu tác hại của thuốc phiện nhằm điều trị cho con gái. Về sau, cô “dang tay” rộng hơn, giúp đỡ những thanh thiếu niên lâm vào hoàn cảnh như Kaylen. Ngày nay, cùng đội ngũ ở NUA, Blanchard đang hỗ trợ cả cộng đồng.
Có kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực y tế, cô hiểu để giúp đỡ người nghiện phục hồi hiệu quả, hiện nay rất cần nguồn cung cố định của Narcan (thuốc kháng chất gây nghiện có vai trò tối quan trọng trong điều trị các ca dùng thuốc quá liều). “Trong một lần gửi đơn đăng ký tham gia dự án tình nguyện cung ứng thuốc Narcan của một trung tâm phúc lợi tại Georgia, tôi được phát cho một tấm danh thiếp quảng bá về NUA. Đó là lần đầu tôi biết tới đường dây nóng đặc biệt này”, Blanchard nói.
Tiếp nhận khoảng 300 cuộc gọi mỗi tuần, tính đến nay NUA đã cứu sống gần 100 sinh mạng khỏi viễn cảnh tồi tệ nhất. Dẫu vậy, Blanchard nhận thức rõ rằng những dịch vụ như NUA không phải giải pháp hoàn mỹ. “Điều chúng tôi có thể làm được là "chỉ lối" trong giây lát để bạn vượt qua bóng tối. Nhưng người duy nhất thật sự cứu được bạn là chính bạn”, cô bày tỏ. “Tôi thường nói thế này với mỗi người tôi trò chuyện qua điện thoại, ‘Tôi hiểu cảm giác như thể bạn đang nhìn cuộc đời mình bị chôn vùi. Tôi cũng từng trải qua. Nhưng bị ‘vùi lấp’ cũng có thể là cơ hội giúp chúng ta vươn lên khỏi mặt đất và trưởng thành”.
Theo phụ nữ TPHCM