Với những người yêu mảnh đất phương Nam này, dẫu có bao nhiêu sách vở, tư liệu đã viết về con người, nét văn hóa, kiến trúc, ẩm thực, đời sống… vẫn không thể khái quát hết những điều bí ẩn vừa giản đơn gần gũi vừa hào hoa phong nhã vô ngần.
Lê la cà phê, ngõ hẻm Sài Gòn nói như nhà thơ Nguyễn Phong Việt - là một quyển sách mang đủ “những mùi vị của Sài Gòn”. Thế nhưng nó không chỉ là mùi thơm của ly cà phê vợt Ba Lù trăm năm tuổi ở hẻm chợ Phùng Hưng hay dĩa cơm tấm đậm vị Trần Quý Cáp hoặc “tô xe lửa” ở tiệm phở Tàu Bay mà còn ôm ấp trong mình những mùi thương, mùi nhớ. Như mùi trà tuyệt hảo của tiệm trà Ô Tồng Ký (chợ Bến Thành) giờ đã lùi xa khi hậu duệ đời cuối cùng của tiệm trà vừa mất; mùi thơm của giống trà Bát Tiên để làm ra loại trà danh tiếng Mật Lan Hương, Dịch Mỵ Hương của tiệm trà Di Phát (quận 11)… Những tiệm trà danh tiếng một thời của Sài Gòn, vắt qua 2 thế kỷ đang lùi dần nhưng vẫn vương những vẻ đẹp của một thời trong tiềm thức người Sài Gòn.
|
Lê Vân quê Thanh Hóa. Từ những năm cấp II, thỉnh thoảng, cô cùng gia đình vào Sài Gòn theo những chuyến làm ăn. Thời đại học, cô bén duyên với mảnh đất này, trụ lại đến bây giờ. Thời gian chưa đủ lâu nhưng cũng đủ sâu để Vân nuôi dưỡng tình yêu với đất và con người nơi đây. Tình yêu đó giúp cô có những trải nghiệm tuyệt vời ở Sài Gòn.
Cái khéo của Lê Vân là sắp đặt cấu trúc những gì cô viết về Sài Gòn một cách logic. Với những người hiểu Sài Gòn đủ sâu, nhắc đến nơi này là nhắc đến đời sống trong những con hẻm đặc trưng. Tôi nhớ có người tếu táo đùa, sống ở Sài Gòn mà không biết “chặt hẻm” không phải người Sài Gòn.
Lê Vân dẫn ta đi từ hẻm nhà thùng quận 1 đến hẻm thiền quận Gò Vấp, xẹt qua hẻm chợ Phùng Hưng uống ly cà phê vợt đặc biệt thơm hương cà phê trộn hương bơ Pháp trăm năm, cùng với chút mùi rượu đế. Rồi lê la tới “Quán Nghèo” quận 10, ngó lời răn dạy của ông chủ quán mà thấm thía đời: “Phận nghèo chí không nghèo. Phú quý do trời ban. Đức độ lưu muôn phương”…
Sài Gòn có bao nhiêu là chợ, bấy nhiêu ngôi chợ mang trong mình bấy câu chuyện hay ho, là nơi cất giữ vô vàn ký ức đẹp đẽ của một thời. Từ chợ nhà giàu Phùng Hưng tới chợ Cũ Tôn Thất Đạm, sang chợ chảnh Tân Định, vòng về chợ Bến Thành, siêng thì chạy tới Chợ Lớn hoặc thèm món Bắc thì ghé chợ ông Tạ, thèm món miền Trung luồn vô chợ bà Hoa… Lê Vân không đi chợ để ngó nghiêng, mà là để lê la trò chuyện với những bà con bao năm bám chợ như nhà, để rưng rưng cùng bà Trương Muội: sống chết cũng phải bám chợ, đến khi… hết thở!
Sài Gòn đất chật, người đông. Trước khi có những tòa nhà cao ngất lộng lẫy như bây giờ, sau những biến cố, nhiều chung cư đã được xây dựng để giải quyết chỗ ở cho người dân. Hiện tại, dù nhiều chung cư trải qua cả thế kỷ đã xuống cấp nhưng kiến trúc độc đáo và vẻ đẹp hoài cổ của chúng vẫn mang lại dấu ấn riêng cho Sài Gòn. Ví như chung cư Nguyễn Huệ đã bất ngờ vụt sáng trên báo chí nước ngoài bởi chính vẻ đẹp hoài cổ… Vẻ đẹp đó, lần nữa, cũng hiện lên thật nhẹ nhàng trong trang viết của Lê Vân cùng những thông tin được chắt lọc từ những chứng nhân quan trọng còn bám trụ trong các chung cư cũ kỹ này.
“Lê la cà phê, ngõ hẻm Sài Gòn là một thứ mùi vị của Sài Gòn mà bạn có thể hít hà trong ly cà phê vào sáng sớm đầu ngày hoặc trong một buổi chiều tối phố xá lên đèn có mưa bay…” (Nguyễn Phong Việt).
Theo phụ nữ TPHCM