Con trở về nhà. Mục đích chỉ để nhìn thấy bố một lát. Về để nhìn thấy dáng bố ngồi bên bàn uống nước, nói một vài câu chuyện vu vơ về làng xóm rồi đi. Nhẹ nhõm. Bình an.
Kể từ sau ngày mẹ đi xa, con vẫn hay giật mình khi chuông điện thoại đổ. Chỉ sợ bố ở nhà, chỉ sợ bố có chuyện gì đó. Bởi bố đã mổ tim, thay động mạch vành cách đây bảy năm. Và cũng vì lo lắng không có ai quan tâm đến bố như mẹ.
Như bao ông bố khác, bố trầm tính, kiệm lời. Nhưng có con gái về là bố nói nhiều hơn, niềm vui lấp lánh trong mắt mặc dù chỉ ba mươi phút sau bố đã giục con đi đi. Bố thương con gái nhiều việc, thương đi lại vất vả …
Con nhớ mẹ vẫn hay kể về bố lúc con còn nhỏ. Ngày đó bố thường phải làm ca đêm, nhà máy phát đồ ăn cho công nhân, bố luôn cất mang về cho con một ít. Những năm ấy, nhà ai cũng thiếu đủ thứ, cơm độn mì hạt, khoai sắn; thậm chí lá rau khoai lang cũng phải hái lá già ăn trước, lá non để dành. Nhớ lại cứ thấy bồi hồi, không biết lúc ấy bố có đói không nhỉ? Còn con, bây giờ lỡ mà phải làm việc khuya chút là phải kiếm cái gì đó lót dạ mới ngủ được. Vài tuần một lần, gọi điện cho em dâu, con thường nhắc em nấu đồ ăn theo ý bố. Nhưng bây giờ bố đâu có ăn được nhiều như trước nữa. Có khi còn phải nấu thật mềm bố mới ăn được.
Ngày …
Buổi tối, mở máy tính, chợt nhớ hôm nay là ngày của mẹ. Mẹ đã đi xa rồi. Chỉ còn lại mình bố với bao thương nhớ khôn nguôi. Con thương mẹ và cảm phục bố. Mọi người thường hay nói mẹ là người dám nghĩ dám làm, buôn thúng bán mẹt, chăn nuôi gà vịt đầy sân để ba đứa con ăn học, lo công việc ổn định cho các con. Nhưng con biết nếu đằng sau mẹ không có bố thì mẹ đã không đủ kiên cường để vượt qua những năm tháng ấy.
Bố không nói nhiều, không bàn lùi trước những dự định của mẹ mà im lặng hỗ trợ, chung tay cùng mẹ. Từng ấy thời gian, con gần như không gặp người đàn ông nào ủng hộ vợ mình vô điều kiện như bố. Điều ấy là mơ ước của con lúc này - có một người sẵn sàng cùng con đi qua bão giông cuộc đời.
Gọi điện cho bố, tiếng chuông đổ dài trong máy vọng lại. Trời đã bắt đầu nóng lên rồi, không biết trái tim của bố có chịu được không? Những ngày này, nhà rất vắng. Mọi người đi làm, đi học hết, bố chỉ có một mình. Những công việc vặt vãnh, bố tranh thủ làm hết cho con cháu: phơi quần áo trong máy giặt, cho gà ăn, … Rồi đi trong xóm uống nước chè, chơi cùng các ông bà. Con phải nhắc bố, trời nóng đừng ra ngoài nhiều, gió Lào lên là bố về ngay nhé! Chỉ nói có vậy thôi mà tim con cũng nhói lên, tuổi già đã khắc sâu lên sức khỏe của bố rồi!
Hồi trước, khi các con của con còn nhỏ, thỉnh thoảng bố lên chơi vài ngày. Đi dạy về con ngạc nhiên thấy quần áo đã giặt phơi lên dây cả rồi, nhà cửa, bát đũa ăn buổi sáng cũng được rửa sạch hết. Con hỏi: "Răng bố không để con về làm? Bố làm chi cho mệt. Trong thâm tâm con cũng ngại, bố lên chơi phải làm hết việc".
Bố nói: "Bố làm để cho chồng con thấy, đàn ông cũng phải phụ giúp việc nhà, cho con đỡ ra tí!". Con phải quay đi để giấu sự xúc động. Có khi nào con nghĩ bố để tâm đến chuyện đó đâu. Cảm giác được che chở như ngày còn nhỏ.
