|
Chiếc lồng đèn bằng tre đính thêm chú thỏ con là mẫu mới trong năm nay (ảnh: Thùy Gương) |
Đi ngang dãy phố bán lồng đèn Trung thu, tôi chợt bắt gặp chiếc lồng đèn đan bằng tre. Chiếc đèn thô mộc ấy dường như gõ trúng cánh cửa ký ức của tuổi thơ tôi.
Anh chủ tiệm nói mẫu đèn này mới nhất mùa Trung thu năm nay, bán rất chạy. Tôi nghĩ người làm ra chiếc đèn ấy có thể thuộc thế hệ 8X, 9X… từng được ông bà cha mẹ tự tay vót nan tre, tỉ mỉ đan cho con cháu chiếc lồng đèn để vui tết Trung thu. Nâng niu chiếc đèn trên tay, tôi có cảm giác đã đặt chân lên chuyến tàu quay ngược về tuổi thơ…
Năm nào vào dịp tết Trung thu ba tôi cũng vót tre làm lồng đèn. Có năm ba làm lồng đèn hình con cá, năm thì lồng đèn con bướm, chiếc thuyền… Thời đó chẳng có giấy màu xanh đỏ như bây giờ, hoặc có thể nhà nghèo quá nên ba tôi tự chế ra kiểu đèn… không giống ai.
Ba dùng ni-lon để dán đèn, các góc được trang trí bằng giấy tập cắt thành tua để chiếc đèn xinh hơn. Vừa làm ba vừa dạy tôi cách chẻ tre sao cho không bị gãy, vót nan sao cho không bị đứt tay, dán ni-lon sao cho thật phẳng…
Má tôi mất sớm, để lại cho ba đàn con 6 đứa đang tuổi ăn tuổi lớn. Những vết thương từ lúc chiến tranh và cuộc mưu sinh vất vả đã vắt kiệt sức ba. Giữa những tất bật và nhọc nhằn, ba vẫn dành một buổi để thong dong vót nan làm đồ chơi cho tôi, để tuổi thơ tôi được tròn đầy…
Rất nhiều năm sau này, tôi không nhớ đã vui tết Trung thu cùng đám bạn trong xóm ra sao, chỉ nhớ mỗi ký ức chộn rộn ngồi cạnh ba xem ba làm lồng đèn. Có lẽ đó là giây phút êm đềm, đẹp đẽ nhất của cha con tôi.
Lớn khôn rồi tôi mới biết, ba luôn choàng về phía chị em tôi tấm chăn ấm áp nhất có thể. Ba cố bù đắp cho mấy chị em tình thương cả phần của má.
|
Những chiếc lồng đèn xanh đỏ tràn ngập phố xá vào mùa trung thu, khiến trẻ con chộn rộn (ảnh Thùy Gương) |
Anh bạn tôi hay kể về những chiếc lồng đèn cha anh làm. Anh còn nhớ, năm đó ba anh bị vết thương khá sâu ở tay do lưỡi hái cắt trúng lúc làm đồng. Ba anh nén cơn đau, chẻ mấy lóng tre để làm lồng đèn cho anh.
Cậu bé ngồi cạnh ba, háo hức chờ thành phẩm ra đời mà không biết ba đang rất đau. Má anh đi chợ về, bà xuýt xoa: “Trời, ông đau tay mà còn cố!”. Ba anh cười hiền: “Tết con nít mà, không có đèn con sẽ buồn”.
Chiếc đèn sau cùng đó của ba, anh vẫn treo bên hiên nhà. Ngày ba anh đi xa, nhìn chiếc đèn, anh lặng lẽ chảy nước mắt. Kể với con trai về chiếc đèn ông nội làm, anh gọi đó là chiếc đèn được thắp sáng bằng yêu thương.
Bây giờ mỗi mùa tết Trung thu, anh đều nhờ người thân ở quê gửi lên mấy khúc tre để làm lồng đèn handmade cho con. Anh mua giấy kiếng và các họa tiết trang trí. Ngày nghỉ, anh bày biện chúng ra sàn. Con trai anh lăng xăng bên cạnh. Thằng bé thích thú nâng lên đặt xuống mớ giấy màu xanh đỏ, líu lo hỏi cái này để làm gì, cái kia dán ở đâu, làm sao để con cá dẹp lép này có thể tròn căng lên thành con cá bụng bự?…
Anh kiên nhẫn giải thích mọi câu hỏi của con. Bởi anh biết muốn kết nối, muốn làm bạn với con là phải cùng học, cùng chơi. Đó cũng là cách anh cho con ký ức êm đềm, để ngày sau khôn lớn, con sẽ ngọt ngào yêu thương khi nhớ về tuổi thơ.
Vào mùa vui tết Trung thu, những ông bố bà mẹ thắp lên chiếc đèn cho con, hẳn cũng mong ước thắp lên trong con ngọn lửa yêu thương, để làm hành trang khôn lớn. Ánh sáng lấp lánh ấy rồi sẽ sáng mãi trong ký ức con trẻ cho đến ngày trưởng thành.
Theo phụ nữ TPHCM