Chị về ngoại đã được một tuần, năm nay xác định đón Tết ở quê dài ngày hơn những năm khác. Lý do rất đơn giản, công ty kinh doanh không hiệu quả nên cho một số nhân viên nghỉ Tết sớm, cũng là cách để giảm chi phí.
Hôm đầu tiên vừa về tới, lúc cả nhà đang dùng cơm thì chị buột miệng: “Có khi qua Tết con nằm trong danh sách bị sa thải”. Bữa cơm bỗng nhiên chùng xuống. Ba chị lùa vội chén cơm rồi đứng dậy ra ôm cháu nằm trên cái võng đánh đưa tòn ten, mặt trầm ngâm suy nghĩ, chẳng buồn hào hứng giỡn với cháu như mọi lần. Còn má thì cũng im lặng thở dài, tiếng thở nghe buồn não ruột.
Khoảng 2 năm nay chị tự thấy mình không hề đem lại một tin tức vui vẻ nào cho gia đình. Mới năm ngoái chị kiên quyết nộp đơn ra tòa ly hôn, dù vợ chồng sống chung với số năm chưa tròn bàn tay. Con gái thì còn rất nhỏ, chị thẳng thắn đề nghị chồng chu cấp. Anh đồng ý mỗi tháng đều gửi một khoản tiền, nhưng không thể phủ nhận rằng từ ngày ly hôn, chị gặp rất nhiều khó nhọc. Công việc cũng chẳng thuận lợi là mấy vì con hôm ốm hôm đau. Bản thân chị sau khi sinh xong sức khỏe cũng xuống hẳn.
|
Khoảng 2 năm nay chị thấy mình không hề đem lại một tin tức vui vẻ nào cho gia đình (ảnh minh họa)
|
Càng ngày chị càng trở nên tiêu cực. Chị thấy cuộc đời mình sao mà nhiều xui rủi quá đỗi. Nếu có một sự vụ nào đó xảy ra, kiểu gì chị cũng nghĩ tới kết quả xấu, nghĩ mình là nạn nhân của cuộc đời nhiều chông gai, khắc nghiệt.
Như mới tuần trước đi khám, dù chỉ bị đau dạ dày kéo dài mấy hôm, chị cũng tưởng như mình mắc bệnh nan y. Trên đường tới bệnh viện, chị nghĩ tới cái đoạn mà mình ốm đau liệt giường không thể chăm lo cho con khôn lớn. Chị nghĩ ba mẹ nuôi mình chừng đó năm, công sức coi như đổ sông đổ biển. Rồi chị nhắn cho chồng cũ, dặn dò anh rằng nếu chị có gì thì cũng phải lo lắng, săn sóc con.
Báo hại ngày hôm ấy mọi người trong nhà bị một phen tá hỏa. Ai nấy bỏ dở hết công việc đang làm, xuống tận nơi xem chị bị làm sao. Kết quả khiến mọi người vừa bực vừa trách: “Sao mà con nhỏ làm quá, mấy chuyện như này đừng làm người khác hú hồn hú vía có được không?”.
Mấy ngày trị bệnh, chị khóc nhiều, không phải vì cơn đau mà vì ngẫm nghĩ lại những chuyện đã qua. Chuyện làm ăn chị cũng thất bại, chuyện hôn nhân cũng không thành, chuyện con cái phải để ông bà chăm lo. Chuyện bạn bè, chị cũng nợ nần người ta một số tiền. Hơn ba chục tuổi đầu, chị chỉ giỏi về gục mặt khóc, đau ốm cũng để má phải chăm.
Mỗi lần thấy con gái khóc, má đều nói: “Lúc rảnh có nghĩ thì nghĩ cái gì tươi sáng một chút, may mắn một chút, để mà vượt qua”.
Chị biết má tin vào việc nói những lời lạc quan sẽ đem lại điềm lành, vậy mà chị lâu lâu cứ lỡ miệng. Đợt này chị thấy áy náy, khi má bưng đồ ăn vào, chị cố gắng nói một câu vui vẻ: “Có khi qua năm mới, con hết hạn xấu, lại khỏe, lại giàu”.
Má vừa cười vừa giỡn: “Thì phải tin là vậy, rồi biết đâu y vậy đó”.
Ngày ra viện, chị mạnh dạn xin khất chủ nợ một thời gian, người ta cũng xuôi xuôi đồng ý. Có chút động lực, chị tìm việc mới, mạnh dạn gửi hồ sơ ứng tuyển, chủ động với cuộc đời, không chờ bên kia sa thải.
|
Chị biết những ngày tháng tới còn nhiều niềm vui (ảnh minh họa)
|
Những ngày cuối năm, má dúi vào tay chị ít tiền, nói má chỉ cho năm nay để chi tiêu nữa thôi đó. Chị cầm ít tiền trong tay, cố để không khóc. Hơn ba chục tuổi, chị nói câu nào câu nấy vẫn để má chỉnh lời, làm chuyện gì cũng tiêu cực. Nhưng cũng nhờ má, chị biết những ngày tháng tới còn vui.
Và những buổi trưa cận kề năm mới, chị bỗng thấy mình may mắn khi có thể ngắm nhìn ông cháu giỡn nhau trên chiếc võng màu xanh, thấy má lui cui dưới bếp chuẩn bị sên mứt dừa. Hơn hết, chị thấy má nói đúng: Hãy nghĩ về một năm mới nhiều may mắn, để quên hết những muộn phiền năm qua.
Mùi mứt dừa đã thơm phức, chị cũng thấy dễ chịu hơn để tận hưởng những hương vị cuộc đời.
Theo phụ nữ TPHCM