Cách đây 10 năm, chị Lê Thị Thu Nguyệt (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) vừa về hưu thì chồng bị tai biến. May nhờ phát hiện sớm, kiên trì tập luyện, thuốc thang, chồng chị có thể đi nạng, cũng có khi đi xe lăn; dù vậy, mọi sinh hoạt vẫn nhờ vào vợ.
Chị theo nghề giáo từ cuối thập niên 1970, vừa đi dạy vừa làm thêm để tăng thu nhập. Theo chị, dù khó khăn, việc dạy học vẫn phải đảm bảo chất lượng, thế là chị nghỉ làm thêm. Ngôi trường đầu tiên chị đi dạy nằm bên kia sông Vu Gia, phải đi ghe qua. Trên ghe chẳng ai có áo phao, giờ nghĩ lại, chị thấy thật nguy hiểm.
Có thời gian, cánh tay phải của chị bị đau, không cầm phấn được, tưởng chừng phải giã từ nghiệp phấn trắng bảng đen giữa đường. Đời dạy học của chị tuy vất vả nhưng cũng có nhiều kỷ niệm đẹp. Chị nhớ như in những bài làm văn của bao thế hệ học sinh tiểu học. Giọng điệu trẻ con nghĩ gì viết nấy, trong vắt, đọc tới đâu cười vui tới đó. Bao nhiêu bài làm văn của học sinh mà chị ấn tượng là bấy nhiêu bài mấy chị em trong nhà chị đều biết, vì chị thường kể lại.
|
Nhóm chat chị em luôn chờ bài viết của chị Thu Nguyệt |
Chị từng dạy 3 thế hệ trong một gia đình. Đi đâu cũng gặp học trò cũ. Nhiều người cám cảnh chuyện chị Nguyệt chưa được đi đây đi đó để bù lại những năm tháng vất vả thì lại “ôm” ông chồng tai biến. Chị tuyệt đối không nghĩ vậy. Sau này, ngành giáo dục phát triển hơn, con cái lớn, kinh tế gia đình ổn định nên hè nào chị cũng đi chơi; khi thì đi với trường, khi thì đi với gia đình, nên chị cũng không mặn mà chuyện về hưu là phải đi đây đi đó.
Về hưu, hạnh phúc nhất của chị là lúc chị em trong nhà lập nhóm “chat”. Đây là kênh liên lạc “đỉnh” nhất, vì cùng lúc cả hội được “tám” chuyện miễn phí với nhau. Buồn vui gì cũng có thể “nhảy” vô nhóm tâm tình hoặc chỉ cần đem chuyện ngày xửa ngày xưa ra kể là y như rằng… gãi đúng chỗ ngứa của những người ưa “khai quật” ký ức.
Về hưu, trở thành tỉ phú thời gian, nhiều người dự định làm biết bao công việc ấp ủ trước đó. Chị Nguyệt sống rất giản dị, về hưu hay không vẫn vậy, chẳng khác nhau là bao. Về hưu, chị vẫn là nội trợ, có phần rảnh rang hơn trước vì các con đã lập gia đình, chỉ khác là chồng chị đau ốm nên phải để mắt anh. Chị thấy mình còn may mắn vì anh chồng chỉ yếu đôi chân, dù thỉnh thoảng vào viện nhưng anh vẫn minh mẫn, có thể chuyện trò rôm rả, kể chuyện tiếu lâm.
Càng có tuổi, càng thấy giá trị của gia đình, của máu mủ, ruột rà. Mối quan hệ này khiến chị thấy hạnh phúc nhất, nên bao nhiêu tâm tình, chị không ngại giãi bày. Nhờ có nhóm “chat”, chị em trong nhà mới biết chị là… “nhà văn”. Kể chuyện gì, nhận xét điều gì, chị thường viết cặn kẽ, giọng văn dễ cảm, đôi khi pha chút hài hước, nên khi chị Nguyệt soạn tin, ai cũng háo hức chờ đợi.
Không biết có phải về hưu nhiều thời gian nên chị siêng kể, siêng viết và dù soạn tin trong điện thoại nhưng lúc nào chị cũng viết khá dài. “Nhà văn là thế, họ viết để giãi bày” - chị em trong nhà vẫn hay trêu chị vậy.
Về hưu, năm nào chị cũng được nhà trường mời tới dự lễ 20/11, càng hạnh phúc hơn khi thỉnh thoảng có học trò cũ tới nhà thăm hỏi. Nhìn tủ áo dài đủ màu sắc, hoa văn, hẳn chị thương những chiếc áo dài đã đồng hành cùng chị mấy mươi năm trong nghề và hạnh phúc với sự lựa chọn của mình. Dù đã… giải nghệ, chị Nguyệt vẫn luôn nhớ về những năm tháng đi dạy vất vả mà vui.
Theo phụ nữ TPHCM