Các nhà khoa học dự đoán đến năm 2050 sẽ có khoảng 153 triệu người trên thế giới mắc chứng mất trí nhớ. Nhóm bệnh thần kinh này thường ảnh hưởng nhất đến người cao tuổi, có thể gây mất trí nhớ, lú lẫn, trầm cảm, thờ ơ và thay đổi tâm trạng. Các phương pháp điều trị chứng sa sút trí tuệ phổ biến bao gồm giao tiếp xã hội, tập thể dục, duy trì tinh thần năng động và bổ sung vitamin D từ ánh nắng mặt trời.


leftcenterrightdel
 Một cặp vợ chồng lớn tuổi thư giãn trên băng ghế khi đi du lịch. Theo một nghiên cứu, các học giả từ Úc và Trung Quốc khẳng định du lịch có thể giúp ích cho những người mắc chứng mất trí nhớ - Nguồn ảnh: Getty Images

Sau một nghiên cứu gần đây ở Trung Quốc, các học giả từ Úc và Trung Quốc khẳng định du lịch có thể hỗ trợ những người mắc chứng mất trí nhớ bằng cách mang lại sự kích thích nhận thức và giác quan từ hình ảnh, mùi, vị và các cuộc gặp gỡ xã hội.

Theo những chuyên gia chăm sóc người cao tuổi, hầu hết các địa điểm du lịch đều phớt lờ nhu cầu của du khách mắc chứng sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, điều đó đang dần thay đổi ở Úc, Canada, Vương quốc Anh và Mỹ, nơi các hướng dẫn du lịch thân thiện với căn bệnh này và khách du lịch sa sút trí tuệ có thể tận hưởng các điểm tham quan, hoạt động trải nghiệm được thiết kế dành riêng cho họ, từ quán cà phê đến các con đường cảm giác và hội thảo nghệ thuật.

Du lịch mang lại sự hỗ trợ đầy hứa hẹn

Ký ức của Scott Cooper (66 tuổi, sống ở Úc) dần dần bị mất đi theo thời gian. Bất chấp chứng sa sút trí tuệ, người đàn ông này vẫn đi du lịch khắp thế giới. Ông và vợ - bà Jill - vẫn đến thăm con gái ở Canada 2 lần mỗi năm và thường xuyên lên đường khám phá nước Úc. Quê hương của ông là một trong số ít điểm đến bắt đầu phục vụ khách du lịch mắc chứng sa sút trí tuệ, ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi.

Cooper cho biết du lịch mang lại cho ông cơ hội tiếp tục tận hưởng cuộc sống. “Du lịch đôi khi có thể gây căng thẳng nhưng cũng mang lại sự kích thích bằng cách tận hưởng những trải nghiệm mới. Việc này tiêu tốn rất nhiều năng lượng nên giúp tôi năng động cả về tinh thần lẫn thể chất” - ông chia sẻ.

Warren Harding - giáo sư về chăm sóc chứng mất trí nhớ tại Đại học Macquarie ở Úc - cho biết, du lịch cũng có thể giúp những người mắc các bệnh này phát triển sự tự tin, khơi dậy ký ức và xây dựng tính độc lập. “Du lịch mang lại sự hỗ trợ đầy hứa hẹn cho các biện pháp can thiệp không dùng thuốc. Đây không phải là một phương pháp điều trị nhưng có thể mang lại những lợi ích đáng kể về mặt cảm xúc và xã hội” - ông nhấn mạnh.

Con đường cảm giác thân thiện với chứng mất trí nhớ đầu tiên của Úc có những nơi yên tĩnh để suy ngẫm, gợi lên những ký ức, cảm xúc và cảm giác tích cực - Nguồn ảnh: Thomson Hay Landscape Architects

Harding kể về việc từng thực hiện nhiều chuyến đi cùng với mẹ ông khi bà mắc chứng mất trí nhớ. Ông đã cẩn thận lên kế hoạch cho chuyến đi, vì vậy có thể giảm bớt căng thẳng và lo lắng cho mẹ. Ông lên lịch đi chơi vào khoảng thời gian mẹ ông tỉnh táo nhất trong ngày; giữ thời gian ăn, ngủ và dùng thuốc giống với thói quen ở nhà của bà; đảm bảo rằng bà luôn mang theo giấy tờ tùy thân và thông tin chi tiết về chỗ ở của họ trong trường hợp họ bị thất lạc. “Sau đó, chúng tôi có thể chia sẻ những bức ảnh và câu chuyện về chuyến đi nhằm hỗ trợ việc hồi tưởng” - Harding nói.