Ngày …
Rát bỏng vì nắng và gió tháng sáu. Cái khắc nghiệt của thời tiết xứ Nghệ khiến người ta chỉ muốn trốn kĩ trong nhà. Giếng cạn, máy bơm kêu rì rì mà cũng chỉ được một thùng nước. Con lại nhớ nhà. Ở nhà bố mẹ chưa bao giờ thiếu nước; mùa mưa nước lên đến tận mặt giếng, chỉ cần dùng gáo là múc được. Cũng tại nhà ta ở gần sông Hiếu - dòng sông gắn với tuổi thơ và những năm tháng học trò tươi đẹp của con. Lúc ấy, bố thường đưa con và các em ra sông khi trực nước cho nhà máy vào dịp tết. Kí ức của con về ngày đó không còn rõ ràng lắm đâu bố. Nhưng con nhớ, bốn bố con ta tranh thủ rửa lá dong, giặt quần áo, chơi đùa cùng nhau bên hai cái bể lớn trong khi chờ nước đầy.
Ngày tết, rét lắm nhưng nước sông thì ấm. Ấm đến độ chỉ muốn để chân mãi ở đó. Bố kì cọ chân cho ba chị em. Vừa làm bố vừa nói với con: Mùa ni phải giữ cho chân sạch và ấm, nếu không sẽ bị nứt toác ra, chảy máu đau lắm, nhất là con gái! Muốn khỏe đẹp thì bàn chân cũng phải khỏe, phải đẹp nữa đó. Câu nói ấy đã theo con đến tận bây giờ. Mỗi mùa đông đến, con lại nhớ đến câu nói ấy, chú ý giữ gìn cho đôi chân của mình và các con hơn. Cũng từ ngày đó con biết để ý đến mình hơn chút, biết giữ cho mình sạch sẽ hơn khi chơi đùa cùng bạn bè. Bởi con sợ chỗ nào mà bẩn thì người sẽ không khỏe, đẹp nữa.
Ngày …
Hôm nay con gái con báo tin vui, cháu nhận được học bổng cho một học kì xuất sắc. Con gọi điện kể cho bố nghe mà rưng rưng. Qua máy điện thoại, con vẫn cảm nhận được niềm vui của bố. Đứa cháu đầu tiên của bố bước đầu đã làm cho chúng ta yên tâm khi rời xa gia đình rồi đúng không ạ? Đứa trẻ này cũng làm cho ông tốn nhiều gà và lợn lắm rồi đấy! Khi con sinh cháu được hai tháng, bố mẹ đã đón con về nhà chăm sóc. Con về với bố mẹ, không hề phải lo lắng và suy nghĩ gì. Con nhớ, gần như bố đảm nhận việc quạt than, nấu nước cho con tắm. Rồi lại cùng mẹ giặt giũ, chơi với cháu để con ngủ ngon giấc. Giữa nắng tháng năm, tháng sáu, bố vẫn đi lên đồi tìm lá thuốc về cho kịp nấu buổi chiều.
Ngày đó, các bác, các chú trong làng đến mua hàng hay đến chơi đều nói không có ai như bố; làm hết mọi thứ cho con gái mà không nề hà gì. Lúc ấy con thấy bình thường nhưng bây giờ nghĩ đến con thương trào nước mắt. Sau này, con gái con ở với ông bà nhiều hơn, đến tận lớp 2 con mới mang cháu về. Chỉ vì chồng con đi học xa, con thì sắp sinh cháu thứ hai. Bố mẹ một lần nữa lại vất vả vì thương con thương cháu.
Khi viết những dòng chữ này, con thầm ước nguyện: bố mãi mạnh khỏe. Để mỗi lần con nhớ nhà, trở về có bố đợi bên cửa, cùng bố kể đủ thứ chuyện, cùng bố đi ăn sáng bên ngoài ngõ xóm, cùng bố cà kê với các bác trong sân nhà. Để bố lại chọc me, hái bưởi cho con mỗi độ xuân về. Và nghe tiếng bố cười trong điện thoại khi con báo công của từng đứa cháu, để mãi là nơi chốn bình yên trong những khát khao con.
Theo giadinhonline.vn