leftcenterrightdel
Chị Huỳnh Thị Thúy Linh chuẩn bị cho một cuốc xe ôm 

Cất nhà cho người nghèo

Phường Tân Lộc (còn gọi là cù lao Tân Lộc) là địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế, người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Những năm gần đây, giá nông sản rất bấp bênh khiến khó khăn thêm chồng chất. Đặc biệt, có nhiều hộ gặp khó khăn về nhà ở. Trước tình hình trên, năm 2003, ông Trương Văn Kiềm bàn bạc cùng người bạn đời là bà Nguyễn Thị Ớ và các con bắt đầu cuộc hành trình nhân ái bằng việc đi vận động xin cây, lá về gia công để cất nhà cho người nghèo xung quanh.

Ban đầu nhiều người có vẻ hoài nghi, thậm chí còn lời ra tiếng vào trước việc làm “bất thường” của vợ chồng ông Kiềm, nhưng sau đó đã có rất nhiều người đến ủng hộ tiền, quà, ngày công lao động cùng với vợ chồng ông Kiềm để nhiều căn nhà tình thương nối tiếp nhau mọc lên. Vậy là tổ cất nhà nhân đạo (CNNĐ) do ông Kiềm thành lập ra đời với hơn 15 tổ viên. Ông Nguyễn Bá Hùng, thành viên tổ CNNĐ, bộc bạch: “Vợ chồng anh Kiềm tuy nghèo nhưng biết làm chuyện phải, nhất là chị Ớ dù đôi chân đi lại khó khăn do căn bệnh suy giãn tĩnh mạch lâu năm, vậy thì cớ sao mình không tham gia vào tổ để chung tay làm việc nghĩa như họ?”. Ông Kiềm tâm sự: “Cứ mỗi lần chuẩn bị bàn giao nhà mới cho người nghèo thì cả đêm không ngủ được, chỉ mong trời mau sáng để cùng anh em đến nơi. Tâm trạng đó đã theo tôi 17 năm rồi, kể từ lúc bắt đầu cuộc hành trình nhân ái này. Có được kết quả trên cũng có phần động viên của bà xã, bả lo toan chuyện nhà để tôi an tâm làm việc thiện”.

Sau gần 20 năm hoạt động, tổ CNNĐ ở cù lao Tân Lộc đã cất được hơn 350 căn nhà, với tổng trị giá gần 9 tỷ đồng. Không chỉ cất nhà tại địa phương, mà việc làm này còn lan tỏa khắp khu vực ĐBSCL. Nguồn tiền hoàn toàn do các tổ viên tự đóng góp, vận động gia đình, bạn bè, người thân và sự hỗ trợ của các tấm lòng vàng gần xa, trong đó phải kể đến sự đóng góp rất lớn của ông Kiềm, bà Ớ từ nguồn kinh tế làm ruộng, vườn của gia đình. Rất nhiều lần đôi vợ chồng nhân ái này dè sẻn mọi chi tiêu trong gia đình để có tiền mua cây, tôn rồi cưa xẻ làm cột, đòn tay, kèo cất nhà tình thương.

Chạy xe ôm để làm từ thiện

Hơn 6 tháng qua, người qua lại tuyến đường xã Trường Xuân - Trường Xuân A (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) bất ngờ thấy ở ven đường xuất hiện một điểm tặng quần áo rất tươm tất. Nhiều hộ nghèo đã đến đây nhận về những bộ quần áo mà mình ưng ý với niềm vui thật lớn lao. Người thực hiện mô hình nhân ái trên là anh Trần Văn Cường (47 tuổi) và người bạn đời là chị Huỳnh Thị Thúy Linh (45 tuổi). Để có được quần áo miễn phí, chị Linh đã vận động bà con thân tộc, bạn bè, hàng xóm, các thầy cô giáo, học sinh ở các trường học... để điểm hẹn tình thương này hoạt động liên tục. Khi tiếp nhận quần áo từ các tấm lòng vàng, chị Linh đến tận nơi chở về nhà rồi cùng anh Cường và 3 con giặt, ủi sạch sẽ thẳng thớm, sau đó mới mang ra điểm cho quần áo trước nhà. Anh Trần Văn Cường nói vui: “Cả nhà tôi đều làm từ thiện dưới sự “chỉ huy” của vợ tôi. Cực mà vui vì mình đã làm được điều có ích cho đời. Đây còn là cách giáo dục để các con tôi biết tiết kiệm, biết yêu thương người nghèo và luôn chia sẻ những gì mình có được”.

Có một câu chuyện cảm động và đáng trân trọng để kể về chị Linh. Đến nay, chị đã có trên 15 năm là nữ tài xế xe ôm, hành nghề trên khắp các nẻo đường ở TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… Chị Linh kể: “Tiền từ việc chạy xe, tôi đem về bỏ ống heo, khi cần thiết sẽ đập ống lấy tiền hỗ trợ người nghèo, bệnh nhân khó khăn không có kinh phí điều trị, đóng góp xây dựng cầu đường nông thôn, nhà tình thương…”.

Nhiều người dân địa phương nhắc về anh Cường, chị Linh “xe ôm” với sự trân trọng, bởi rất nhiều lần chị đã đưa bệnh nhân bị ốm đau đột xuất trong đêm đến bệnh viện, nhờ vậy nhiều trường hợp đã được cứu sống kịp thời. Nhiều trường hợp lỡ đường về quê, chị Linh sẵn sàng đưa về tận nhà miễn phí. Chưa dừng lại ở đó, anh Cường còn tự nguyện cung cấp nước đá, cà phê, bánh ngọt cho công nhân, người dân đang tham gia thi công những công trình dân sinh tại địa phương cho đến khi công trình hoàn thành. Ngoài ra, mỗi tháng đều đặn 4 ngày (14, rằm, 30, mùng 1 tính theo âm lịch), vợ chồng anh tổ chức tặng cơm, bún chay miễn phí cho người đi đường lẫn bà con xung quanh (mỗi ngày tặng khoảng 300 suất).

Chị Linh tâm sự: “Tôi đang chuẩn bị khai trương quán cơm chay 0 đồng để giúp bà con nghèo vơi đi gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền. Sẽ vất vả thêm, nhưng thấy người ta bớt khổ là mình vui lắm. Hy vọng có nhiều tấm lòng vàng đến chia sẻ cùng chúng tôi”.

Theo SGGP