Năm 1990, khi vừa tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Hawaii, ông John Morgan sớm nhận ra các khó khăn y tế mà cộng đồng ngư dân nghèo ở vùng Tonlé Sap, hay Biển Hồ, gặp phải. Họ sống ở các nhà chòi hoặc thuyền, cách đất liền hàng giờ di chuyển và không đủ điều kiện tiếp cận với dịch vụ y tế cơ bản nhất.

“Chúa ơi, đây là cơn ác mộng. Phải có ai làm điều gì đó”, ông Morgan kể lại ấn tượng cách đây khi chứng kiến cuộc sống làng nổi. 

Bác sĩ Morgan nảy ra ý tưởng về Phòng khám Nổi, hiện thực hóa nó vào năm 2007. Phạm vi của mô hình được mở rộng kể từ đó đến nay, chữa bệnh cho hơn 240.000 người. 

Biển Hồ cũng là nơi có nhiều người gốc Việt sinh sống. 
Phòng khám nổi Peam Bang nằm trên một bè phao neo vào lòng hồ. Mùa mưa, mực nước khu vực này dâng cao khoảng 8 m. 

Đội ngũ ở Peam Bang gồm 5 bác sĩ, hai y tá, 4 hộ sinh, một nha sĩ và một nhân viên cứu hộ. Họ thường chia thành hai nhóm, thực hiện các chuyến đi kéo dài ba ngày, khám chữa bệnh và giáo dục về sức khỏe miễn phí cho “những người bị bỏ lại phía sau”, tại một trong những quốc gia có thu nhập thấp nhất châu Á. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 đầu người tại nước này là 1,7.

 

Một phụ nữ tiếp tục công việc với mẻ cá mới đánh bắt, trong khi chờ đợi được khám bệnh. 

Tiền viện phí cao, các trạm xá xa khu vực sinh sống, ngay cả những căn bệnh có thể phòng ngừa, điều trị được cũng dễ dàng hủy hoại sức khỏe hoặc cướp đi mạng sống của họ. 

 

Một người phụ nữ cho con nhỏ đến phòng khám nổi Peam Bang. Đàn ông trong độ tuổi lao động luôn bận rộn với việc đánh cá, họ chỉ tới khám khi bị bệnh nặng hoặc thương tích. 

"Họ sống qua ngày. Thứ đánh bắt được là tất cả những gì họ có", Hun Thourida, một bác sĩ của phòng khám, cho biết. 

 

Bác sĩ Thourida đang dỡ đồ trên thuyền. Cô làm việc tại bệnh viện nổi từ năm 2012. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y St Petersburg II Mechnikov, Nga, cô lập tức lựa chọn trở về quê hương để giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội. Thourida thành thạo tiếng Khmer, tiếng Anh và tiếng Nga. 

 

Bác sĩ Thourida thăm bệnh tại nhà cho một người phụ nữ không thể đến phòng khám. Bệnh nhân 28 tuổi, mắc lao cột sống, có thể dẫn đến liệt. Cô sống với một con nhỏ, người chị cũng bị lao và mẹ già mắc chứng Parkinson.

Trước đó, cha bệnh nhân đã qua đời do hoại tử chân. Trụ cột duy nhất của gia đình giờ đây là người anh rể. Chồng cô bỏ đi sau khi phát hiện vợ mình mắc bệnh. 

 

Y tá Suon Piseth kiểm tra huyết áp của một bệnh nhân. Anh đã làm việc tại đây được 7 năm. 

 

Cứ 6 tháng một lần, nhân viên y tế tại phòng khám nổi Peam Bang đo cân nặng của trẻ nhỏ trong vùng, lưu lại dữ liệu tăng trưởng của các em. Họ kết luận 59% trẻ sinh sống tại khu vực Tonlé Sap bị suy dinh dưỡng, cao hơn so với mức trung bình cả nước (39%). Lý do là bởi chế độ ăn nhiều gạo, ớt và muối, thiếu protein, chất béo và dinh dưỡng.

"Hai phần ba trẻ sống trên hồ có biểu hiện còi cọc. Đối với gia đình các em, cá là để bán chứ không phải để ăn", ông Morgan nói. 

 

Bà đỡ đẻ Ky Kolyan (trái), Chan Soda (giữa), Chhuom Sary và các thành viên trong nhóm y tế rời khỏi trụ sở chính ở Kampong Khleang, tiến đến phòng khám nổi Peam Bang. Chuyến đi kéo dài hơn 4 tiếng.

 

Ky Kolyan giải thích cho trẻ em về mối nguy hiểm của việc uống nước hồ. Nhân viên y tế khuyến khích các bậc cha mẹ sử dụng bộ lọc nước biosand.

"Chúng tôi phải nói với chúng rằng: nước hồ trông có vẻ sạch, nhưng các con đã đại tiểu tiện ra đó, vì vậy không nên uống", cô kể lại. 

 

Một phụ nữ chèo thuyền chở các con ra về sau khi gặp bác sĩ. Dù nhiều hộ gia đình đánh cá sở hữu thuyền có động cơ, nhưng đối với những người sống xa đất liền, việc đi lại có thể tốn tới 200.000 reil (hơn một triệu đồng). 

Theo vnexpress