Bố! Bức tâm thư này là bức thứ mấy con chưa bao giờ đếm cả, cũng biết thừa rằng mình sẽ chẳng bao giờ gửi đi. Thế nhưng con lại cứ mải miết viết thư cho bố mỗi ngày, dù rằng cuối cùng thì địa chỉ người nhận con mãi luôn để trống và lẳng lặng xếp chồng lên trong một góc ngăn kéo tủ. Đôi khi là vài dòng tự sự về những tiếc nhớ tuổi thơ có đầy đủ bố mẹ, được con viết kín những trang sổ, thay vì kể lể khóc lóc với người đời. Xem như thư từ, nhật ký con tự gửi cho chính mình con vậy.

Ngày bố lấy cớ làm cái nhà ở dưới vườn ngô để trông ao cá, con đã hoàn toàn ngây ngô tin rằng lí do ấy là thật, bởi vì xưa nay bố luôn tâm huyết với chuyện thả cá, đào ao, chỉ mong ước ngày về hưu sẽ được vui thú ruộng vườn. Thế rồi tuổi hưu cũng đến, chuyện ao vườn lại chẳng trở thành điều bố bận tâm như hồi trẻ. Những bữa cơm chung ở nhà trên thưa dần bóng bố. Căn nhà dưới bờ ao cũng thường xuyên cửa đóng then cài. Mẹ bắt đầu cáu gắt vô cớ nhiều hơn, cắm mặt quần quật làm việc dưới ruộng trên nương để khỏi ngẩng đầu nhìn xóm giềng khi người ta thì thầm to nhỏ. Lúc ấy, con đã đủ lớn để nhìn ra mọi chuyện mất rồi, chẳng thể nào ngây thơ mãi được.

man-1150

Ảnh minh họa.

Bố! Căn nhà gỗ hai gian của bố giờ nấm mốc đã loang màu trên những xà, những cột. Anh con mỗi lúc xuống thăm vườn, chăn cá vẫn thường mang theo máy phát cỏ lia đi hết những bụi cỏ thài lài, những vạt hoa cứt lợn, cỏ gianh. Làm sạch được cỏ, nhưng lại chẳng thể nào ngăn cho nấm mốc không loang màu hoặc chẳng thể phá hết được những cái màng nhện giăng kín mái, chỉ bởi thiếu hơi người.

Lần đầu chấp nhận để bố làm nhà ra ở riêng đã là khó khăn lớn lắm, bởi mẹ và anh em con đã quá quen với sự hiện diện của bố rồi. Vậy mà đến cả căn nhà riêng ấy cuối cùng cũng không giữ chân bố được. Từng bước một, bố quyết định rời đi. Vào một chiều thu, bất chấp những nỗ lực của không chỉ gia đình mình mà cả sự hàn gắn, khuyên can của anh em xóm giềng bè bạn, con vẫn phải nhận tin từ mẹ về cái kết của việc bố đã ba lần đơn phương xin ly hôn.

Chấp nhận thực tế ấy thật ngoài sức hình dung, bố ạ! Con đã thật nhiều lần muốn hỏi: Là bố đã sắp xếp, chuẩn bị mọi thứ cho cái kết này từ rất lâu, phải không bốVà có lẽ suốt những tháng năm ngay khi trong ngôi nhà nhỏ của chúng ta còn đầy ắp tiếng cười, bố vẫn đau đáu trong lòng về chuyện sẽ rời đi.

“Cóc chết ba năm quay đầu về núi! Tao đã cống hiến gần hết cuộc đời cho cái nhà này, cho cả họ nhà ngoại rồi, ở rể như thế còn chưa được gọi là rể đời hay sao?”

Rể đời là gì hả bố? Có phải đâu người ta cột chặt cuộc đời mình chỉ bằng cái danh phận “dâu”, “rể”? Gắn bó quá nửa đời người ở một vùng đất mà cuối cùng vẫn không thể trở thành quê hương được hay sao? Nhất là khi trên vùng đất ấy, các dì của con, xóm giềng hàng họ, ai ai cũng đều xem bố như người thân ruột thịt trong nhà, nhất mực yêu thương tôn trọng bố và chưa một lần ép uổng bố phải làm lễ cấp sắc như lệ thường phải làm đối với một người con dân tộc Dao thực thụ. Tất cả vẫn thuận theo ý bố, dù đi ngược lại với truyền thống của họ tộc truyền đời.