Những địa điểm thân thiện

Ở Tây Úc, hơn 20 địa điểm tổ chức sự kiện “quán cà phê ký ức”, nơi những người mắc chứng sa sút trí tuệ giao lưu bên bữa trà sáng. Tại Sydney, Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Úc tổ chức các lớp học trong đó những nhà giáo dục thảo luận về ý nghĩa của các tác phẩm nghệ thuật cụ thể với những người tham gia, sau đó cung cấp tài liệu để học viên tạo ra các tác phẩm của riêng mình tại nhà.

Con đường cảm giác thân thiện với chứng mất trí nhớ đầu tiên của Úc được mở vào năm 2021 tại công viên vùng Woowookarung, gần Melbourne. Len lỏi qua khu rừng xanh tươi, nơi sinh sống của kangaroo và wallaby, con đường dài gần 1,2km này do chính quyền tiểu bang Victoria thiết kế với sự đóng góp ý kiến từ những người mắc chứng mất trí nhớ và người chăm sóc họ. Du khách có thể tụ tập để nghe nhạc, chia sẻ những câu chuyện cũng như ấn tượng về cảnh quan nơi đây.

Maree McCabe - Giám đốc điều hành của Dementia Australia, tổ chức trợ giúp những người mắc chứng sa sút trí tuệ ở Úc - cho biết con đường này có thể gợi lên những ký ức, cảm xúc và cảm giác tích cực. “Dự án nhằm mang lại một không gian an toàn cho những người mắc chứng mất trí nhớ, cũng như vạch ra kế hoạch chi tiết về cách các cộng đồng khác có thể thiết lập những con đường tương tự” - Maree thông tin.

Tại Vương quốc Anh, cẩm nang Hướng dẫn du lịch thân thiện với người sa sút trí tuệ dài 30 trang được xuất bản bởi các cơ quan chính phủ Visit England và Visit Scotland. Cẩm nang này giới thiệu các doanh nghiệp du lịch có dịch vụ dành cho khách hàng mắc chứng sa sút trí tuệ, chẳng hạn như cung cấp nhà vệ sinh dễ tiếp cận, biển báo rõ ràng, giảm giá cho người chăm sóc và danh mục các điểm tham quan phù hợp ở địa phương.

“Đi bộ tưởng nhớ” là chuyến tham quan có hướng dẫn thân thiện với người sa sút trí tuệ tại Bảo tàng quốc gia Anh Liverpool, nơi kết nối mọi người thông qua các cuộc trò chuyện về quá khứ - Nguồn ảnh: National Museums Liverpool
“Đi bộ tưởng nhớ” là chuyến tham quan có hướng dẫn thân thiện với người sa sút trí tuệ tại Bảo tàng quốc gia Anh Liverpool, nơi kết nối mọi người thông qua các cuộc trò chuyện về quá khứ - Nguồn ảnh: National Museums Liverpool

Các hướng dẫn tương tự được Dementia Australia, Hiệp hội Alzheimer ở Canada và Hiệp hội Alzheimer ở Mỹ xuất bản. Trong khi đó, ngày càng nhiều điểm du lịch ở các quốc gia này cũng theo đuổi xu hướng trên. Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở New York có các nhà giáo dục hướng dẫn du khách mắc chứng sa sút trí tuệ thông qua các bài học đánh giá cao nghệ thuật.

Hơn chục bảo tàng, phòng trưng bày và trung tâm thiên nhiên trên khắp Wisconsin, Minnesota, Michigan, Tennessee và Colorado đã tham gia Spark!  - chương trình văn hóa, cung cấp các buổi hội thảo cho người mắc chứng mất trí nhớ.

Bảo tàng quốc gia Anh Liverpool cũng có các dịch vụ đa dạng dành cho những du khách lớn tuổi, bao gồm các chuyến tham quan “đi bộ tưởng nhớ” có hướng dẫn viên qua các di tích lịch sử của thành phố, các buổi hồi tưởng nhóm và một số hoạt động dành cho trẻ em cùng ông bà. House of Memories (Ngôi nhà ký ức) là một chương trình nâng cao nhận thức về chứng mất trí nhớ do bảo tàng tổ chức, cung cấp đào tạo, tiếp cận các nguồn lực và các hoạt động nhằm giúp người chăm sóc phục vụ tốt hơn cho những người mắc chứng sa sút trí tuệ. 

Khi đi du lịch cùng một thành viên gia đình mắc chứng sa sút trí tuệ, điều quan trọng là người chăm sóc phải nhận ra những thách thức mà người thân có thể gặp phải, như: khó khăn với môi trường mới, thay đổi múi giờ, lịch trình và thói quen mới, sự mệt mỏi… Nhận thức được những thách thức trên có thể giúp người chăm sóc được chuẩn bị tốt hơn.

Theo phụ nữ TPHCM