Hồi đó, như lời các ông bà hàng xóm vẫn kể, bố nhận lời chấp thuận ở rể đời bởi hoàn cảnh gia đình nhà ngoại thật éo le. Cũng chẳng thiếu những kẻ tỏ thái độ xem thường, khi dễ vì đố kỵ, bố đã gạt bỏ hết đi để cùng mẹ chăm lo vun vén cho gia đình nhỏ. Trải bao ngọt bùi đắng cay như thế, vậy mà cuối cùng tất cả vẫn không thắng được chấp niệm. Chúng con không thể hoàn toàn trách bố. Có những chuyện, chỉ khi già đi người ta mới thấu hết được, nhất là chuyện cội nguồn, gốc rễ. Có lẽ thế. Chỉ là, chúng con được lớn lên từ cái nôi hạnh phúc, nhưng cho đến phút chót nó lại chẳng ra được quả ngọt, hương thơm như mọi người vẫn tưởng. Thế nên nỗi hẫng hụt trào dâng trong lòng ba anh em con, chưa kể sự đau khổ, bất lực của mẹ.

Chúng con nhớ bố! Khoảng cách địa lý bây giờ hiển hiện, ngăn trở sự quan tâm, chăm chút lẫn nhau. Trong những giấc mơ chập chờn, con vẫn thường gặp lại mình bé nhỏ, cùng anh chị rúc nách bố, tranh nhau gác bố để vừa được bố phe phẩy quạt cọ, vừa được nghe kể chuyện hồi bố đi chiến đấu trên chiến trường biên giới mạn Yên Bái, Lào Cai. Những vụ cứu nguy cho đồng đội, dìu chiến hữu bị thương thoát hiểm đường hào và cả những vụ thoát chết do pháo xịt... Tất cả đã dựng nên một bức tượng đài lừng lững mang tên bố trong lòng chúng con.

Đã thế, mẹ khô khan bao nhiêu thì bố tâm lý bù phần mẹ bấy nhiêu. Làm gì có người bố nào tuyệt vời hơn thế? Còn nhớ, đến cả chiếc quần nhỏ đầu tiên khi con vào lớp ba, cũng là bố trực tiếp chở con bằng chiếc xe kích Simson ra tận chợ huyện để chọn. Thích thú bởi hình thù con thiên nga được vẽ xinh xắn, con ngây ngô giơ lên hỏi bố có được mua nhiều cái không, rồi tít mắt sung sướng khi bố hào phóng cho nhặt đủ năm màu, sau đó lại nũng nịu đòi bố dắt đi ăn chè thập cẩm trong ánh mắt xuýt xoa ngưỡng mộ của các bác bán hàng xóm chợ.

Mẹ chăm chỉ ruộng nương, âm thầm tạo mọi điều kiện cho bố công tác. Rồi bao nhiêu đồng lương, thu nhập từ ruộng vườn bố mẹ dành cả cho chúng con ăn học đầy đủ. Những mong mọi thứ cứ êm đẹp như thế trôi đi, để khi tự lập chúng con có cơ hội báo đáp. Thế nhưng giờ đây, mỗi khi về quê, con lại đành phải đưa ra lựa chọn: Lần này về thăm mẹ hay về thăm bố? Bởi hai nhà nội ngoại cách quá xa nhau. Thế rồi lần nào về thăm mẹ, dù bố đã bỏ đi biết bao năm, nhưng lần trở về nào con cũng lần tìm về căn nhà gỗ ấy như một thói quen không bỏ được. Thà như trước đây, khi bố ở một mình trong căn nhà ấy, ngay cả khi chúng con phải bấm bụng tủi buồn vì những bữa cơm chia nửa ở nhà trên nhà dưới, nhưng chúng con còn vớt vát được chút bình yên an ủi trong lòng.

Đành rằng, vợ chồng có thể quay lưng với nhau vì cạn tình, hết nợ, chứ con cái nào bỏ được mẹ cha! Chúng con vẫn cố gắng vuông tròn. Nhưng làm sao mà vẹn toàn được hả bố? Ngăn kéo tủ nhà con sắp không đủ chỗ chứa cho những bức thư và cuốn sổ nhật ký nữa rồi.

Thi thoảng, trong những cuộc nhắn tin trò chuyện, con vẫn thường khuyên nhủ bố về, ở một mình cũng được, nhưng gần gũi với anh chị em con. Mẹ cũng đôi lần ướm nhờ họ hàng bên nội khuyên bảo bố về căn nhà gỗ ấy để làm chỗ dựa cho con, cho cháu. Thế và, bố biết không, ngôi nhà nhỏ nơi góc vườn qua bao vụ ngô, lứa cá, vẫn chỉ cài then, không bấm ổ, đợi bố quay trở về!

Theo giadinhonline.vn